'Sông Tô Lịch như người bệnh, chỉ đỡ xấu chứ không thể sạch'
Sông Tô Lịch tiếp nhận hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây nhưng thay đổi không đáng kể, việc làm sạch con sông này gặp rất nhiều khó khăn.
- 10-07-2019Triệu khối nước cuồn cuộn đổ vào, sông Tô Lịch biến sắc
- 09-07-2019Dùng công nghệ Nhật: Sông Tô Lịch nước trong, nhìn rõ đáy bùn đang phân huỷ
- 08-07-2019Chất lượng nước sông Tô Lịch biến chuyển ra sao khi dùng 'bảo bối' của Nhật?
- 07-07-2019Sông Tô Lịch nước trong, nhìn rõ đáy bùn đang phân hủy nhờ công nghệ Nhật
Công ty Thoát nước Hà Nội vừa cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Sau vài giờ nước được xả vào, màu nước sông Tô Lịch đã có chuyển biến đáng kể, nước chuyển từ màu đen sang màu xanh rêu, mùi hôi thối giảm.
Đánh giá về phương pháp này, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch hoàn toàn theo đúng chủ trương của Hà Nội lâu nay.
Tuy nhiên việc xả nước có được thường xuyên hay không, nước sông Tô Lịch trở lại trong hơn, sạch hơn không thì đấy lại là vấn đề khác.
Hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây được xả vào sông Tô Lịch làm nước sông đổi màu
Xả nước hồ Tây vào, sông Tô Lịch không hết ô nhiễm
Theo GS Hồng, chênh lệch mặt nước của hồ Tây hiện nay là 15cm, như vậy việc xả hơn 1 triệu m3 nước trong 2 ngày thì lượng nước đó không thể nào chảy kín hết dòng sông Tô Lịch dài hơn 14km. Lượng nước chênh lệch đó không đủ để làm sạch cả con sông.
“Đoạn đầu có thể trong xanh nhưng đến đoạn sau thì không biến chuyển gì”, ông Hồng nhận định.
Ngoài ra, việc xả nước hồ Tây sẽ đẩy một phần nước ô nhiễm vốn có của sông Tô Lịch xuống hạ lưu đó là sông Nhuệ, làm con sông này ô nhiễm hơn. Đây là điều vi phạm trong đánh giá tác động môi trường, chất ô nhiễm không được mở rộng ra, không được đưa chất thải từ nơi này đến nơi khác, mà phải xử lý tại chỗ.
Vì vậy, theo nguyên Thứ trưởng, việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chứ không thể xả thường xuyên.
GS Hồng nhấn mạnh, để làm sạch sông Tô Lịch, điều quan trọng nhất đó là phải cắt được nguồn nước thải dân sinh, nước thải công nghiệp đang làm cho Tô Lịch ô nhiễm.
"Hằng ngày tôi thấy công ty môi trường cho thuyền đi vớt rác, thi thoảng có nạo vét..., tuy nhiên tất cả phương án này cũng chỉ làm cho sông Tô Lịch không xấu hơn, chứ sông không phục hồi được, nó cũng như người bệnh", ông Hồng nói.
Đưa ra giải pháp cụ thể, GS Hồng cho rằng, muốn hồi phục lại dòng sông có 2 phương án. Thứ nhất phải có nguồn nước tự nhiên đủ nhiều để cấp cho sông Tô Lịch, nhiều năm trước có ý kiến cho rằng nên dẫn nước sông Hồng vào nhưng bây giờ phương pháp này không làm được.
Lý do được đưa ra vì đường dẫn nước từ sông Hồng vào Tô Lịch đã bị lấp từ nhiều năm trước khiến cho việc đào lại dòng chảy là điều không thế, sẽ tốn nhiều chi phí, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội.
Sông Tô Lịch được cải tạo đã không còn là dòng sông tự nhiên |
Nếu như nguồn nước không thể lấy từ sông Hồng thì phương án thứ 2 là phải cắt nước thải dân sinh ra khỏi ô nhiễm, sau đó chờ những trận mưa thì sông sẽ sạch.
"Cắt nước thải dân sinh, không cho xả trực tiếp ra sông mà dẫn vào một nhà máy để xử lý, nạo vét bùn, sau vài trận mưa, tôi tin rằng sông sẽ sạch hơn", ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cho hay, ông đã nghiên cứu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và thấy nó cũng giống sông Tô Lịch. Khi kênh này ô nhiễm, tất cả nước thải đã được tập trung vào một nhà máy, xử lý xong thì trả lại nước cho kênh.
“Kênh giờ thay đổi hơn rất nhiều, người ta cho thả cá, bơi thuyền ngắm cảnh. Có lẽ sông Tô Lịch cũng nên làm theo cách như kênh Nhiêu Lộc”, GS Hồng đề xuất.
Ông Hồng đánh giá cao công nghệ của Nhật mà Hà Nội đang thử nghiệm, nhưng ông cho rằng công nghệ chỉ xử lý được về mặt vật lý đó là mùi và chỉ được một thời gian, nếu không cắt tất cả chất thải thì không thể hết mùi.
Đồng thời, việc xử lý bằng công nghệ Nhật hay Đức đều sẽ tốn nhiều chi phí, ông lo rằng Hà Nội sẽ không đủ lực để duy trì công nghệ lâu dài.
Vị GS nhấn mạnh: “Tất cả giải pháp hiện giờ chỉ là tạm thời. Nếu đã dùng công nghệ xử lý nhưng công nghệ này không ổn định thì sau sẽ phải trả giá rất đắt”.
Tô Lịch là mương thoát nước chứ không còn là sông
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi chia sẻ thêm, trước đây sông Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng, cửa vào là phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) chảy quanh hồ Tây, sau đó chảy tiếp qua các quận huyện rồi đổ ra sông Nhuệ.
Các phương pháp đang áp dụng để làm sạch sông Tô Lịch chỉ là tạm thời |
Nguồn nước xa xưa của sông Tô Lịch là do sông Hồng cung cấp, và dòng sông Tô Lịch ngày xưa là một dòng tự nhiên.
Sông Tô Lịch bây giờ không còn như dòng sông cũ nữa, nó đã bị lấp cửa ở Cầu Gỗ từ rất lâu, từ thời nhà Lý người ta phải đào để sông thoát được nước, nhưng dần dần dòng sông vẫn ô nhiễm và bị chết.
GS Hồng cho hay, ngày nay Hà Nội cải tạo, xây và kè lại, uốn nắn lại biến Tô Lịch trở thành đường thoát nước chính cho nội đô.
Theo ông, muốn trở thành dòng sông phải có điều kiện. Thứ nhất, phải có nguồn nước thường xuyên cả vào mùa lũ, mùa hè trong khi nguồn nước chính của Tô Lịch hiện nay là nước mưa và nước thải.
Thứ 2 là trong dòng sông phải có bùn cát thì mới tạo dòng chảy được, nếu không có dòng chảy được thì dòng nước đứng lại gây ứ đọng dẫn đến ô nhiễm. Sông Tô Lịch hiện nay đều không đáp ứng được yêu cầu này.
“Như vậy sông Tô Lịch mà ta gọi xa xưa nay nếu gọi bằng từ chuyên môn thì phải gọi là đường thoát nước tự nhiên, hay đúng hơn là mương thoát nước”, ông Hồng nói.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của Hà Nội: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.
Đây là dòng thoát nước chính, tiếp nhận hầu hết nước thải trong khu vực nội thành. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân cùng với việc quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ khiến con sông đẹp, thơ mộng từng đi vào thơ ca Việt Nam trở thành dòng sông chết suốt những thập kỷ qua.
Hiện, Hà Nội đang cho thử nghiệm các công nghệ làm sạch sông Tô Lịch gồm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức với hy vọng có thể "hồi sinh" được dòng sông.
Cuối năm 2008, công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước sông Tô Lịch và thu được kết quả tốt.
Vietnamnet