Ông Nguyễn Văn Bình: Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước "cứ mơ về nhau"
"DNNN được giao nguồn lực nhưng cơ chế không cho phép làm, họ ước có nguồn lực rồi mà có cơ chế như doanh nghiệp tư nhân thì nhất", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết
- 25-07-2019Hà Nội có kế hoạch thu phí phương tiện vào nội đô
- 25-07-2019Việt Nam lần đầu tiên có Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh
Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 17, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 trong ngày 26/7.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã chỉ rõ một số nội dung quan trọng cần nhanh chóng xử lý.
Thứ nhất, ông cho biết vấn đề được Đảng rất quan tâm trong thời gian gần đây là về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, hoạt động đến thời điểm hiện tại là 8 tháng.
"Có nhiều ý kiến nói rằng từ khi thành lập đến nay, Uỷ ban đã gây ra nhiều khó khăn, chậm trễ trong xử lý công việc của tập đoàn, tổng công ty. Chúng tôi đã được nghe phản ánh ý kiến đó", ông Bình nói.
Theo ông, sự vụ cần phải nhìn từ hai phía. Mô hình Uỷ ban này là rất mới, đặc biệt không có mô hình nào chung trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ có kiểu riêng biệt. Do vậy, Việt Nam không có tiền lệ để học hỏi.
"Tất nhiên cái gì mới sẽ còn bỡ ngỡ, bỡ ngỡ ngay cả với những người được giao nhiệm vụ và với cả chúng ta. Vấn đề quản lý vốn hết sức phức tạp", ông nhấn mạnh.
Cũng chính vì lý do mới nên cán bộ chưa được tôi luyện, chưa có kinh nghiệm. "Từ chỗ mô hình mới, đội ngũ cán bộ chưa chuyên nghiệp, chưa chuyên sâu nên việc hình dung ra các công việc có thể chưa được đầy đủ, cách thức xử lý công việc có thể chưa đúng, chưa trúng", ông Bình nhìn nhận các yếu tố khách quan.
Mặt khác, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng Uỷ ban quản lý vốn nhà nước có chức năng động chạm nhiều nơi, do đó, khi đưa ra cơ chế mới sẽ có những mâu thuẫn, nút thắt mà phải mất nhiều thời gian mới quen được.
"Quá trình đó cũng không có gì để chúng ta phải ngạc nhiên. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta cứ kệ nó, chúng ra phải luôn luôn theo dõi để xử lý. Muốn xử lý được phải xem cái gì mình đúng, cái gì mình sai", ông nói.
Theo ông, Văn kiện đại hội Đảng 12 đã nói đến việc thành lập cơ quan này. "Chúng ta cũng đã nói đến việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn của doanh nghiệp và đã có mô hình này".
"Trong 8 – 9 tháng vừa rồi, chúng ta đánh giá việc triển khai cơ chế này như thế nào, nó có đi vào cuộc sống không. Tôi cũng đã làm việc với ông Hoàng Anh. Ban Kinh tế Trung ương cũng đã gửi công văn yêu cầu báo cáo đối với Ủy ban quản lý vốn, và các tập đoàn, tổng công ty để chúng ta tham gia ý kiến. Sau đó sẽ có 1 hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì", ông thông tin.
Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước "cứ mơ về nhau"
Một vấn đề khác được ông Nguyễn Văn Bình đề cập liên quan đến hoạt động của khối DNNN và doanh nghiệp tư nhân.
"Vừa rồi có nhiều ý kiến hỏi với tình hình dư luận xã hội có vẻ không thiện cảm với DNNN. Chính vì nhận biết được chuyện đó nên chúng ta phải tổ chức triển khai rất quyết liệt Nghị quyết 12 để lấy lại hình ảnh", ông nói.
Theo đó, kinh tế nhà nước vẫn được xem là chủ đạo mà DNNN là một bộ phận vật chất quan trọng. "Nhiều người nói rằng chúng ta là nhà nước, nhưng kinh tế tư nhân phát triển thế kia, và muốn xóa bỏ vai trò của kinh tế nhà nước, vì tham ô, tham nhũng… nhưng điều đó hoàn toàn không đúng", ông khẳng định.
Cụ thể, Nghị quyết cũnglàm rõ DNNN sẽ tập trung vào làm các lĩnh vực cốt yếu, an ninh quốc phòng… nơi mà khối tư nhân không làm được. "Chủ đạo không phải cái gì cũng làm mà phải có tính định hướng dẫn dắt. Chúng ta đang tiếp tục cơ cấu lại".
Đối với khu vực tư nhân, ông Bình nhấn mạnh định hướng: Lĩnh vực nào tư nhân làm được thì cho làm thông qua cổ phần hoá, thoái vốn.
"Tôi xin khẳng định Đảng và Nhà nước coi DNNN là bộ phận rất quan trọng, và kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nghị quyết 12 đưa ra, theo định hướng đến năm 2030 kinh tế nhà nước chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng GDP, còn lại là các thành phần kinh tế khác đặc biệt là kinh tế tư nhân", ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn bình cũng nhắc đến ý kiến cho rằng khi được hỏi, các doanh nghiệp tư nhân bảo mơ ước có được cơ chế như DNNN, nhưng DNNN lại cũng ước được cơ chế như doanh nghiệp tư nhân. Có nghĩa là hai bên "cứ mơ về nhau".
"DNNN được giao nguồn lực nhưng cơ chế không cho phép làm, họ ước có nguồn lực rồi mà có cơ chế như doanh nghiệp tư nhân thì nhất. Nghị quyết 12 sẽ giải quyết được ước mơ đó", ông nói.