MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu loại củ "quốc bảo" của Việt Nam, vùng đất này sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia

18-01-2024 - 13:33 PM | Thị trường

Tổng diện tích trồng loại củ này trên địa bàn tỉnh là gần 1.800 ha, phấn đấu đến năm 2030, diện tích lên khoảng 10 nghìn ha với 100 triệu cây.

Kon Tum sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia

Mới đây, UBND tỉnh Kontum tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong giai đoạn 2021 - 2030, Kon Tum đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 110 triệu đồng/người. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 52%. Độ che phủ rừng là 64%.

Tỉnh phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen; Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn...

Sở hữu loại củ "quốc bảo" của Việt Nam, vùng đất này sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia - Ảnh 1.

Tầm nhìn đến năm 2050, Kon Tum là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kong, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế... Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc.

Loại củ "quốc bảo" trên đỉnh Ngọc Linh

Phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau. 

Điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo cho Kon Tum lợi thế để phát triển các ngành kinh tế nông - lâm nghiệp với những sản phẩm hàng hóa với giá trị gia tăng lớn như: Cà phê, cao su, mắc ca; các loại cây dược liệu như: Sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm và các loại dược liệu quý hiếm khác. Trong số đó, sâm Ngọc Linh là một sản phẩm nổi tiếng, quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao.

Sâm Ngọc Linh là loài sâm đặc biệt quý hiếm, chỉ có trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam. Sâm Ngọc Linh như loại kháng sinh tự nhiên nên có tính kháng khuẩn, tiêu viêm, phục hồi tổn thương rất tốt.

Sâm Ngọc Linh hoàn toàn được trồng tự nhiên trên rừng, không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và để đạt được giá trị dinh dưỡng cao nhất thì sau khi trồng 8 đến 10 năm mới tiến hành thu hoạch.

Sở hữu loại củ "quốc bảo" của Việt Nam, vùng đất này sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia - Ảnh 2.

Trong Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, mục tiêu phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa Sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược; chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với bảo hộ thương hiệu Sâm Việt Nam.

Định hướng đến năm 2045, phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm lớn trên thế giới.

Kon Tum cũng được đưa vào danh sách các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam.

Tại Kon Tum, sâm Ngọc Linh được trồng chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei. Riêng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện nay có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, có gần 1.700ha là của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và gần 70ha là của người dân.

Tính đến quý 3/2023, tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum là gần 1.800 ha. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum sẽ có khoảng 10 nghìn ha với 100 triệu cây sâm Ngọc Linh. Có hai đơn vị đi đầu trong bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đắk Tô.


Theo Pha Lê

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên