MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

South China Morning Post: Trung Quốc trước hết nên chấp nhận việc mất sản xuất và xuất khẩu cho Việt Nam, sau đó phản ứng theo cách này

South China Morning Post cho rằng, Trung Quốc không nên phản ứng với việc xuất khẩu bị mất sang Mỹ bằng tăng trưởng tín dụng.

Khi cuộc chiến thương mại làm giảm xuất khẩu của hàng Trung Quốc sang Hoa Kỳ, các cải cách cơ cấu - không làm tăng nợ - là phản ứng đúng đắn mà Trung Quốc nên có.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ càng ngày càng trở nên xa cách. Hai thập kỷ trước, những cải cách kinh tế của Trung Quốc và sự bùng nổ của "bong bóng" tín dụng ở Đông Nam Á đã kích thích khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất ở các quốc gia lân cận dồn sang Trung Quốc.

Gió đã xoay chiều, Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia tiến hành cải cách kinh tế, Trung Quốc có khả năng rơi vào bong bóng tín dụng, và dòng chảy doanh nghiệp đang quay ngược trở lại Đông Nam Á. Mô hình sản xuất gia công áp dụng cho phát triển xuất khẩu vẫn còn giữ được tính xu thế.

Trung Quốc đã xuất khẩu 539 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ vào năm 2018. Khoảng một phần ba trong hàng hóa đó, bao gồm đồ nội thất, giày dép, hàng may mặc và đồ chơi,.. là những sản phẩm thế mạnh của các quốc gia có lao động chi phí thấp. Khi lao động Trung Quốc không còn rẻ, những ngành sản xuất thâm dụng lao động này sẽ rời đi đầu tiên. 

South China Morning Post: Trung Quốc trước hết nên chấp nhận việc mất sản xuất và xuất khẩu cho Việt Nam, sau đó phản ứng theo cách này - Ảnh 1.

Các công ty đã trải qua áp lực chi phí trong một thập kỷ ở Trung Quốc vì tăng lương và thắt chặt các tiêu chuẩn môi trường. Tất nhiên trước đó, quá trình "chảy máu chuỗi sản xuất" vẫn còn chậm, do Trung Quốc vẫn có lợi thế về bất động sản liên quan đến sản xuất. Nhưng cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã đẩy quá trình đó nhanh hơn. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc có thể sẽ giảm nhanh chóng trong những tháng tới.

Điện tử tiêu dùng, chiếm một phần ba nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc, sẽ mất nhiều thời gian hơn để di dời, bởi vì chuỗi cung ứng bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng chắc chắn, nó cũng sẽ rời đi. 

Nhìn bề ngoài, sớm nhất, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể biến mất sau 5 năm nữa. Tất nhiên đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Trước đây, khi Nhật Bản chuyển hoạt động lắp ráp sang Đông Nam Á và sau đó sang Trung Quốc, thâm hụt thương mại trực tiếp với Mỹ đã giảm mạnh. Nhưng thâm hụt của Mỹ với khu vực này thì không thay đổi; Nhật Bản tiếp tục có thặng dư thương mại lớn so với Mỹ một cách gián tiếp thông qua xuất khẩu nguyên liệu sang các nước lắp ráp.

Trung Quốc có thể đi theo con đường tương tự trong lĩnh vực điện tử. Trong khi các nhà máy lắp ráp iPhone sẽ di dời nhanh chóng, nguyên vật liệu vẫn sẽ đến từ cùng nhà cung cấp Trung Quốc trong nhiều năm tiếp theo. Việt Nam chưa có khả năng phát triển ngành công nghiệp thành phần như Nhật Bản hay Trung Quốc.

South China Morning Post: Trung Quốc trước hết nên chấp nhận việc mất sản xuất và xuất khẩu cho Việt Nam, sau đó phản ứng theo cách này - Ảnh 2.

Kể cả khi cán cân thương mại đã cân bằng, chiến tranh thương mại cũng chưa chắc đã kết thúc. Mỹ sẽ nhận ra hàng nhập khẩu từ Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác là sản phẩm cuối cùng, nhưng nguyên vật liệu vẫn là từ Trung Quốc. Nếu Mỹ muốn buộc cả quy trình sản xuất vật liệu và linh kiện rời khỏi Trung Quốc, ông Trump sẽ phải trả giá đắt hơn.

Nếu hai phần ba lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ (tương đương 350 tỷ USD) được di dời, thì tổn thất ròng của Trung Quốc là giá trị gia tăng trong giai đoạn lắp ráp - có thể chiếm khoảng một phần ba, hoặc khoảng 120 tỷ USD chiếm khoảng 1% GDP. Mặc dù con số có vẻ nhỏ, nhưng tác động đến hệ thống tín dụng của Trung Quốc có thể lớn gấp ba đến năm lần.

Tác động đến doanh thu tài chính sẽ còn lớn hơn. Ngân sách của chính phủ trung ương sẽ phải dùng để trợ cấp cho các tỉnh nghèo, chủ yếu là năm tỉnh dọc theo bờ biển phía đông - phụ thuộc vào xuất khẩu, tác động tài khóa có thể rất lớn và có thể buộc Trung Quốc phải thực hiên một số điều chỉnh.

Có một cách đúng đắn để Trung Quốc đối phó với thách thức này: thông qua cải cách cơ cấu để tăng cường hiệu quả. 

Trung Quốc không nên coi tăng cường cung cấp tín dụng là cách để giữ mọi thứ ổn định, chấp nhận lạm phát cao hơn và tham gia phá giá, như những năm 1992-1993. 

Chính sách lạm phát của Trung Quốc trong chu kỳ trước đạt đỉnh vào năm 1992-93. Lạm phát kỳ vọng khiến nhu cầu đối với đồng CNY giảm mạnh và gây ra bất ổn tỷ giá hối đoái. Khi cựu thủ tướng Chu Dung Cơ đối phó với khủng hoảng, chính sách của ông tập trung vào việc tái thiết lập niềm tin vào đồng CNY thông qua việc ổn định giá và lãi suất thực dương. Thành công của chính sách của ông đã dẫn đến nhu cầu lớn đối với đồng CNY trong hai thập kỷ. Sự ổn định tài chính kết quả là nền tảng cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng sau đó. 

Nếu Trung Quốc quay trở lại việc đánh đổi lạm phát để giải quyết vấn đề nợ nần, sự xói mòn niềm tin vào đồng CNY sẽ có tác động sâu sắc đến ổn định tài chính dài hạn. Tăng trưởng GDP ngắn hạn không quan trọng đối với Trung Quốc. Vì người dân Trung Quốc rất năng suất, sự ổn định và một thị trường mở đương nhiên sẽ dẫn đến sự thịnh vượng. 

Chúng ta phải nhớ rằng sự bất ổn về tiền tệ là một yếu tố chính gây ra những khó khăn của Trung Quốc trong thế kỷ qua. Trung Quốc nên coi trọng trọng sự ổn định tiền tệ hơn bất kỳ lợi thế chính sách ngắn hạn nào.

Trung Quốc nên sử dụng cuộc khủng hoảng hiện tại như một tác nhân để giải quyết tất cả các vấn đề cơ cấu chưa được giải quyết trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc đã diễn ra từ đó. Cụ thể, Trung Quốc phải ngừng tin rằng "bong bóng tín dụng" là công cụ phát triển. Lợi ích ngắn hạn có thể sẽ vượt xa chi phí dài hạn. Trung Quốc đang ngồi trên một trong những bong bóng tài sản lớn nhất trong lịch sử loài người. Cách phản ứng với sự bùng nổ sẽ quyết định tương lai của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới.

Hoàng An

South China Morning Post

Trở lên trên