Sông có khúc, AI có lúc: Đông Nam Á có 11 nước mà ChatGPT nói GDP của Việt Nam có thể xếp thứ... 13
Kể từ khi ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT đã làm chấn động giới công nghệ. Tuy nhiên, chatbot này còn gặp phải một số hạn chế khi nói chuyện bằng tiếng Việt, khi hỏi GDP đang xếp thứ mấy Đông Nam Á, công cụ này dự báo có thể xếp thứ 13.
- 06-02-2023ChatGPT để lộ "gót chân Achilles": Có thể viết code, làm luận văn, thi đỗ MBA nhưng lại không thể giải toán?
- 06-02-2023Giấc mơ phục vụ 100 triệu khách hàng Đông Nam Á của founder startup dịch vụ hỗ trợ TMĐT số 1 Việt Nam
Kể từ khi ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT (sản phẩm được đầu tư hàng tỷ USD của Open AI) đã làm chấn động giới công nghệ, khi nhanh chóng đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1/2023. Theo báo cáo của công ty phân tích Similar Web, mỗi ngày có khoảng 13 triệu người truy cập sử dụng ChatGPT, nhiều gấp đôi so với tháng 12.
Theo tờ US Today, ChatGPT (tên đầy đủ là: Chat Generative Pre-traing Transfromer) là một chương trình máy tính miễn phí. Chúng sử dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu và phản hồi lại bằng ngôn ngữ tự nhiên, giống như con người.
ChatGPT có thể trả lời những câu hỏi, viết các câu văn và giao tiếp với bạn. Công cụ này hoạt động giống như một cuộc hỏi đáp giữa người với người. Theo CNBC, ChatGPT được cho là có thể “trả lời câu hỏi như người thật”, trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp.
Tuy nhiên, chatbot này còn gặp phải một số hạn chế khi nói chuyện bằng tiếng Việt như không hoàn thiện hết câu hay đang nói chuyện bằng tiếng Việt thì chuyển sang tiếng Anh. Ngoài ra, công cụ này có xu hướng lặp lại câu từ và gặp một số lỗi nhỏ trong diễn đạt.
Cụ thể, khi được hỏi GDP Việt Nam đứng thứ mấy trong Đông Nam Á, ứng dụng này đã đưa ra dự báo Việt Nam có thể xếp thứ 13-16 trong khu vực. Tuy nhiên, trong khu vực Đông Nam Á chỉ có 11 nước.
Theo Wall Street Journal, dường như ChatGPT cũng đã để lộ “gót chân Achilles” khi bị phát hiện khá tệ trong môn toán.
Paul von Hippel, giáo sư nghiên cứu về khoa học dữ liệu và thống kê tại Đại học Texas, cho biết: “Tôi không thấy các giảng viên toán bày tỏ lo ngại về chatbot này. Tôi không chắc công cụ này có hữu ích cho toán học không nhưng điều này khá lạ vì toán học thường là lĩnh vực thử nghiệm đầu tiên cho các thiết bị máy tính”.
ChatGPT có thể làm các phép toán cơ bản nhưng lại gặp khó khăn khi giải toán có lời văn. Chẳng hạn, với câu hỏi “Nếu một quả chuối nặng 0,5 lbs. Tôi có 7 lbs chuối và 9 quả cam thì tôi có tổng cộng bao nhiêu quả?”, ChatGPT lại đưa ra câu trả lời là 16 quả với 7 quả chuối và 9 quả cam. Trong khi đó, câu trả lời đúng cho bài toán này phải là 23.
Theo Debarghya Das, một kỹ sư về công cụ tìm kiếm, việc ChatGPT trả lời các vấn đề khác đúng nhưng lại làm toán sai giống như hỏi một nhóm người không biết gì về toán học nhưng lại có thể thu thập thông tin. “Nếu hỏi ‘2 + 2 bằng bao nhiêu’, họ có thể trả lời rằng ‘Chúng tôi thường thấy bằng 4’. Đó là cách mà ChatGPT đang hoạt động”, Das cho biết.
CEO OpenAI Sam Altman từng viết trên Twitter rằng: “ChatGPT cực kỳ hạn chế, nhưng đủ tốt ở một số khía cạnh để tạo ra những thông tin sai lệch. Việc dựa vào chatbot này hoàn toàn là một sai lầm”.
Tổng hợp: WSJ, US Today
Nhịp sống thị trường