Siêu Ủy ban 100 tỷ USD: Ủy ban... toàn công chức đi quản lý?
Đại diện một Bộ chủ quản sở hữu lượng lớn Tập đoàn, Tổng công ty nói rằng: "Việc thành lập Ủy ban mà chỉ toàn công chức nhà nước đi quản lý thì sẽ rất khó".
- 18-07-2016Siêu Ủy ban 100 tỷ USD: Để chấm dứt những chuyện “bố bổ nhiệm con”…?
- 18-07-2016Khối tài sản 100 tỷ USD mà "Siêu ủy ban" doanh nghiệp quản lý có những gì?
- 18-07-2016Những điều cần biết về việc thành lập "siêu Ủy ban 100 tỷ USD"
- 17-07-2016"Siêu ủy ban": Khó đạt mục tiêu quản lý
- 17-07-2016“Siêu ủy ban” quản lý doanh nghiệp nhà nước liệu có siêu?
- 15-07-2016Sắp thành lập “siêu Ủy ban” 5 triệu tỷ đồng, DNNN sẽ phải tách khỏi Bộ chủ quản
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, trong đó có việc thành lập “Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp” (Ủy ban).
Trước thực tế có không ít các tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn Nhà nước làm ăn thua lỗ, việc thành lập một Ủy ban quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp để sử dụng vốn Nhà nước hiệu quả hơn là rất cần thiết theo nhiều chuyên gia. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể tách các Tập đoàn, Tổng công ty này ra khỏi các Bộ chủ quản không phải là việc đơn giản, khi đây là "nồi cơm" của nhiều Bộ, ngành và đụng đến nhiều lợi ích khác nhau.
Các Bộ chủ quản khi trao đổi về vấn đề này, cũng tỏ ra khá quan ngại trong việc tách các DNNN ra khỏi bộ chuyên ngành để đưa vào Ủy ban. Đại diện của một Bộ có khối lượng lớn các Tập đoàn, Tổng công ty nằm trong danh sách quản lý của Ủy ban mà dự thảo đã nêu, cho rằng cần xem xét cẩn thận đề án này vì có rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
"Thành lập một ủy ban kiểu cơ quan Nhà nước với mục tiêu tách quản lý Nhà nước với quản lý vốn, mà lại chuyển từ một cơ quan nhà nước sang một cơ quan nhà nước mới, thì chủ thể là không thay đổi. Đó là trục chính của câu chuyện nên sẽ khó khăn" - vị này băn khoăn.
Theo vị này, quản lý vốn nhà nước về nguyên tắc nên là các tổ chức tài chính thực hiện. Đơn cử như mô hình Temasec của Singapore, cũng đã được đưa ra nghiên cứu cách đây gần 20 năm và đã được các nhà quản lý của Việt Nam bàn về mô hình này.
Tuy nhiên, mô hình Temasec chỉ quản lý có 7 công ty, thực hiện đúng vai trò là quản lý vốn, tức là quản lý tất cả các dữ liệu của từng doanh nghiệp trên máy tính, có hệ thống kiểm soát chặt chẽ, hoạt động như một hội đồng quản trị, với các báo cáo có "số má" đâu vào đấy nên rất hiệu quả.
Trong khi đó, so sánh với Việt Nam vị này thẳng thắn nói: "Giờ thành lập Ủy ban toàn công chức nhà nước, quản lý 30 Tập đoàn, Tổng công ty, ngành nghề không nắm được, phương tiện hạn chế, công cụ quản trị không có thì sẽ rất khó".
Chưa kể, việc chuyển một doanh nghiệp có số vốn điều lệ và tài sản từ vài chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, không phải là câu chuyện đơn giản. Đơn cử, vị này cho biết gần 2 năm nay Bộ này đang thực hiện chuyển giao một tổng công ty đã cổ phần hóa sang cho SCIC mà vẫn chưa xong, cho dù đây là cơ quan quản lý vốn nhà nước, hoạt động tài chính chuyên nghiệp.
Tại Hội thảo trước đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem) khi bàn về chuyện thành lập Ủy ban chủ sở hữu Nhà nước, mặc dù đồng tình chuyện thành lập Ủy ban song một số bộ ngành và các DNNN cho rằng có rất nhiều vấn đề cần đặt ra với cơ quan này.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đồng tình rằng Ủy ban chủ sở hữu vốn Nhà nước phải thuộc Chính phủ, song cần làm rõ là kinh phí nhà nước cấp hay từ nguồn tự kinh doanh; bộ máy này hoạt động như thế nào để tránh cồng kềnh hiệu quả cũng là vấn đề đặt ra.
"Vấn đề nữa là khi cơ quan này ra thì các bộ, các ngành phải giám sát về chuyên môn. SCIC sẽ trực thuộc cơ quan này. Nó như một tổng công ty trực thuộc tập đoàn, chúng ta phân cấp nó ra. Cần thống nhất cơ quan này phải trực thuộc Chính phủ" - Đại diện Bộ Giao thông Vận tải nói.
Còn đại diện của một tập đoàn Nhà nước lớn, sở hữu nhiều dự án đầu tư lên tới hàng tỷ USD mỗi năm thì cho rằng, hiện Tập đoàn đã có Chính phủ, Bộ chủ quản lý quản, nên đưa về Ủy ban quản lý thì cần làm rõ cơ quan chuyên trách có quản lý ngành, và quản lý phần vốn nhà nước ra sao. Bởi mỗi Tập đoàn, Tổng công ty đều có chức năng quản lý riêng trong từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.