MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sổ hồng chung cư, món nợ…đòi chán phải bỏ

21-12-2019 - 08:35 AM | Bất động sản

Bỏ tiền tỷ mua căn hộ nhưng nhiều người cho biết họ bức xúc vì không khác gì ở nhà thuê. Khổ sở nhất là phải đi đòi sổ đỏ như đòi nợ nhưng chủ đầu tư thì mặc nhiên “cù nhầy”.

Thị trường ảm đạm ở nhiều phân khúc. Tranh chấp ở các dự án mới không nhiều. Tuy nhiên, riêng về tranh chấp âm ỉ ở các chung cư vẫn đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn Tp.HCM mà một trong những tranh chấp phổ biến đó là cư dân căng băng rôn đòi sổ hồng.

Tình trạng cư dân căng băng rôn đòi sổ đỏ thường xảy ra sau khoảng 3-5 năm sau khi nhận nhà. Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được thu giá trị căn hộ đến 95% khi bàn giao nhà cho cư dân, 5% còn lại cư dân sẽ đóng cho chủ đu tư khi có sổ hồng. Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều chung cư trên địa bàn Tp.HCM chủ đầu tư dường như không còn cần đến 5% còn lại này nữa. Thực tế, tình trạng tranh chấp sổ đỏ xảy ra nhức nhối, trong đó có những chung cư 7-10 năm vẫn chưa có sổ đỏ. Một trong những nguyên nhân phổ biến đó chủ đầu tư thay đổi công năng các diện tích chung so với bản vẽ, chủ đầu tư mang dự án thế chấp ngân hàng… và ti tỉ những nguyên do khác khiến cho cư dân mệt mỏi vì phải chờ đợi quá lâu.

Mới đây, rất nhiều cư dân tại chung cư Trương Đình Hội (quận 8, Tp.HCM) đã phải treo băng rôn tại ban công căn hộ với nội dung yêu cầu chủ đầu tư bàn giao sổ hồng.

Một cư dân tại đây cho biết, dự án đã bàn giao nhà từ năm 2013 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để làm sổ hồng cho cư dân. Người dân muốn chuyển nhượng, thế chấp căn hộ vì mục đích cá nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, trên địa bàn thành phố hiện còn khoảng 15.000 trường hợp tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do không đủ điều kiện cấp theo quy định pháp luật như: lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch, chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/1/12008, vi phạm về đất đai, xây dựng chưa được xử lý, giấy tờ không có nguồn gốc rõ ràng…

Trong khi đó, nhiều cư dân cho biết họ đã mệt mỏi vì phải bỏ công bỏ việc đi tranh đấu với chủ đầu tư để đòi quyền lợi về tờ GCNQSH căn hộ. Thậm chí, nhiều người chấp nhận “bỏ nợ” vì quá mệt mỏi sau nhiều năm trời trông ngóng.

Anh Nguyễn Tiến Linh (ngụ Quận 5, Tp.HCM) biết 2 vợ chồng anh mua một căn hộ chung cư vào 2014, đến nay đã 5 năm trôi qua nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, chủ đầu tư hứa hẹn với anh Linh rằng sau khi nhận nhà chỉ 2 tháng sau là sẽ hoàn thành hồ sơ xin cấp sổ đỏ và 1 tháng sau đó sẽ bàn giao cho cư dân.

“Người ta hứa hẹn là 3 tháng có, rồi chúng tôi vác băng rôn đi đòi họ lại hứa là năm sau sẽ có. Câu hứa hẹn năm sau sẽ có đến nay đã 5 lần hứa hẹn rồi nhưng không thấy đâu. Cư dân ở đây bức xúc lắm, chúng tôi nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư họp với ban quản trị để tìm ra phương án nhưng sau mỗi cuộc họp mọi chuyện lại đâu vào đấy”, Anh Linh kể.

Tương tự trường hợp của anh Linh, vợ chồng Trịnh Thị Nghị (ngụ Quận Tân Bình) cho biết gia đình chị mua 2 căn hộ ở quận Tân Phú để đầu tư. Thế nhưng từ khi nhận nhà đến nay đã 6 năm trôi qua vẫn không có sổ đỏ. Hiện tại, chị Nghị vẫn cho thuê 2 căn nhà nói trên vì rao bán nhiều tháng trời không ai mua.

“Chung cư thì thời hạn sử dụng chỉ có 50 năm, mà đến nay 6 năm rồi vẫn chưa có sổ đỏ nên có muốn bán đi kiếm lời cũng khó. Chưa kể, nhiều qua qua tôi đã đầu tư nhiều nội thất cho 2 căn hộ trên nhưng đến nay bán ra cũng chỉ chênh được khoảng 100 triệu là nhiều. Đòi thì chúng tôi cũng đòi nhiều rồi nhưng đủ thứ rắc rối kéo đến, cư dân ở đây họ cũng mệt mỏi cả rồi”, chị Nghị cho hay.

Có thể nói, mua được căn nhà đã là niềm hạnh phúc lớn lao của mọi gia đình. Tuy nhiên, khi mà chưa cầm trong tay tờ GCNQSH căn hộ, nhiều cư dân vẫn bất an trong chính ngôi nhà của họ. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có đến cả ngàn chung cư chưa cấp sổ hồng sau nhiều năm đưa vào sử dụng. Luật đã quy định rõ ràng về mức chế tài xử phạt, mức xử phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng nhưng tình trạng chậm cấp sổ đỏ vẫn nhức nhối và khó xử lý ở các dự án căn hộ.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên