MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Soi" 5 mã cổ phiếu hot trên sàn UPCoM trong tháng 11

Năm 2018 đã đi được gần hết quãng đường. Thị trường chứng khoán năm nay đã giúp nhà đầu tư trải nghiệm qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi nhiều con sóng lớn được tạo ra.

Cận kề những tháng cuối cùng của năm 2018, nhà đầu tư lại có thêm cảm xúc mới khi nhiều doanh nghiệp gấp rút chào sàn để tận dụng thời cơ tốt của thị trường và giúp những nhà đầu tư có thêm cơ hội mới. Sàn UpCOM tháng 11 đón thêm 6 cổ phiếu mới trong đó có cái tên “cũ” là Trần Anh (TAG) và 5 cái tên hoàn toàn mới mẻ. Cụ thể:

Tổng công ty may Đồng Nai (mã chứng khoán MDN): May Đồng Nai tiền thân là doanh nghiệp Quốc tế sản xuất Y Trang – International Garment Manufacturer do chủ người Đài Loan thành lập từ năm 1974.

May Đồng Nai đã 5 lần tăng vốn lên ngưỡng 109,3 tỷ đồng tính đến thời điểm lên sàn UpCOM. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty là gia công may mặc với các sản phẩm chủ yếu bao gồm: Áo Jacket, sơ mi, quần và các sản phẩm các loại về may mặc. Năm 2016, sản lượng sản xuất của công ty đạt 3,85 triệu sản phẩm mang lại doanh thu 41,6 triệu USD, năm 2017 là 2,98 triệu sản phẩm với doanh thu 34,3 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU, trong đó doanh thu đi Nhật năm 2017 chiếm 43,33%, Mỹ chiếm 25,67%, Hàn Quốc là 10,8% và Eu chiếm 20,2%, các đối tác lớn của công ty như Xebec, Mitsubishi, AHS…

Lên sàn chứng khoán dường như chỉ là một sân chơi dự phòng cho May Đồng Nai khi mà hơn nửa tháng, không có cổ phiếu MDN nào được trao tay và giá hiện đứng im tại ngưỡng 14.400 đồng/cp.

CTCP Thuận Đức (mã chứng khoán TDP): Thuận Đức thành lập ngày 22/1/2007 tại Hưng Yên với vốn điều lệ 7,5 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ polypropylene, nổi bật là hạt nhựa tái chế và bao bì PP. Sản phẩm kinh doanh của công ty bao gồm: hạt nhựa tái sinh PP, manh dệt PP, bao bì PP, túi shopping,… Các sản phẩm của công ty hiện có thể đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, EU… Đến nay, công ty đạt vốn điều lệ 250 tỷ đồng.

Những năm gần đây, doanh thu xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ, EU chiếm hơn 50% doanh thu của công ty. Hiện tại, CTCP Thuận Đức đã trở thành nhà cung cấp chính và đối tác chiến lược của nhiều công ty bao gồm: EVENPLAST SAS, B4U IMPORTADORA…

Năm 2018, CTCP Thuận Đức bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu về sản phẩm PP không dệt, trong đó nguyên liệu là hạt PP sẽ có các sản phẩm mới tiềm năng như: các loại túi siêu thị, mua sắm, các loại khăn ăn, khăn ướt, các loại phụ liệu phục vụ may mặc thời trang, các sản phẩm quần áo, mũ, khẩu trang ý tế,… (PP không dệt); tái chế và bán nguyên liệu PET tái chế, các sản phẩm RPET làm túi (PET); các loại dây đai phục vụ đóng gói, bao JUMBO,… (dây đai).

Điều đặc biệt của cổ phiếu TDP của Thuận Đức là cơ hội giá tăng đến 54% chỉ trong một thời gian ngắn hơn 2 tuần giao dịch nhưng có lẽ, việc tăng giá cổ phiếu chỉ mang lại niềm vui cho ít người khi thanh khoản cổ phiếu khá èo uột.

CTCP Vận tải và Chế biến Than Đông Bắc (mã chứng khoán VDB): Than Đông Bắc trước đây là Xí nghiệp Chế biến Kinh doanh Than, thành lập năm 1995. Tháng 5 năm 2012, công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV và được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Vận tải và Chế biến than Đông Bắc. Tới 4/2018, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với số vốn điệu lệ là 51 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp “bé hạt tiêu” và cũng như May Đồng Nai, cổ phiếu VDB của Than Đông Bắc đứng im tại giá tham chiếu chào sàn dù đã ra mắt nhà đầu tư được hơn 1 tuần.

CT TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (mã chứng khoán PDT): Lên sàn cùng ngày với Than Đông Bắc nhưng cổ phiếu PDT của Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp biến động bất ngờ hơn. Lên sàn với mức giá tham chiếu 10.700 đồng, cổ phiếu PDT giảm “thảm thương” trong ngày giao dịch đầu tiên với chỉ 4.300 cổ phiếu được trao tay.

Những ngày tiếp theo cũng không lặng sóng với PDT khi mà sau phiên tăng sốc là một phiên giảm sâu của cổ phiếu. Hiện tại, PDT đang giao dịch tương đương với mức giá tham chiếu chào sàn.

Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post-mã chứng khoán VTP): “Chốt sổ” các doanh nghiệp lên sàn UPCoM tháng 11, Viettel Post gây ấn tượng đặc biệt.

Cổ phiếu tăng phi mã với thanh khoản cao. Lên sàn chứng khoán với giá tham chiếu 68.000 đồng nhưng Viettel Post đã tăng vọt lên 124.000 đồng chỉ sau 4 phiên giao dịch. Tức, những cổ đông nắm giữ cổ phiếu Viettel Post từ đầu đã đạt mức lãi tính bằng lần.

Với mức tăng ấn tượng của cổ phiếu, dù vốn điều lệ chưa đầy 414 tỷ đồng nhưng Viettel Post ghi danh vào những doanh nghiệp vốn hoá cao trên sàn chứng khoán với mức 5.205 tỷ đồng tính đến hết phiên 28/11.

Cổ phiếu VTP của Viettel Post tăng ấn tượng kể từ khi chào sàn.

Theo đánh giá của những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường, sở dĩ Viettel Post được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là do:

Thứ nhất: Công ty có tiền thân từ Trung tâm phát hành báo chí, thành lập năm 1997 với nhiệm vụ ban đầu là phục vụ các cơ quan Quân đội trong Bộ Quốc phòng. Năm 2006, Bưu chính Viettel chuyển đổi từ mô hình hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập thành Công ty TNHH NN MTV Bưu chính Viettel.

Thứ hai: Viettel Post là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, là một cái tên có uy tín cao và giá trị thương hiệu lớn. Năm 2009, Viettel Post chính thức hoạt động dưới tư cách Công ty Cổ phần và Tập đoàn Viettel là Công ty mẹ nắm giữ quyền kiểm soát hoặc chi phối.

Thứ ba: Các công ty con do Viettel Post nắm giữ cổ phần chi phối đều là những doanh nghiệp có tiếng lâu năm, bao gồm: Công ty TNHH MTV Công nghệ Bưu chính Viettel, Côn ty TNHH MTV Thương mại Điện tử Bưu chính Viettel, Công ty TNHH MTV Logistic Viettel, Công ty TNHH MTV Bưu chính Viettel Campuchia, Công ty TNHH MTV Bưu chính Viettel Myanmar.

Thứ tư: Hoạt động kinh doanh chính của Viettel Post tập trung chủ yếu vào 3 mảng chính có biên lãi gộp cao gồm: dịch vụ chuyển phát trong và ngoài nước (bao gồm chuyển phát nhanh, chuyển phát tiết kiệm, chuyển phát hỏa tốc và các dịch vụ cộng thêm khác); dịch vụ logistics (bao gồm dịch vụ vận tải nội địa và quốc tế, dịch vụ cho thuê kho và dịch vụ trong kho, dịch vụ cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử), và thương mại – dịch vụ (bao gồm kinh doanh thẻ cào điện thoại, vé máy bay, văn phòng phẩm).

Thứ năm: Sau 20 năm hoạt động, hiện nay Viettel Post đã có mạng lưới rộng khắp cả nước với 1.300 bưu cục, hơn 500 xe ô tô hiện đại các loại để phục vụ vận chuyển bưu phẩm. Cuối năm 2018, Viettel Post bắt đầu tiếp nhận và triển khai cung ứng dịch vụ bưu chính tại 1.000 cửa hàng trực tiếp và hơn 6.000 điểm giao nhận. Hơn nữa, Viettel Post là doanh nghiệp chuyển phát tiên phong trong ứng dụng công nghệ tiên tiến với ứng dụng quản lý đơn hàng mang tên Viettel Post chuyển phát nhanh, giúp người nhận tạo đơn hàng và tra cứu hành trình hàng hóa thông qua điện thoại. Viettel Post cũng là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đầu tư phát triển dịch vụ chuyển phát ra thị trường nước ngoài, cụ thể là Campuchia và Myanmar.

Thứ sáu: Kết quả kinh doanh vượt trội. Năm 2017, Viettel Post đạt doanh thu thuần hơn 4 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 đạt doanh thu 1.904 tỷ. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 lên đến con số 117 tỷ đồng trong khi cả năm 2017 chỉ đạt 170 tỷ đồng. Theo bản cáo bạch chào sàn, Viettel Post dự kiến đạt đến 272 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 và nếu đạt được kế hoạch này, công ty sẽ chi trả cổ tức 15% cho cổ đông.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên