MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốt đất nền tràn từ Nam ra Bắc, bùng nổ lừa đảo bất động sản

21-11-2019 - 11:17 AM | Bất động sản

Sau Alibaba là hàng loạt công ty bất động sản bán dự án ma bị phanh phui, hàng nghìn nhà đầu tư, khách hàng bị lừa mua phải dự án ma.

Mới đây nhất, Công an TP HCM đã bắt giam Trần Thị Hồng Hạnh (49 tuổi), Giám đốc Công ty bất động sản Hoàng Kim Land. Bà Hạnh bị cáo buộc lừa bán dự án "ma" chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

hoang-kim-land-2636-1574306869

Trần Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Hoàng Kim Land.

Theo điều tra, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land nhận là chủ đầu tư 7 dự án tại các quận huyện vùng ven TP HCM, rao bán rầm rộ. Bà Hạnh dùng pháp nhân công ty, ký hợp đồng chuyển nhượng nền đất cho rất nhiều khách hàng, thu hàng chục tỷ đồng. Chờ mãi không được giao đất, người dân khiếu nại gay gắt gây mất an ninh trật tự.

Nhà chức trách xác định những dự án Hoàng Kim Land đề cập không có thật. Các khu đất này chưa được cơ quan chức năng cấp phép, là đất nông nghiệp hoặc quy hoạch. Ngoài ra, bà Hạnh còn chuyển nhượng 4 căn nhà xây dựng sai phép tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.

Trước đó, đầu tháng 11 Công an TPHCM cũng đã bắt Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina do bị cáo buộc vẽ hàng loạt dự án "ma", lừa bán cho nhiều người.

pham-thi-tuyet-nhung_ymqi

Phạm Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Angel Lina.

Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina có trụ sở tại đường Phùng Khắc Khoan, quận 1. Theo điều tra, Tuyết Nhung đã dựng lên nhiều dự án bất động sản không có thật tại các khu đất công cộng, khu quy hoạch ở Thủ Đức, quận 9, quận 12, Bình Tân... rồi quảng cáo kêu gọi nhiều người đầu tư góp vốn.

Công ty cam kết trong hợp đồng thời hạn giao đất, trong vòng một năm khách hàng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Tuy nhiên, đến thời hạn, Công ty Angel Lina không hoàn thành mà tìm cách kéo dài. Riêng giám đốc Tuyết Nhung sau đó lánh mặt, rồi bỏ trốn. Cảnh sát xác định, nhiều khách hàng đã bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Đặc biệt, hồi tháng 9 VKSND TP.HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt để tạm giam bốn tháng đối với Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

26-7b1-1569040483051783933793

Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Alibaba.

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Anh em Luyện và Lĩnh lập ra Tập đoàn Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên). Luyện được xác định đóng vai trò chủ mưu, chỉ đạo Lĩnh thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha giao cho các cá nhân đứng tên, tự "vẽ" ra 40 dự án "ma" tại Đồng Nai (29 dự án), Bà Rịa-Vũng Tàu (chín dự án), Bình Thuận (hai dự án).

Tất cả dự án này Alibaba chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho dự án. Sau đó Alibaba phân lô, bán nền quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để bán cho hàng ngàn khách hàng. Tính đến ngày 30-6-2019, Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.

Cùng với hàng loạt các Giám đốc công ty BĐS ma bị bắt giam, ngày 20/11 Công an Bình Thuận đề nghị phong tỏa tài khoản của Giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát Nguyễn Hữu Kha (29 tuổi) trong khi làm rõ hành vi lừa đảo, rao bán dự án ảo chiếm đoạt tiền khách hàng.

20191119_114212

Trụ sở Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát.

Ông Kha bị tố cáo có hành vi lừa dối trong hợp đồng đặt cọc đất, nhận tiền cọc của khách hàng; lợi dụng lòng tin của người khác nhờ đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chiếm đoạt tài sản.

Công ty Hưng Thịnh Phát đã mở bán nhiều dự án ảo như: City 1, 2; Hàm Liêm 1, 2; Ma Lâm Diamond Town; Hưng Thịnh Phát Residence Phan Thiết… Các dự án được quảng cáo có vị trí đẹp, sát UBND huyện, công an huyện và công ty này đã nhận tiền cọc gần 200 lô đất.

Việc các giám đốc công ty ma lao vào vòng lao lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm sau 3 năm phân khúc đất nền phát triển quá nóng tại phía Nam. Hiện nay còn rất nhiều nhà đầu tư đang phải nếm quả đắng.

Cụ thể, mới đây nhất, hàng trăm khách hàng đã kéo đến trụ sở Tỉnh ủy Long An và gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo bà Nguyễn Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng BĐS Hưng Thịnh tại Long An (không phải Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corporation) tại TP.HCM); bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An và một số cá nhân khác có hành vi lừa đảo tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường và Hưng Thịnh Cát Tường 2 (H.Đức Hòa, Long An).

Những khách hàng ở đây cho biết hai dự án này đến nay chủ đầu tư đã bán cho họ nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Thậm chí tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường 2, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An còn bị người dân tố cáo chưa bồi thường đã tự ý chiếm dụng đất của người dân để phân lô bán nền. Hiện đơn tố cáo của người dân đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng , kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) tiếp nhận xử lý.

Có thể nói, sau 3 năm cơn sốt đất nền lan rộng từ Nam ra Bắc đã có hàng chục vụ lừa đảo liên quan đến bất động sản.  Lợi dụng cơn sốt, nhiều doanh nghiệp đã thi nhau gom đất lập dự án phân lô bán nền và kéo theo đó là nhiều nhà đầu tư lao theo cơn sốt, trong đó có không ít là nhà đầu tư nghiệp dư với mong muốn làm giàu nhanh. Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua, nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt, mua phải đất không thể làm sổ đỏ, thậm chí tiền mất, tật mang do mua phải dự án ma.

Để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này, theo các chuyên gia cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông báo chí. Dựng panô, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa. Đây là cách mà UBND Q.12, Q.Bình Tân (TP HCM) hay thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa làm.

Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tiến hành cưỡng chế các dự án sai phạm, trả lại hiện trạng khu đất, nhắc nhở chủ khu đất không nên nghe theo lời của các công ty bất động sản bất chính.

Đối với bất động sản, đất nền vẫn là kênh đầu tư hiệu quả nhất, nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro, thậm chí có thể khiến người mua mất trắng. Theo các Luật sư, điều tiên quyết là người dân cần tìm hiểu pháp lý kỹ càng trước khi "xuống tiền". Các vụ việc xảy ra tại Công ty Alibaba, Công Angel, Công ty Hoàng Kim Land… vừa qua là bài học xương máu, cảnh tỉnh cho người mua.

Nam Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên