MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sốt ruột với tài chính xanh

08-09-2023 - 07:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Cơ quan quản lý cần sớm tạo môi trường pháp lý để doanh nghiệp tham gia vào thị trường tài chính xanh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
294 bài viết

Phát biểu tại hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 6-9, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố đang đứng trước thách thức to lớn về biến đổi khí hậu nên cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước. Nếu không chuyển đổi xanh, nếu không có chiến lược bài bản, những chính sách cụ thể, lâu dài, nền kinh tế thành phố sẽ mất năng lực cạnh tranh.

TP HCM tiên phong chuyển đổi xanh

Ông Phan Văn Mãi khẳng định TP HCM sẽ là địa phương phải đi đầu nhận nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Theo ông, 3 trụ cột của chuyển đổi xanh là nguồn lực, hạ tầng và hành vi. Thành phố cần có những mô hình để huy động nguồn lực và đầu tư đúng trọng tâm để chuyển đổi xanh nhanh, hiệu quả. 

"Lực lượng quan trọng và quyết định thành công của chuyển đổi xanh là đội ngũ doanh nghiệp (DN). Vì vậy làm sao để DN tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường và tiếp tục phát triển bền vững. Trong thời gian tới, thành phố sẽ ban hành chính sách để hỗ trợ DN chuyển đổi số, chuyển đổi xanh" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Sốt ruột với tài chính xanh - Ảnh 1.

TP HCM kỳ vọng Cần Giờ sẽ về đích trước trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, thành phố là trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn nên cần có định hướng, quy hoạch, đặc biệt là nguồn lực lớn và cách làm hiệu quả để có nguồn cung năng lượng sạch, thân thiện môi trường. 

Thành phố cũng sẽ tập trung vào các nội dung như: hành vi tiêu dùng, hành vi trong sản xuất, kinh tế tuần hoàn, phát triển khởi nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với quá trình chuyển đổi xanh; giao thông xanh, xây dựng xanh... 

"Thành phố quan tâm du lịch xanh, hệ sinh thái Cần Giờ xanh. Thành phố mong muốn Cần Giờ đi sớm về đích trước trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" - ông Phan Văn Mãi nói.

Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính được giao xây dựng thị trường carbon. Để đến năm 2025 có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon thì các chính sách phải hoàn thành trước tháng 7-2024. Tất cả hàng hóa sẽ được mã hóa trước khi đưa lên thị trường, gắn kết vào sở giao dịch và lưu ký, thanh toán qua hệ thống thanh toán hiện đại. 

"Tham vọng của Bộ Tài chính, bằng hạ tầng chứng khoán Việt Nam, chúng ta sẽ tiến thẳng lên thị trường hiện đại, trao đổi tự động, hiện việc này chỉ một số nước làm được. Chúng tôi cố gắng tạo môi trường công khai minh bạch rõ ràng nhất để trao đổi trên đó" - ông Hoàng Thái Sơn nói.

Đối với TP HCM, đại diện Bộ Tài chính mong rằng với Nghị quyết 98, thành phố sẽ đi đầu. Tuy chưa có thị trường nhưng bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Ông khẳng định nếu TP HCM lập một tổ công tác để triển khai việc này thì Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp.

Mục tiêu đầy tham vọng

Tham dự hội thảo, nhóm nghiên cứu của GS-TS Trần Ngọc Thơ, TS Hồ Quốc Tuấn, TS Lê Đạt Chí và ThS Nguyễn Thị Thu Hà, đã có bài phát biểu tổng quan về "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon", cũng như những lợi thế mà TP HCM có thể triển khai thông qua Nghị quyết 98.

Theo nhóm nghiên cứu, TP HCM đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. Với Quyết định số 3273/QĐ-UBND, TP HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Có thể nói, đây là một mục tiêu đầy tham vọng.

Trước mục tiêu này, nhiều DN đã bắt đầu hành động. Không chỉ đẩy nhanh việc kiểm kê khí thải, các DN chuyển đổi xanh bằng cách thực hiện một loạt biện pháp, như thay đổi trong hoạt động kinh doanh để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và tạo ra giá trị bền vững.

Với xu hướng này, số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Để điều hướng dòng vốn đến công cuộc giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước và quốc tế rất quan trọng.

Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh trên thế giới còn khá mới mẻ, Việt Nam cũng rất hạn chế, đâu đó vài DN phát hành trái phiếu xanh với khối lượng khiêm tốn. "Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ... 

Đặc biệt, yêu cầu về minh bạch rất quan trọng nên tôi cho rằng Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy đưa ra tiêu chí trái phiếu xanh để nhà phát hành tuân thủ, nếu không 3-5 năm tới trái phiếu xanh ở Việt Nam cũng chỉ là vấn đề "nói cho vui" vì phát triển trái phiếu thường còn rất nhiều khó khăn thì trái phiếu xanh không dễ" - TS Hiếu nhìn nhận.

Đại diện cho khối DN TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), bày tỏ sự sốt ruột của các DN trong triển khai tài chính xanh và thị trường carbon. Theo ông, điều DN quan tâm nhất là họ bắt đầu như thế nào? Ai cấp cho DN chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào? Nếu vượt thì phải mua của ai để bù đắp? "Cộng đồng DN mong các cơ quan quản lý vào cuộc sớm hơn, tạo môi trường pháp lý để DN vào cuộc sớm hơn. Việc chuyển động hiện nay quá chậm" - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Theo Sơn Nhung - Quốc Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên