MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sổ tay kinh tế: To, nhưng chớ vội mừng

Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu từ các doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt 70,8 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số xuất khẩu này chiếm tới 72,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của FDI chỉ chiếm tỉ trọng có 32,9%, thì nay đã tăng kỷ lục- 72,4%. Tính riêng Tập đoàn Samsung, trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Samsung đã chiếm tới 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhiều ý kiến hoan hỉ trước những con số này và cho rằng, đó là sự tăng trưởng kỷ lục của kinh tế Việt Nam...

Vẫn biết rằng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một thành phần hết sức quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, phải thấy một điều rằng, sản phẩm của doanh nghiệp FDI, dù làm ra ở Việt Nam, thì nó vẫn mang thương hiệu của... nước ngoài. Một đôi giày Nike, sản xuất tại Việt Nam, nhưng nước ngoài hưởng lợi tới... 80% giá trị. Con số xuất khẩu 70,8 tỉ USD của doanh nghiệp FDI tăng, tức tăng trên danh nghĩa; thực chất giá trị gia tăng mà doanh nghiệp trong nước, con người Việt Nam được thụ hưởng là rất thấp trong con số “khủng” đó.

Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, ngoài hưởng lợi giá trị xuất khẩu, còn được hưởng lợi về thuế, mặt bằng, giá nhân công rẻ... Khi không còn được hưởng các yếu tố trên, họ sẽ ra đi mà chẳng mất gì. Câu chuyện Toyota, Honda... lăm le không sản xuất xe ôtô ở Việt Nam nữa, mà sẽ chuyển sang nhập khẩu xe bán ở Việt Nam, nếu Việt Nam không ưu đãi thuế... là một điển hình.

Vậy, làm gì để tận dụng doanh nghiệp FDI, khi họ đầu tư vào Việt Nam, để khi doanh nghiệp FDI ra đi, thì ít ra, Việt Nam cũng có được cái sản phẩm giống hoặc hơn, gắn mác Việt Nam? Hơn lúc nào hết, phải thấy doanh nghiệp FDI chỉ là nguồn lực hỗ trợ, nhưng không thể là doanh nghiệp rường cột, là xương sống của nền kinh tế quốc gia.

Vì vậy, Chính phủ, Nhà nước cần phải có những hỗ trợ, ưu đãi thiết thực về vốn liếng, thuế má, đất đai, cơ chế... để doanh nghiệp Việt đủ lớn mạnh. Một cơ chế giám sát thật kỹ càng, nhằm ràng buộc doanh nghiệp FDI phải đầu tư công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ hiện đại cho doanh nghiệp trong nước... Cho nên, chớ thấy con số xuất khẩu của doanh nghiệp FDI... to mà vội mừng rằng, “nhà mình” đang phát triển. Bởi, nói cho cùng, phần lớn cái bánh được làm ra đó, là của... người ta. Không có gì tốt hơn phải phát triển nội lực. Nội lực kinh tế trong nước mạnh, thì quốc gia mới lớn mạnh theo.

Theo Cao Hùng

Lao động

Trở lên trên