Soi kết quả kinh doanh 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất hai sàn
Tổng doanh thu năm 2016 của 20 doanh nghiệp này đạt 528.884 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 71.714 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm 2015.
- 26-02-2017Ngày càng nhiều DN vốn hóa tỷ USD lên sàn chứng khoán
- 14-12-2016Chạm mốc 200.000 đồng, cổ phiếu của Sabeco vươn lên vị trí số 2 thị trường về vốn hóa
- 28-11-2016TTCK Việt Nam: Từ 2 công ty niêm yết đến mức vốn hóa thị trường chiếm 63% GDP
Mùa công bố kết quả kinh doanh năm 2016 đã dần kết thúc khi hầu hết các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2016. Với sự chào sàn của Novaland và Vietjet, top 20 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên sàn TPHCM và Hà Nội có những thay đổi nhất định.
Theo thống kê, tổng doanh thu năm 2016 của 20 doanh nghiệp này đạt 528.884 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 71.714 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm 2015.
Xét theo doanh thu, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã GAS - HOSE) vẫn thể giữ vững vị trí số 1 dù năm 2016 là năm thụt lùi cả về doanh thu, lợi nhuận và EPS của doanh nghiệp này. Doanh thu năm 2016 đạt 59.209 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2015. GAS cũng là 1 trong 2 doanh nghiệp duy nhất có doanh thu giảm sút trong năm 2016, cùng với Sacombank.
Đứng thứ hai về doanh thu thuần trong năm 2016 là Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (mã VIC - HOSE). Với việc tăng trưởng vượt bậc – 72% trong năm 2016, Vingroup đạt hơn 58.541 tỷ đồng doanh thu, vượt qua Vinamilk ở vị trí thứ 3 với 46.794 tỷ đồng, tăng trường 17%.
Đứng đầu về mức tăng trưởng doanh thu là CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS – HOSE) với 236%.
Xét về lợi nhuận, Vinamilk vươn lên vị trí số 1 với 9.364 tỷ đồng, tăng 21% so với 2015 và bỏ xa 2 doanh nghiệp tiếp theo là GAS (7.237 tỷ đồng) và Vietcombank với 6.845 tỷ đồng.
16/20 doanh nghiệp trong top 20 vốn hóa tăng trưởng về lợi nhuận, đứng đầu là Novaland với mức tăng 275%, lên 1.655 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là Sacombank với mức giảm 67%, xuống 373 tỷ đồng. Sacombank đã có 1 năm giật lùi về nhiều mặt.
Bên cạnh doanh thu và lợi nhuận, nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm tới mức sinh lợi trên mỗi cổ phiếu (EPS), để đo lường lợi nhuận trên mỗi đồng vốn góp của nhà đầu tư. Những cổ phiếu có EPS cao thường đi cùng đi cùng mức giá cao.
Dẫn đầu cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons, với EPS cách biệt lên tới 25.803 đồng. Năm 2016, CTD đạt doanh thu 20.783 tỷ đồng – tăng 62%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.422 tỷ đồng – tăng 94% so với cùng kỳ 2015.
Tiếp đến là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG - HOSE) với EPS đạt 10.246 đồng. Doanh thu 2016 của MWG đạt 44.613 tỷ đồng, tăng tới 77% so với năm. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 50% và đạt 1.577 tỷ đồng. Năm 2017, MWG tiếp tục đặt kế hoạch “khủng với doanh thu 63.280 và lợi nhuận 2.220, tương ứng mức tăng 85% và 59% so với kế hoạch 2016.
Đứng thứ ba về EPS theo danh sách 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong năm 2016 là tân binh mới chào sàn ngày cuối tháng 2/2017 - Công ty cổ phần Hàng không VietJet (mã VJC - HOSE) với mức 8.726 đồng. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 9/3/2016, VJC đã leo lên mức 130.600 đồng/CP, khiến vốn hóa của VJC đã đạt mức 39.180 tỷ đồng và đứng thứ 12 về mức vốn hóa của hai sàn niêm yết.
Năm 2016, VJC ghi nhận 27.532 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.290 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng lần lượt với mức tăng 39% và 96% so với cùng kỳ năm trước.
Trí Thức Trẻ