MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Smartphone và Internet rất phổ biến, tại sao thanh toán không tiền mặt vẫn phát triển chậm ở Việt Nam?

28-09-2018 - 11:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Trên 60% dân cư sống ở vùng nông thôn, thế nhưng người dân khu vực này đang gặp rất nhiều rào cản và khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính cả truyền thống lẫn hiện đại.

Tại Hội nghị Đẩy mạnh Thanh toán Không dùng tiền mặt khu vực nông thôn tổ chức sáng nay (28/9), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được xác lập, ngày càng hoàn thiện. Hệ thống văn bản từ Luật, Nghị định đến Thông tư đã được ban hành, tạo sự đồng bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong phát triển TTKDTM; tăng cường công tác quản lý thanh toán bằng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

NHNN cũng đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm mọt số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần chú trọng phát triển hơn nữa, đặc biệt trong công tác triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và giảm thiểu chi phí xã hội.

Trong khi đó, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch TƯ Hội nông dân cung cấp thông tin, đến thời điểm hiện nay, có khoảng 40% nông dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng nhưng hơn 90% chi tiêu hàng ngày là bằng tiền mặt. Trong các giao dịch qua ATM, rút tiền vẫn là chủ yếu, chiếm đến 98% khối lượng giao dịch.

Tại vùng nông thôn, bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại từ ngân hàng hay tổ chức tài chính khác. Thống kê không chính thức, tại vùng sâu vùng xa, bình quân chỉ có 2 đến 3 điểm giao dịch trong khi trung bình ở thành phố, thành thị, thị xã là gấp đôi- khoảng 4 điểm. Tiêu dùng tiền mặt đã bám sâu vào thói quen chi tiêu của người nông dân không dễ thay đổi.

Ngoài ra, hàng loạt loại phí dịch vụ như phí thường niên, phí SMS Banking...cùng với quy trình mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký phức tạp khiến người dân e ngại sử dụng.

Điểm rào cản quan trọng nữa là tâm lý lo ngại rủi ro. Các phương thức thanh toán hiện đại đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với nhiều rủi ro lừa đảo và tin tặc. Thực tế tại Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều tội phạm mạng tấn công chiếm đoạt tiền của người dân, đặc biệt những người ở nông thôn có am hiểu và kiến thức tài chính còn hạn chế.

"Nếu người dân hiểu biết đầy đủ sẽ cảm thấy an toàn, tiện lợi hơn khi sử dụng dịch vụ. Cần để cho người dân tự thấy được lợi ích của dịch vụ, tự quyết định các hình thức lựa chọn, xuất phát từ nhu cầu của chính khách hàng", ông Phạm Tiến Nam nói.

Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho hay, trên toàn quốc hiện có hơn 18.200 cây ATM, 289.000 máy POS (tăng 7,5% so với cuối năm 2017), số tài khoản đạt trên 72 triệu tài khoản cá nhân, tăng 5% so với cuối năm 2017. Số người có tài khoản ngân hàng tăng lên 43 triệu người, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên (số liệu cuối tháng 6/2018). Số lượng ví điện tử  đã KYC (định danh khách hàng) đạt 5,67 triệu ví trong khi tổng số ví điện tử đăng ký đã lên khoảng 10 triệu ví (Q1/2018).

Ngoài những nguyên nhân khiến thanh toán không tiền mặt bị hạn chế như thói quen người dân, cơ sở pháp lý thiếu thốn, các điểm tiếp cận dịch vụ ngân hàng chủ yếu ở thành thị; ông Sơn cho rằng hiện nay còn thiếu cơ sở dữ liệu kinh doanh điện tử được khai thác chung, sản phẩm thiết kế chưa phù hợp cho từng đối tược và hiện nay Chiến lược tài chính toàn diện vẫn chưa được ban hành.

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí cho biết, 99% thanh toán dưới 100 nghìn đồng là thanh toán bằng tiền mặt. Internet và điện thoại di động phát triển và rất phổ biến tại Việt Nam, có đến 58 triệu người dùng Facebook. "Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao, người dân sử dụng Facebook nhưng không thể sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt dù đều dựa trên Internet? Hạn chế, nguyên nhân từ đâu? Tại Trung Quốc, từ những người hàng rong đến bán hàng nhỏ lẻ đều sử dụng thanh toán qua Internet, tại sao Việt Nam không làm được như thế dù có hệ thống công nghệ thông tin hết sức phát triển?", ông Lợi nói.

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên