'Soi' doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn, Bộ này kiến nghị Bộ Xây dựng triển khai loạt giải pháp quản lý, giám sát để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững.
Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Nghị định quy định: "Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan".
Bộ Tài chính nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn. Để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng hàng loạt các giải pháp.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một trong nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao trong năm 2021.
Cụ thể, Bộ Xây dựng tăng cường quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch. Trong đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp bất động sản sau khi cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ này phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng, qua đó hạn chế tình trạng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bằng mọi giá với lãi suất cao.
Bộ Xây dựng phải thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính về tình hình của thị trường bất động sản và các rủi ro để phối hợp trong công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo báo cáo thị trường mới nhất của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV/2022 đạt gần 59.000 tỷ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê này chỉ bao gồm các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay, không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn. VNDirect ước tính có khoảng hơn 140.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong quý IV/2022, bất động sản là nhóm ngành có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất với tổng giá trị đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất gồm Công ty SS và các công ty con 3.000 tỷ đồng, Tập đoàn Novaland 3.000 tỷ đồng, Công ty CP Bách Hưng Vương gần 3.000 tỷ đồng...
Tiền Phong