MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Siêu ủy ban” sẽ quản vốn nhà nước như thế nào?

Áp dụng kinh tế số để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu với một cơ chế giám sát hiện đại, minh bạch sẽ giúp “siêu ủy ban” quản lý hiệu quả dòng vốn nhà nước luân chuyển trong quá trình đầu tư của các DNNN trực thuộc thông qua phần mềm phân tích, cảnh báo. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất lúc này là cần sớm ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để “siêu ủy ban” chính thức được vận hành.

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Theo dõi trực tiếp hoạt động của DN

Lỗ hổng về giám sát, quản lý vốn nhà nước kỳ vọng sẽ được “vá” sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, còn được biết đến với tên gọi “siêu ủy ban”, chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Được thành lập vào đầu tháng 2/2018, đến nay, sau 6 tháng được thành lập, nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của “siêu ủy ban” vẫn chưa được ban hành, vì thế, cơ quan này chưa chính thức đi vào hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc chưa có danh sách cuối cùng các DN được chuyển giao về “siêu ủy ban”.

So với dự thảo lần 1, số lượng DN dự kiến chuyển giao về “siêu ủy ban” có biến động khá lớn, từ chỗ 30 tập đoàn, tổng công ty thì hiện chỉ còn 20 tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, theo thông tin chưa chính thức, tại dự thảo mới nhất con số này đã giảm xuống dưới 20 DN. Số vốn dự kiến được chuyển giao về “siêu ủy ban” là rất lớn.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách đổi mới DN (CIEM) cho biết, “siêu ủy ban” dự kiến quản lý một nguồn lực rất lớn, lên đến 820 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước và 1,5 triệu tỷ đồng tài sản DN, tương đương 50% giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước và tổng giá trị tài sản của khu vực DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Với quy mô vốn tương đối lớn, số lượng DN nhiều, các công ty con - cháu cũng lớn, nhiều ý kiến cho rằng, nếu quản lý theo phương cách cũ thì trong thời gian dài chưa chắc “siêu ủy ban” đã nắm được các DN này.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, để kiểm soát tốt nguồn vốn nhà nước tại các DN trực thuộc, các giải pháp công nghệ phải được áp dụng triệt để trong vận hành “siêu ủy ban”, sản xuất, quản trị DN cũng phải minh hơn và việc ra quyết định phải dựa trên những dữ liệu lớn, nhờ đó đạt được 3 mục tiêu: Luôn có quyết định nhanh chóng, độ chính xác tốt và loại trừ được tất cả những yếu tố chủ quan của một vài cá nhân vào các quyết định được ban hành, giúp quá trình ra quyết định minh bạch hơn.

Như vậy, điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là với những quyền lực lớn như trên, “siêu ủy ban” sẽ quản lý vốn Nhà nước tại các DN như thế nào? Về vấn đề này, được biết, tận dụng công nghệ thông tin đang rất phát triển, “siêu ủy ban” đang xây dựng hệ thống cổng thông tin và sẽ thực hiện quản lý DN trên cơ sở các bộ chỉ số. Việc tiếp cận DN sẽ dựa trên 3 yếu tố: Mô hình công nghệ thông tin, cơ sơ dữ liệu trực tuyến (trong đó sẽ có các bộ chỉ số phần mềm giám sát DN nhằm phân tích và cảnh báo về hoạt động của DN) và giám sát, quản lý DN thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ làm sao để vốn nhà nước tại DN có hiệu quả cao nhất.

Theo tính toán, số lượng DN dự kiến chuyển giao về “siêu ủy ban” sẽ được chia làm 4 nhóm và sẽ có bộ chỉ số chung. Sau khi tiếp nhận về “siêu ủy ban” sẽ có bộ chỉ số riêng cho từng nhóm DN và của từng DN. Mục tiêu của việc áp dụng bộ chỉ số này là để kết nối, giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động của DN, qua đó nắm được tất cả tình hình của DN, đặc biệt là việc tăng giảm giá trị vốn nhà nước, tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, tiền lương… Để phục vụ cho mục tiêu này, hiện cơ quan này đang khảo sát hạ tầng thông tin của các DN tiến tới kết nối thông tin, nắm dữ liệu thông tin DN.

Sử dụng phần mềm phân tích, cảnh báo

Được biết, một phòng điều hành trung tâm sẽ được bố trí tại cơ quan “siêu ủy ban”, qua đó, lãnh đạo DN có thể kết nối trực tiếp với cơ quan này để trao đổi công việc hàng ngày, hoặc những thông tin số liệu cần cập nhật ngay. Với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, “siêu ủy ban” có thể nắm được số liệu của DN hàng tuần mà không cần phải đợi hàng tháng, hàng quý DN báo cáo về, do đó những biến động an toàn hay không an toàn của dòng vốn cơ quan này đều nắm được. Việc giám sát quản lý này trên tinh thần quản lý sử dụng đồng vốn hiệu quả, không can thiệp cụ thể vào các hoạt động của DN.

Với các dữ liệu về tài chính, phần mềm quản lý sẽ cho biết các hệ số như: Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình của tất cả các DN đang ở mức bao nhiêu, lợi nhuận trước thuế tăng hay giảm, nộp ngân sách của các DN như thế nào, vốn chủ sở hữu ở mức độ bảo toàn vốn là bao nhiêu… Đây là những số liệu tổng thể mà nhìn vào đó có thể thấy tổng số vốn của Nhà nước giao cho Ủy ban theo dõi đang có biến động như thế nào. Phần mềm có 6 mục chính để đánh giá DN gồm: Tình hình tài chính; tình hình kinh doanh; theo dõi việc đầu tư các dự án; theo dõi về tiền lương; quản trị; tái cơ cấu DN. Tình hình tài chính sẽ có thông tin hiệu quả tài sản đầu tư, hiệu quả vốn, dòng tiền, chỉ số nợ, khả năng thanh toán. Tất cả những số liệu này đều lấy từ báo cáo của DN mà “siêu ủy ban” nhận được hàng năm (báo cáo lưu chuyển tiền tệ, kết quả kinh doanh, cân đối kế toán…). Khi có các báo cáo này, hệ thống phần mềm sẽ tự động cập nhật các chỉ số, chạy các bảng biểu để có thể theo dõi được.

Một điểm đáng lưu ý là phần mềm sẽ đặt ra các ngưỡng an toàn của các chỉ số. Theo đó, từ các dữ liệu được nạp vào, phần mềm sẽ động chạy ra các chỉ số, các chỉ số này được so sánh với các chỉ số khác và tạo ra ngưỡng cảnh báo. Nếu các chỉ số chạy ra ngoài ngưỡng an toàn thì sẽ xuất hiện các biển cảnh báo, khi đó những người quản trị DN sẽ phải xem tại sao có cảnh báo, nhìn nhận lại toàn bộ quy trình để xem có đáng lo ngại hay không. Khi bị cảnh báo, bắt buộc các DN đến kỳ báo cáo phải có sự cải thiện trong các báo cáo, nếu không “siêu ủy ban” sẽ phải ra văn bản chỉ đạo với DN, nếu DN không thực hiện sẽ bị xử lý.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thành lập “siêu ủy ban”, xây dựng hệ thống thông tin giám sát hiện đại để quản lý vốn là bước tiến lớn, nhưng để làm được điều này cần nhiều thứ khác, phụ thuộc vào việc DN có nhập dữ liệu để đánh giá hay không. Nếu tập đoàn, tổng công ty không nhập dữ liệu, Ủy ban có xử lý được không? Theo đó, ông cho rằng “thẩm quyền Ủy ban phải mạnh hơn, vừa phải có “củ cà rốt” và cả “cây gậy” mạnh thì mới thực hiện được. Cần hỗ trợ để “siêu ủy ban” hoạt động. Nếu không tạo những điều kiện, công cụ, quyền lực, nhân lực và động lực thì sẽ có những hạn chế và sẽ không đạt được kỳ vọng”. Đồng thời ông nhấn mạnh, điều cần thiết nhất lúc này là cần nhanh chóng đưa ủy ban đi vào hoạt động để ổn định tình hình của các DNNN.

Theo Hoài Anh

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên