MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

South China Morning Post: Xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược và chuyện năng lực hỗ trợ sản xuất của Việt Nam đã gần đến điểm cận biên

Thương mại toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi lớn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh: đảo ngược quá trình toàn cầu hóa.

Xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược (tiếng Anh: deglobalization) đang tạo ra những chuỗi cung ứng ngắn hơn, phân đoạn hơn khi các công ty cố gắng theo kịp yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Toàn cầu hóa bắt đầu từ năm 1990, bắt nguồn bởi sự hội nhập của lao động giá rẻ từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên đến nay, lợi thế chi phí lao động đã hao mòn đi nhiều, khi các trung tâm sản xuất giá rẻ này ngày một phát triển và công nhân yêu cầu tiền lương cao hơn.

Một nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey, được công bố trong năm nay, cho thấy lao động kỹ năng thấp đang ngày càng trở nên ít quan trọng hơn trong vai trò là một yếu tố sản xuất. Trái ngược với ý kiến cho rằng giá lao động sẽ quyết định phần lớn hoạt động sản xuất và luôn bán, chỉ có khoảng 18% giao dịch thương mại toàn cầu hiện nay được quyết định bởi chênh lệch giá lao động.

South China Morning Post: Xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược và chuyện năng lực hỗ trợ sản xuất của Việt Nam đã gần đến điểm cận biên - Ảnh 1.

"Các chuỗi cung ứng đang trở nên ngắn hơn", ông Jeongmin Seong, thành viên cao cấp tại Viện toàn cầu McKinsey và là đồng tác giả của báo cáo cho biết. "Phần đầu của giai đoạn toàn cầu hóa là xây dựng chuỗi cung ứng đường dài, sản xuất một thứ gì đó ở một nước có chi phí thấp và vận chuyển nó đến một nước có chi phí cao. Nhưng giờ đây, chuỗi cung ứng cần phải gần gũi hơn với cơ sở khách hàng và sự sẵn có của các nguồn lực khác như công nghệ, đổi mới đang trở nên quan trọng hơn".

Trong giai đoạn toàn cầu hóa đầu tiên, thời đại sản xuất hàng loạt, các công ty có thể vận chuyển nhiều sản phẩm số lượng lớn từ nước A đến nước B. Nhưng khách hàng ngày càng khó tính, họ trở nên kỹ tính hơn, đặc biệt là đối với các sản phẩm như quần áo và điện tử. Nếu các nhà sản xuất muốn phản ứng nhanh với những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, họ sẽ cần một chuỗi cùng ứng nhỏ và gần với thị trường hơn.

Các công ty đang tìm cách sản xuất gần hơn với thị trường tiêu dùng của họ để tránh những bất ổn của môi trường giao dịch đầy biến động, cũng như giảm thiểu chi phí thuế quan.

"Các công ty trên toàn cầu đã nhìn thấy xu hướng của chủ nghĩa khu vực. Vì vậy, họ đang đầu tư vào Đông Âu để cung cấp hàng hóa cho EU, đầu tư vào Mexico để gần hơn với Hoa Kỳ", ông John Evans, Giám đốc điều hành của Tractus Asia, cũng làm việc với các doanh nghiệp chuyển đến từ Trung Quốc.

South China Morning Post: Xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược và chuyện năng lực hỗ trợ sản xuất của Việt Nam đã gần đến điểm cận biên - Ảnh 2.

Đồng thời, những địa điểm trước đây vốn được coi là những công xưởng sản xuất chi phí thấp đang chuyển mình trở thành những thị trường tiêu dùng sôi động. Khi hàng triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, nhiều công ty đang chọn có chuỗi cung ứng nội địa hóa để phục vụ họ. 

Ở Trung Quốc, trong khi rất nhiều nhà sản xuất đã rời đi, thì vẫn có những người ở lại Trung Quốc, hoặc gần Trung Quốc. Điều này là hiển nhiên khi nhìn vào thị trường xe hơi, nơi các công ty như Changan Ford sản xuất với số lượng lớn ở Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, những nhà máy này xuất khẩu rất ít sang Mỹ chẳng hạn.

"Thay vì nhập khẩu, ô tô Trung Quốc đang có xu hướng được sản xuất trong nước để tránh thuế quan", ông Bill Russo, người sáng lập công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. 

Lakshman Achuthan, đồng sáng lập Viện nghiên cứu chu kỳ kinh tế (ECRI), chỉ ra sự sụt giảm của tỷ lệ xuất khẩu/GDP ở Trung Quốc và Ấn Độ. Hai thị trường này có khả năng cung cấp động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ sắp tới, một phần là do sự gia tăng của người tiêu dùng trong nước, cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của các khu vực phi sản xuất.

"Thật vậy, xuất khẩu/GDP đã xuống dưới 20% ở Trung Quốc và Ấn Độ", ông nói. "Việt Nam trong ngắn hạn sẽ được hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc tìm kiếm một sự thay thế ngắn hạn cho các chị trường xa xôi khác. Tuy nhiên trong dài hạn, đó không phải là một giải pháp bền vững, do năng lực hỗ trợ sản xuất của Việt Nam đã gần đến điểm cận biên, cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, giá đất và lao động hiện tại có thể vẫn còn tương đối thấp, nhưng sẽ tăng rất nhanh".

Song song với việc phát triển ra các thị trường quốc tế, Việt Nam cần có sự tập trung đúng mực cho vai trò sản xuất phục vụ thị trường nội địa và thị trường khu vực Đông Nam Á. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, việc khai thác lao động chi phí thấp ở những điểm giá rẻ sẽ không còn là yếu tố quá quan trọng để tối ưu hóa chi phí. Nếu Việt Nam không thay đổi, sự mất cân bằng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hoàng An

South China Morning Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên