MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sóng” M&A ngân hàng sôi động trở lại

20-10-2023 - 15:41 PM | Tài chính - ngân hàng

“Sóng” M&A ngân hàng sôi động trở lại

Hoạt động M&A lĩnh vực tài chính ngân hàng trở lại sôi động hơn với nhiều thương vụ đã diễn ra trong thời gian gần đây, cũng như những kế hoạch mới mà các nhà băng đang triển khai.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hôm nay (20/10) thông báo đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược.

VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo đó, ngân hàng chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC – ngân hàng trực thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. (SMFG), Nhật Bản. Với giá trị 1,5 tỷ USD tương đương 35.900 tỷ đồng, đây là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam

SeABank cũng vừa thông báo chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) tương đương 100% vốn điều lệ PTF cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với giá chuyển nhượng là 4,3 nghìn tỷ đồng.

Thỏa thuận chuyển nhượng PTF sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng cao năng lực tài chính của SeABank.

Bên cạnh thương vụ này, SeABank còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.

Tại SHB, Reuters hồi tháng 7 dẫn nguồn tin thân cận cho biết, ngân hàng này đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD.

Nguồn tin cũng cho biết, thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4, SHB đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Nói về tiến độ tìm kiếm cổ đông chiến lược, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết: SHB từ trước tới nay luôn theo xu hướng "chung thuỷ" nhưng sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại: “SHB là cô gái đẹp có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn. Nhưng SHB ưu tiên các chàng trai thủy chung, nên mong muốn đối tác tham gia cùng quản trị điều hành và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, qua gặp mặt các chàng rể thì các nhà đầu từ này chỉ có chiến lược đầu tư tài chính ngắn và trung hạn."

“Chung thủy 10 – 20 năm thì không có, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, chấp nhận họ chỉ đầu tư 3 – 5 năm rồi rút vốn” – ông Hiển nói với cổ đông, và cho biết thêm trong năm nay hoặc đầu năm sau SHB sẽ có một chàng rể ngắn và trung hạn.

Ngoài bán vốn tại ngân hàng mẹ, tháng 5 vừa qua, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHB Finance cho đối tác Krungsri. Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.

LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho NĐT nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên phía nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước, BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết: Ban lãnh ngân hàng đã rất nỗ lực để thực hiện việc này, đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

“Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”, ông Tú nhấn mạnh.

Tại Vietcombank, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ là tâm điểm

Theo giới chuyên môn, làn sóng M&A trong ngành ngân hàng Việt Nam sẽ diễn ra sôi động hơn trong thời gian tới khi Chính phủ và NHNN đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng.

Thực tế, đầu năm nay, Thống đốc NHNN đã có Chỉ thị 01 chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xử lý ngân hàng yếu kém thuộc diện tại cơ cấu hiện (DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank).

NHNN cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém là CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Đồng thời, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần theo kế hoạch sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Tại dự thảo này, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (ngoại trừ nhóm nhân hàng “Big 4”) có thể được xem xét nới room ngoại lên mức tối đa 49%.

Trong báo cáo gửi Quốc Hội mới đây, NHNN cũng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của hai ngân hàng mua bắt buộc. 

NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.

NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.

Với những điều kiện tích cực nêu trên, hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn biến nhộn nhịp trong thời gian tới.

Mạnh Đức

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên