Singapore là quốc gia ASEAN thứ hai công bố kết quả kinh tế quý 1: Cao hay thấp so với Việt Nam?
Singapore có mức tăng trưởng nền quý 1/2021 thấp hơn so với Việt Nam. Trong quý 1/2021, Singapore tăng trưởng 1,3%, trong khi Việt Nam tăng trưởng 4,48%.
Theo dữ liệu được công bố sáng ngày 14/4, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 3,4% so với cùng kỳ trong quý 1/2022, giảm so với mức tăng 6,1% trong quý trước đó.
Sau khi hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ, nền kinh tế tăng trưởng 0,4%, chậm hơn mức tăng 2,3% trong quý trước.
Cụ thể, khu vực sản xuất đã tăng trưởng 6,0% so với cùng kỳ trong quý 1/2022, giảm so với mức tăng trưởng 15,5% trong quý trước. Tăng trưởng được hỗ trợ bởi việc tăng sản lượng ở tất cả các nhóm ngành, ngoại trừ nhóm hóa chất. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp điện tử và cơ khí chính xác tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu tăng đối với chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn tương ứng.
Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ trong quý 1, chậm hơn so với mức tăng 2,9% trong quý trước. Mức tăng trưởng của ngành này vẫn thấp hơn 25,3% so với mức trước đại dịch (tức là quý đầu tiên của năm 2019), do hoạt động tại các công trình xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lao động.
Về dịch vụ, nhóm các lĩnh vực bao gồm thương mại bán buôn và bán lẻ, vận tải và kho bãi đã tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên, thấp hơn mức tăng 4,2% trong quý trước. Tất cả các lĩnh vực trong nhóm ngành này đều tăng trưởng. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại bán buôn tăng trưởng mạnh mẽ, song song với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Singapore. Ngành vận tải và kho bãi cũng tăng trưởng, một phần do nền thấp từ cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tăng trưởng thương mại và vận tải trong quý 1 vẫn thấp hơn 1,2% so với mức trước đại dịch.
Nhóm lĩnh vực thông tin truyền thông, tài chính bảo hiểm và dịch vụ chuyên nghiệp tổng hợp tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng 6,6% trong quý trước. Tất cả các lĩnh vực trong nhóm ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng. Đặc biệt, tăng trưởng trong lĩnh vực thông tin truyền thông tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ về các giải pháp CNTT và kỹ thuật số, trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm được thúc đẩy một phần nhờ các hoạt động phụ trợ cho dịch vụ tài chính và phân khúc bảo hiểm.
Nhóm các ngành dịch vụ còn lại (tức là dịch vụ lưu trú và ăn uống, bất động sản, dịch vụ hành chính hỗ trợ và các ngành dịch vụ khác) tăng trưởng 3,0% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1, nhanh hơn mức tăng 1,6% trong quý trước. Tất cả các ngành trong nhóm đều tăng trưởng, ngoại trừ ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú. Hoạt động yếu kém của ngành này chủ yếu là do nhu cầu của Chính phủ Singapore đối với các phòng khách sạn để làm cơ sở cách ly đã hết, khi Singapore chuyển sang sống chung với Covid-19.
Trước đó, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, kinh tế Việt Nam quý 1/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với Singapore. Con số này cũng cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý 1/2021 và 3,66% của quý 1/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1/2019.
Singapore có mức tăng trưởng nền quý 1/2021 thấp hơn so với Việt Nam. Trong quý 1/2021, Singapore tăng trưởng 1,3%, trong khi Việt Nam tăng trưởng 4,48%.