Sở có 44 lãnh đạo, 2 chuyên viên: Nhiều phó phòng xin tự rút lui
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường xác nhận thông tin Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người có chức vụ từ phó phòng trở lên, chỉ 2 chuyên viên.
- 05-11-2016Một sở có 44 lãnh đạo, 2 chuyên viên: Khó có lý giải thuyết phục
- 02-11-2016Một sở 44 lãnh đạo: Hải Dương không phải là duy nhất
- 01-11-2016Đại biểu Quốc hội lên tiếng vụ 'một sở có 44 lãnh đạo'
- 29-10-2016Sở 46 người có 44 quản lý: Lãnh đạo Sở thừa nhận thiếu sót
Trước câu hỏi của phóng viên về kết quả xử lý vụ việc ở Sở LĐ-TB&XH Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường xác nhận: Đúng như các cơ quan báo chí phát hiện, cơ quan này có 46 người, thì có 44 lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên.
Ông Cường giải thích, dù tỉnh Hải Dương chưa có quy định về số lượng cấp phó ở một Sở nhưng theo quy định, thông lệ chung thì ngoài 4 vị trí lãnh đạo, mỗi Sở thì chỉ được thêm 22 người giữ chức Trưởng, Phó phòng.
"Như vậy, việc bổ nhiệm tới 44/46 người vào các chức danh lãnh đạo ở đây là sai quy định. Hiện Sở này đang chấn chỉnh việc sai phạm. Phương án đề ra là, những người được bổ nhiệm cấp Phó phòng tại đây tự xin rút lui. Như vậy, sẽ chỉ còn 27 chức danh lãnh đạo tại Sở này" – ông Cường thông tin.
Nói thêm về vụ việc tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc tồn tại đến 44 cán bộ lãnh đạo tại một Sở như vậy là "không thể chấp nhận được".
"Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoàn thiện báo cáo về kiểm tra, thanh tra công vụ sau đó báo cáo Thủ tướng sớm để có giải pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cũng theo người phát ngôn của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã đề ra ba nhóm giải pháp rất quan trọng về triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về chỉnh đốn xây dựng Đảng. Trước hết, Chính phủ yêu cầu các cấp lãnh đạo phải mẫu mực thực hiện và học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết 04, đánh giá đội ngũ cán bộ công chức viên chức hàng năm.
Nhóm giải pháp thứ hai là xây dựng cơ chế chính sách. Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương tiếp thu tinh thần góp ý của các thành viên Chính phủ, quan tâm đến vấn đề xây dựng thể chế, tránh lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, hoàn thiện các chính sách, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, tránh việc một việc giao cho nhiều cơ quan chồng chéo, đan xen.
Nhóm vấn đề thứ ba là về kỷ luật, kỷ cương. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ…
"Báo chí cũng đặt vấn đề ở các địa phương, bộ, ngành khi thực hiện quy trình cán bộ đều nói thực hiện đúng quy trình. Vậy quy trình như thế nào? Vấn đề công khai, minh bạch và đặc biệt là chủ động công khai với các cơ quan báo chí, công khai với dân để có sự giám sát của báo chí, dân về công tác cán bộ như thế nào? Thủ tướng đã từng phát biểu thi tuyển để tìm người tài chứ không phải người nhà. Đây cũng là một nội dung được nhấn mạnh trong Đề án thực hiện quy trình tuyển dụng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Theo VTV