So găng tăng trưởng Việt Nam với những quốc gia cùng đua tới danh hiệu "con hổ mới của châu Á"
Theo số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng bình quân của Việt Nam trung bình đạt 5,85%/năm trong giai đoạn từ 2011 - 2021. Mức độ tăng trưởng này nằm ở vị trí nào so với các nước cũng được gọi là "con hổ mới của châu Á"?
- 09-06-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu
- 09-06-2022Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất
- 09-06-2022Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Phân lô bán nền không đúng quy định ở một số địa phương
Trong giai đoạn từ 2011 - 2021, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng dương 10 năm liên tiếp, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây khi tình hình dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam từ 2011 - 2021. Nguồn: IMF
Từ 2011 - 2019, tăng trưởng của Việt Nam đều đạt mức trên 5%. Đến năm 2020, do bùng phát dịch bệnh nên tăng trưởng kinh tế giảm xuống chỉ còn 2,94%, nằm một trong số ít các quốc gia trong khu vực có tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, đến làn sóng bùng phát vào cuối tháng 4/2021, các khu công nghiệp, khu vực có hàng loạt trung tâm sản xuất thiết bị điện tử quan trọng, đã phải tạm thời đóng cửa. Điển hình như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, những nơi được xem là "thủ phủ" ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Vì vậy, do thiệt hại từ dịch bệnh trong năm 2021, tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục giảm còn 2,58%. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, mức tăng trưởng này thấp hơn so với các dự báo của các tổ chức quốc tế, do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh đã tốt hơn ở nhiều quốc gia, cùng với đó là sự hồi phục của các nền kinh tế. Các quốc gia bắt đầu có sự hồi phục từ tăng trưởng âm của năm 2020.
Tăng trưởng bình quân của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực giai đoạn 2011 - 2021. Nguồn: IMF
So sánh giữa các nước được cho là có tiềm năng trở thành "con hổ mới của châu Á", trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của Bangladesh đạt 6,41%, Ấn Độ đạt 4,8%. Trong khi đó, tăng trưởng bình quân Việt Nam ở mức 5,85% và xếp thứ 2 trong các nước này.
Tờ Business Times (Singapore) nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành "con hổ mới của châu Á" với 6 lý do: sự bùng nổ của tầng lớp giàu có, tài trợ cho khởi nghiệp, đẩy mạnh năng lượng tái tạo, sự "khát" lao động, thị trường bất động sản phát triển và nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.
Ngoài ra, các tổ chức thế giới cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 5-6%. Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần lượt dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 5,3% và 5,2%.
Trong khi đó, IMF dự báo năm 2022, tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 6,05% và có thể lên đến 7,25% vào năm 2023.