MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước: Bộ nào bị đụng đến “nồi cơm” nhiều nhất?

Tại danh sách dự kiến doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển giao cho Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước làm đại diện chủ sở hữu nhà nước có tới 12/30 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương.

Sau thời gian dài "thai nghén", Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chính thức công bố dự thảo Nghị định trong đó đề cập việc thành lập Ủy ban chuyên quản lý các doanh nghiệp nhà nước , thay vì để tại các bộ ngành, địa phương như hiện nay.

Dự kiến, “siêu uỷ ban” này sẽ quản lý tới 30 Tập đoàn, Tổng công ty, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý việc sản xuất kinh doanh.

Tại danh sách này, Bộ Công Thương có 12 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Và các Tổng công ty là Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapago), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL).

Bộ Giao thông vận tải với 5 Tổng công ty là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC).

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với 5 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Bộ Xây dựng với 3 Tổng công ty: Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp (Idico), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).

Bộ Tài chính với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước ( SCIC ) và Tập đoàn Bảo Việt (Baoviet Holdings).

Bộ Thông tin truyền thông với 2 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC).

Bộ Y tế chỉ có một Tổng công ty là Tổng công ty Dược Việt Nam.

Trong đó, đáng chú ý, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương mặc dù đã cổ phần hoá nhưng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn rất lớn.

Cụ thể, tại Sabeco, Habeco dù đã cổ phần hoá 8 năm nhưng tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Sabeco ở mức gần 90%, trong khi Habeco là 82%. Tại VNSTEEL tỷ lệ sở hữu nhà nước lên đến 94%, và tại Petrolimex là 89%.

Xét về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, thu ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp top đầu hầu hết đều là những doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước gửi Quốc hội tháng 11/2015 cho thấy, những Tập đoàn, Tổng công ty có lợi nhuận trước thuế đạt cao hơn 2.000 tỷ đồng là PVN (67.846 tỷ đồng), EVN (5.351 tỷ đồng), VNPT (6.373 tỷ đồng), SCIC (6.009 tỷ đồng), VEAM (3.344 tỷ đồng), ACV (3.308 tỷ đồng), VRG (2.873 tỷ đồng), TKV với (2.816 tỷ đồng).

Doanh thu lớn thuộc về các Tập đoàn, Tổng công ty: PVN (381.359 tỷ đồng), EVN (209.241 tỷ đồng), TKV (80.205 tỷ đồng), ACV (70.611 tỷ đồng), VNPT (68.495 tỷ đồng), Vinachem (41.234 tỷ đồng).

Thu vào ngân sách nhà nước lớn có PVN với 125.789 tỷ đồng, EVN (15.012 tỷ đồng), TKV (12.863 tỷ đồng), Vinataba (8.460 tỷ đồng), VNPT (6.441 tỷ đồng). SCIC (5.289 tỷ đồng) và Vietnam Arilines (3.120 tỷ đồng)…

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên