"Sóng ngầm" ở Australia: Doanh nhân sợ bị gắn mác thân Trung Quốc
Những "cơn sóng ngầm" như vậy đã khiến các doanh nghiệp xứ chuột túi lo lắng.
- 13-07-2020Thực hư tin đồn Trung Quốc mua hết nguồn nước của Úc
- 07-07-2020Làn sóng dịch bệnh thứ 2 có nguy cơ bùng phát, bang đông dân thứ hai nước Úc tái phong tỏa
- 11-06-2020Thủ tướng Úc: Không để Trung Quốc bắt nạt hoặc ép buộc
Có thể nói không quá là bà Helen Sawczak am hiểu mọi ngóc ngách trong quá trình làm ăn với người Trung Quốc. Điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - Australia (ACBC) hơn 4 năm qua, bà Sawczak đã thu thập kiến thức đáng nể về mối quan hệ thương mại song phương hiện có giá trị 235 tỷ AUD (169 tỷ USD).
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hong Kong), bà là người hoàn hảo để đóng vai trò cầu nối giữa hai trong số các đối tác thương mại quan trọng nhất của Châu Á - Thái Bình Dương của Australia.
Tuy nhiên, bà đã xin từ chức và quyết định từ chức của bà lại trùng với thời điểm mối quan hệ Australia - Trung Quốc xấu di rõ rệt.
Trong những ngày đầu bà Sawczak làm Giám đốc điều hành ACBC, mối quan hệ song phương hai nước đã đạt đến tầm cao mới với việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc -Australia vào cuối năm 2015.
Đến thời điểm hiện tại, quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trong bối cảnh các tranh chấp về vấn đề luật an ninh quốc gia Hong Kong, Biển Đông, những cáo buộc gián điệp...
Và trong khi thương mại vẫn đang bùng nổ, với kim ngạch xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục 14,6 tỷ AUD vào tháng 6, bất chấp những căng thẳng chính trị. Việc Bắc Kinh áp dụng những hạn chế đối với sản phẩm thịt bò và lúa mạch của Australia được Canberra coi là một động thái hoàn toàn có thể được hiểu như một sự trả đũa cho việc Australia kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19.
Bà Sawczak không phủ nhận việc bà phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian cuối trước khi nghỉ việc. Bà chia sẻ, không chỉ phải trấn an các thành viên trong hiệp hội về những tác động tiêu cực của xung đột thương mại, mà bà còn trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công liên tục của những người có quan điểm chống Trung Quốc.
Chỉ 2 tháng trước, bà đã bị công kích tại quốc hội Australia vì những bình luận khi bà đề cập tới tầm quan trọng của thương mại song phương trong một hội nghị trực tuyến. Nghị sĩ cánh hữu Andrew Hastie - cựu sĩ quan không quân và từng tham chiến tại Afghanistan - cáo buộc bà có thái độ coi thường đất nước và ưu tiên lợi ích kinh tế hơn an ninh quốc gia.
Nhưng những lời chỉ trích như vậy đã khiến nhiều người Australia lo lắng, trong số đó có cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Dennis Richardson. Bà Sawczak cho biết, việc một người giữ vị trí của bà hứng chịu các lời công kích là một chuyện khá bình thường nhưng bà vẫn kiên quyết ủng hộ mối quan hệ thương mại hai nước. Bà nói rằng mối quan hệ này là rất cần thiết, do Trung Quốc và châu Á chính là đầu tàu đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực.
"Australia vừa trải qua ba thập kỷ tăng trưởng cao ở mức kỷ lục phần lớn nhờ vào mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Mối quan hệ của chúng ta với quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ thậm chí còn quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của chúng ta thời hậu Covid-19, giống như vai trò phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Vì vậy, với tư cách là một quốc gia, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ hơn về các quốc gia láng giềng", bà Sawczak nói. "Chúng ta cần hiểu rõ rằng chúng ta có thể cân bằng các mối quan hệ chiến lược với lợi ích kinh tế".
Những hạn chế của Trung Quốc đối với thịt bò và lúa mạch của Australia đã gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Bloomberg
Lựa chọn như thế nào
SCMP cho biết, bà Sawczak không phải là doanh nhân có tiếng duy nhất cảnh báo về việc phải lựa chọn. Vào tháng 4 vừa qua, doanh nhân sinh sống tại Sydney, ông Warwick Smith đã từ chức Chủ tịch Hội đồng Australia-Trung Quốc, một tổ chức thuộc chính phủ đã tiến hành tái cấu trúc và đổi tên thành Quỹ Quốc gia về Quan hệ Australia-Trung Quốc vào năm ngoái.
Trước khi nghỉ việc, ông đã gửi cho Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu rõ những lo ngại về cấu trúc, tính độc lập và hiệu quả của quỹ, những yếu tố vốn được cho là thúc đẩy sự gắn bó giữa hai nước.
Một doanh nhân khác cũng là mục tiêu công kích là ông trùm khai thác mỏ Andrew "Twiggy" Forrest, người bị một số chính trị gia Australia cáo buộc đã thúc đẩy chính phủ Australia hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, khi ông mời Tổng lãnh sự của Trung Quốc tại bang Victoria đến dự một cuộc họp báo công bố các kit xét nghiệm Covid-19 nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối tháng 4.
Một số nhà quan sát nói rằng, họ phát hiện ra những tiếng nói phòng thủ về mối quan hệ với Bắc Kinh từ giới chức Canberra. "Các giá trị của Australia" và "mối đe dọa an ninh quốc gia" là những cụm từ gần đây liên tục xuất hiện trên truyền thông.
Một số ý kiến cho rằng, điều này cho thấy cách tiếp cận của Canberra đã đi chệch khỏi tầm nhìn toàn cầu hóa của cựu Thủ tướng Gough Whitlam, người đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào những năm 1970. Họ cũng trích dẫn bằng chứng việc chính phủ gần đây công bố ngân sách quốc phòng 250 tỷ AUD (179 tỷ USD).
Những "cơn sóng ngầm" như vậy đã khiến các doanh nghiệp xứ chuột túi lo lắng và ông Smith đã kêu gọi Canberra từ bỏ học thuyết về "giá trị" để ủng hộ một cách tiếp cận dân sự và thực dụng hơn đối với Trung Quốc.
"Môi trường độc hại"
Ông Michael Clifton, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Australia China Matters, cho biết hiện sự xuất hiện một "môi trường kinh doanh độc hại", trong đó các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không muốn chịu rủi ro khi làm ăn với phía Trung Quốc vì sợ bị gắn mác thân Bắc Kinh.
"Các nhà phê bình nhanh chóng gán ghép những lời kêu gọi làm ăn [với Trung Quốc] bằng những hành động xoa dịu. Sự tồn tại của một môi trường kinh doanh độc hại này không phải là lợi ích quốc gia của nước Australia", ông Clifton nói.
Vào tháng 6 vừa qua, tổ chức tư vấn của ông - vốn được thành lập để khuyến khích thảo luận về hoạt động kinh doanh với Trung Quốc giữa các doanh nghiệp, chính phủ và cơ quan an ninh - đã hứng chịu sự tấn công của giới báo chí trong nước.
Một câu chuyện đăng tải bởi các tờ báo News Limited thuộc sở hữu của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, có tiêu đề Đẩy lùi sức mạnh của Trung Quốc, tuyên bố rằng China Matters đã mất nguồn tài trợ của chính phủ vì nó vận động chống lại "lợi ích" của Australia. Tổ chức này đã phát hành một thông báo tố cáo bài báo xuyên tạc và nói rằng đây là một sự phỉ báng.
Viết trên tạp chí chính sách công, Pearls & Irritation, nhà sử học Australia HenryReynolds cho biết cuộc tấn công vào China Matters là "biểu hiện của một sự thay đổi đột ngột và mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng và đối ngoại của Australia".
Thực tế, việc bảo vệ lợi ích kinh tế có thể được coi là phần không thể tách rời trong lợi ích quốc gia Australia. "Lợi ích thương mại và lợi ích quốc gia không nhất thiết loại trừ lẫn nhau. Trong khi, quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Australia sang Trung Quốc, chúng ta không nên quên hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào Trung Quốc – nông dân, nhà sản xuất rượu vang, ngư dân đánh bắt tôm hùm, nông dân chăn nuôi bò sữa, nhân viên du lịch, và nhiều người khác nữa", ông Clifton nói.
Tổ Quốc