MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống rực rỡ trong một căn nhà ống ở ngõ nhỏ Hà Nội

19-10-2016 - 16:08 PM | Bất động sản

Ánh mắt tôi hút thẳng vào bể ánh sáng chan hòa ở giữa nhà, nơi một cây lộc vừng xanh mướt, vững chãi đang ung dung tắm nắng bên chiếc bàn gỗ rộng. Phía sau một giá treo kiểu quầy bar, anh chủ nhà đang pha ly cà phê sẵn sàng đón khách.

Tôi đến thăm nhà anh Kỳ, chị Phương vào một ngày cuối tuần. Ngôi nhà tuy không ở vị trí trung tâm nhưng cũng khá ngõ ngách. Kiểu ngõ đan xen như bàn cờ đặc trưng của đô thị Hà Nội khiến người đến chơi lần đầu luôn phải gọi điện hỏi đường. Bên trong chúng cũng là những căn nhà ống sâu hun hút đặc trưng: Tối tăm, bí bách và ẩm thấp quanh năm.

Nhưng khi đứng trước căn nhà này, tôi không còn cảm giác trước mặt mình là một căn nhà ống. Ánh mắt tôi hút thẳng vào bể ánh sáng chan hòa ở giữa, nơi một cây lộc vừng xanh mướt, vững chãi đang ung dung tắm nắng bên chiếc bàn gỗ rộng. Phía sau một giá treo kiểu quầy bar, anh chủ nhà đang pha ly cà phê sẵn sàng đón khách.

Thật khó có thể tin được một ngôi nhà mặt tiền chỉ 3,5m, sâu hơn 12m lại nằm trong ngõ sâu, chỉ cách căn nhà đối diện chưa đầy 2 mét lại có thể sáng rực rỡ đến thế. Và thú vị hơn nữa, với ly cà phê trên tay và khoanh bánh mì hoa cúc đặt trong chiếc giỏ mây, ngước lên cây lộc vừng, tôi có cảm giác như mình đang trong một chuyến picnic ngoài trời. Tôi đã ngắm nghía quá nhiều ngôi nhà đẹp rồi, từ nhà Tây cho đến nhà Việt, có điều đây là lần đầu tiên tôi được đến một ngôi nhà phố “táo bạo” trồng cây ngay giữa nhà. Chưa kể ngôi nhà này còn nhỏ xíu nữa.

Và thế là, câu chuyện bắt đầu bằng câu hỏi đầy tò mò của tôi “Tại sao anh chị lại hi sinh đất để trồng cây trong khi đa phần mọi người đều cố tận dụng từng cen-ti- mét để ở?”. Và câu trả lời cho câu hỏi ấy là một câu chuyện dài.

Trước khi quyết định xây căn nhà này, anh chị chủ nhà cũng từng băn khoăn giữa chuyện dành tiền mua một căn chung cư hay bỏ vào mảnh đất này. Bởi bản thân chị Phương đã cả từng sống trong căn nhà ống với kiểu xây điển hình ở Hà Nội: Giếng trời bé xíu rọi xuống cầu thang xoắn ốc, không khí lưu thông kém qua cái trục inox tròn xoay “cho vui” và trong nhà ngày cũng như đêm, lúc nào cũng nhờ nhờ ánh đèn nê-ông trắng.

Tuy nhiên, cả hai anh chị cũng không cảm thấy an tâm trước nhiều thông tin tiêu cực về chất lượng xây dựng cũng như dịch vụ chung cư gần đây nên sau nhiều cân nhắc, họ lựa chọn xây mảnh đất hơn 40 mét vuông này với mong muốn tự quản lý được không gian sống và sinh hoạt của gia đình mình.

Với mong muốn về một ngôi nhà có nhiều ánh sáng, không khí lưu thông tốt, khiến nhà không chỉ là nơi trở về ngủ mỗi tối mà còn là nơi quanh quẩn cả ngày không chán, anh Kỳ đã dành một năm tìm ý tưởng thiết kế tối ưu.

Ngôi nhà được thiết kế theo hướng “Inside out” - hướng hội, chú trọng công năng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt bên trọng hơn là ngoại thất.

Ngôi nhà được chia hai khối và chừa lại một khoảng trống xuyên suốt ở giữa để trồng cây và lấy sáng. Phần mái giếng trời được làm bằng kính cường lực (phía dưới có khung sắt để đảm bảo an ninh) và có thể đóng mở tự động. Phần mái kính này bình thường sẽ được mở ra để giúp không khí trong nhà lưu thông và khép lại khi mưa lớn.

Sau 4 tháng thi công, đến giữa năm 2014, ngôi nhà đã hoàn thành với tổng chi phí xây dựng, nội thất cơ bản (giường, tủ, bàn, ghế) là 800 triệu đồng.

Mộc mạc, nhỏ xinh, ấm cúng hẳn là cảm nhận chung của nhiều người khi ghé thăm ngôi nhà 4 tầng này. Mỗi góc nhỏ đều ghi dấu những chi tiết tinh tế: Mảng tường đánh xi măng treo bức tranh cầu Long Biên nổi bật giữa không gian màu trắng, những mảng tường, trần nhà không trát mà sơn trắng hằn những đường vân của cốt pha, cót ép, gạch trần tạo thành lớp điểm trang rất tự nhiên và thu hút, cửa phòng vệ sinh phủ poster bức ảnh hài hước chụp một toilet đưa ra giữa hồ, những bậc cầu thang vẽ những cành hoa đào từ dịp Tết. Và cuối cùng, chủ nhà cũng không quên dành tầng 4 có một khoảng sân nhỏ để phơi đồ, trồng cây và làm tiệc nướng BBQ khi cần.

Một bí quyết khiến căn nhà trông rộng hơn và ngăn nắp là hệ thống tủ kệ âm tường bằng gỗ thông ép, thiết kế đồng bộ với phần thô. Loại gỗ này phù hợp với thời tiết miền Bắc, bền hơn nhiều so với gỗ công nghiệp đồng thời rẻ hơn hẳn gỗ thịt. Màu gỗ được giữ nguyên bản với các mắt gỗ tự nhiên chính là điểm nhấn thú vị cho các không gian trong nhà.

Những món đồ nội thất, trang trí trong nhà được mang về từ những chuyến du lịch của hai vợ chồng hay là quà tặng từ bạn bè. Những chiếc đèn treo thủy tinh vintage từ Trung Quốc, những chiếc mặt nạ gỗ từ Bali, phù điêu và tranh của mấy anh bạn họa sĩ gửi tặng. Vậy mà trông chúng như thể được tạo ra để khít vào không gian này. Có lẽ sự mộc mạc của ngôi nhà đã là lớp nền quá ổn để mọi thứ luôn giữ được sự hài hòa, cân đối.

Tôi nhận ra một điều ngạc nhiên thú vị về căn nhà này. Chiếc sofa đôi bên giá sách nhỏ nhìn ra cây lộc vừng; chiếc bàn ăn mộc với những chiếc ghế lọc cọc về kiểu dáng và màu sắc. Tưởng chừng chúng chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại rất đúng tinh thần tự nhiên và tùy hứng của căn nhà. Bạn cảm được trong sự hài hòa đó tính cách phóng khoáng của gia chủ và sinh khí của ngôi nhà. Chính nguồn năng lượng ấy biến một ngôi nhà thành “tổ ấm”.

Khi tôi còn đang ngạc nhiên về khu bếp được thiết kế rất tâm lý với khu đảo bếp chuyên để sơ chế nguyên liệu, bồn rửa rau riêng với khu rửa bát đĩa, bếp từ với khay nướng cá nhỏ gắn liền, lò vi sóng kiêm lò nướng kiểu vòm đá… Giống như một món ăn bắt mắt, khu bếp thu hút với kệ bếp bằng gỗ sồi sáng màu, đảo bếp ốp gạch xanh cô ban làm thủ công... Dù mệt mỏi đến đâu, bước vào căn bếp thế này, hẳn ta cũng được rót thêm cảm hứng nấu nướng.

Chúng ta đã quen nhét mọi thứ vào cái gọi là phòng ngủ: Một chiếc ti vi, một chiếc bàn làm việc, tủ sách và tất nhiên, kệ đồ trang điểm… Thế nên một căn phòng ngủ hai mươi mét vuông vẫn tạo cảm giác chật chội. Và rồi thì bọn trẻ không thể ngủ ngon khi nửa đêm bố bật dậy mở kênh bóng đá.

Dường như ngoài không gian ăn uống và tiếp khách thì mọi căn phòng trong những ngôi nhà thông thường đều là phòng ngủ… đa năng. Bởi ai cũng nghĩ rằng cần có phòng cho họ hàng, bạn bè, người thân đến chơi nghỉ lại chẳng hạn, có phòng mà không kê giường để trưng dụng khi cần thì… quá phí. Bởi thế, một lần nữa tôi phải ngạc nhiên khi ngôi nhà này có rất nhiều phòng nhưng chỉ có hai phòng ngủ cho bố mẹ và con trai.

Nhưng hai căn phòng ngủ này chỉ dùng để… ngủ thôi. Chiếc ti vi duy nhất được đặt ở căn phòng mở tầng 2, nơi cậu con trai 3 tuổi có thể chơi đồ chơi và bố mẹ ngả lưng trên sofa, ghế lười giải trí. Một tủ sách lớn của cả nhà kê trong phòng làm việc trên tầng 3 với đầy đủ thiết bị phục vụ công việc. Và chiếc bàn tầng 1 cạnh gốc cây cũng là không gian lý tưởng khi cần nghĩ ý tưởng thiết kế hay viết bài.

Để ánh sáng ùa vào tất cả các phòng, thay vì xây tường bao kín, anh Kỳ lựa chọn lắp kính trong mảng giao thoa với giếng trời. Trong những ngày mùa hè nóng bức hay vào thời điểm nắng vuông góc lúc 12 giờ hoặc cần sự riêng tư, chỉ cần kéo mành tre được lắp trên các hành lang và rèm trong phòng là tùy ý điều tiết ánh sáng. Thêm vào đó kiểu tường kính thế này còn giúp các thành viên trong gia đình kết nối với nhau dù mỗi người đang làm một việc riêng.

Sự đơn giản, gọn nhẹ dường như là một yếu tố vô hình nhưng có sức kết nối mạnh mẽ giữa các không gian. Các phòng ngủ mang phong cách tối giản, không có giường mà dùng nệm để không bị cảm giác chật chội, bí bách. Tủ đồ trong các phòng thiết kế kiểu hệ tủ lớn cao sát trần, vừa tăng cường khả năng lưu trữ, vừa giúp không gian phòng không bị chia nhỏ.

Các phòng tắm - vệ sinh nhỏ được chia thành khu vực khô ướt riêng biệt, sử dụng gạch nhựa lót sàn để không bị ẩm ướt khi sử dụng. Tường phòng tắm được sơn bằng loại sơn dành cho bể bơi đảm bảo độ dày, bóng, dễ chùi rửa, hợp với môi trường ẩm ướt.

Và cũng không thể không nhắc đến cái cầu thang đặc biệt: Chạy xuyên từ tầng 1 lên tầng 3. Tôi biết có người quan ngại rằng kiểu cầu thang này chẳng hợp với nhà có trẻ con, chưa kể khe giữa các thanh vịn rõ to.

Nhưng phải trải nghiệm mới biết, chị Phương cho biết: “Núi (tên ở nhà của cậu bé con) chưa bao giờ ngã cầu thang khi đi một mình, lớn lên cùng căn nhà, bản năng giúp thằng bé thích nghi với nó. Những thanh chắn cầu thang, trông mảnh thế thôi nhưng rất chắc bởi đều là ốp gỗ nên đảm bảo được sự an toàn trong quá trình sử dụng. Khe giữa thanh chắn cũng được tính toán để Núi không thể chui lọt.”.

Cái sự xinh xắn, tiện ích của ngôi nhà của anh chị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người về một ngôi nhà ống theo kiểu mới để đảm bảo được không gian. Chị Phương kể, sau khi một trang báo đăng tải về ngôi nhà này, rất nhiều gia đình trẻ đã viết email chia sẻ đã định bán đất để lên ở chung cư nhưng đọc câu chuyện về gia đình chị rồi nhận ra rằng, vẫn có thể sống tốt trong một căn nhà ống.

Xin tạm kết lại bài viết bằng một câu nói của anh Kỳ “trong kiến trúc nhiều khi chỉ thay đổi một miếng ghép thôi là có thể mang lại một tiện ích lớn”. Cá nhân tôi sau khi được tận mắt ngắm ngôi nhà này tin rằng “sự đánh đổi” diện tích xây dựng cho một khoảng trống xanh mang lại rất nhiều cái “được”: Những buổi sáng thức dậy cùng tia nắng mặt trời, trải nghiệm thiên nhiên xanh mát cho cậu bé đang tuổi tò mò khám phá thế giới, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình...

Tất cả những thứ nhỏ xíu ấy, sẽ khiến người ta muốn Ở NHÀ bất cứ khi nào có thể

PV

Trí thức trẻ/Afamily

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên