SSI: Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP thấp cho 2018 có phần vô lý
Nếu không tính khai khoáng, tăng trưởng 2017 đạt 7,9%, một con số ấn tượng. Trên đà tăng trưởng này, việc đặt mục tiêu thấp cho năm 2018 có phần vô lý.
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra Báo cáo Kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2017 (Vietnam Chartbook). Từ việc đánh giá nền kinh tế trong năm qua, báo cáo cho rằng việc đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2018 là hoàn toàn khả thi.
Báo cáo nhận định: "Đạt tăng trưởng 6,81% có thể coi là một bất ngờ lớn của năm 2017 nhưng qua bóc tách các số liệu, chúng tôi nhận thấy tăng trưởng đã "thật" hơn so với số liệu 9 tháng".
Nếu không tính khai khoáng, tăng trưởng 2017 đạt 7,9%, một con số ấn tượng cho thấy sự gia tăng về tiêu dùng là tất yếu nhờ gia tăng việc làm và thu nhập người dân. Vì vậy, báo cáo cho rằng trên đà tăng trưởng này thì việc đặt mục tiêu thấp cho năm 2018 có phần vô lý.
GDP năm 2017 tăng 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thành quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm là hệ thống ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước là những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Minh chứng cụ thể đó là tăng trưởng của ngành tài chính, ngân hàng với mức tăng cũng cao nhất nhiều năm.
CPI cả năm tăng 2,6%. Hai nhóm mặt hàng kéo giảm CPI năm 2017 là Thực phẩm (-3,92%) và Bưu chính viễn thông (-0,46%). CPI nhóm Thuốc và Dịch vụ y tế tăng mạnh nhất là 27,79%
Trong khó khăn, Việt Nam đã nhận diện được các điểm yếu, đồng thời tích cực tìm kiếm động lực tăng trưởng. Điển hình là việc thu hút FDI trong giai đoạn 2013 - 2014 mang lại kết quả rõ rệt trong năm 2017. Điều này mang lại nhiều hy vọng trong giai đoạn sắp tới khi nhiều động lực tăng trưởng mới cũng đã được định hình như thành lập đặc khu kinh tế, phát triển du lịch, khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao hay hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm tăng 12,1%. Đóng góp chính cho tăng trưởng giải ngân là vốn từ nhân và FDI với mức tăng 16,8% và 12,8%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn trong năm 2017 tăng mạnh 41,7% lên 29,6 tỷ USD, hứa hẹn giải ngân trong 2018 sẽ duy trì tăng trưởng tốt.
Xuất khẩu 2017 đạt 214 tỷ USD, trong đó khối trong nước xuất khẩu 61.9 tỷ USD và khối FDI xuất khẩu 152 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm tăng 21% lên 425 tỷ USD, trong đó khối FDI tăng 25% và khối trong nước tăng 15% cho thấy tầm quan trọng của khối FDI trong thúc đẩy thương mại và kinh tế Việt Nam.
Năm 2017 có thể coi là một năm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ. Sau biến động trong những tháng đầu năm, thanh khoản thị trường tiền tệ dần ổn định và được duy trì ở mức thấp xuyên suốt cả năm. Tỷ giá USD/VND được giữ vững, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 1,2% lên 22.425 VNĐ, nhưng tỷ giá thực tế giảm 0,24% trên thị trường ngân hàng và giảm 1,65% trên thị trường tự do.
Năm 2017 kết thúc với nhiều thành công nổi trội trên thị trường chứng khoán. VN-Index tăng 48% lên 984,24 điểm, mức cao nhất trong 10 năm, đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Quy mô thị trường được mở rộng nhanh chóng, tổng giá trị vốn hóa tăng 82% đạt 153 tỷ USD, tương đương 70% GDP, động lực lớn xuất phát từ hoạt động niêm yết và bán vốn Nhà nước. Dòng tiền nước ngoài đổ vào mạnh mẽ và giao dịch sôi động với thanh khoản cao.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI, điểm thay đổi tư duy có tính quyết định là việc ghi nhận tầm quan trọng của kinh tế tư nhân song song với việc đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Một mặt, quá trình này giúp huy động một nguồn vốn/ngoại tệ lớn cho phát triển kinh tế, một mặt giúp nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn, hướng đến các nhóm đối tượng có hiệu quả sử dụng vốn cao hơn. Vốn là điểm nghẽn cản trở tăng trưởng của Việt nam trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, ông cho rằng từ tư duy, chính sách đến hành động thực tiễn dẫu sao vẫn là khó khăn lớn nhất. Làn sóng khởi nghiệp được nhen nhóm từ năm 2016 nhưng nhìn tổng thể tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 (15,2%) đã giảm so với 2016 (16,1%). Chính sách về đặc khu kinh tế mới chỉ ở giai đoạn soạn thảo và tính khả thi vẫn chưa thực sự rõ ràng. Trong bối cảnh đó, động lực tăng trưởng chính của 2018 vẫn đến từ khối FDI với sản phẩm điện tử quen thuộc.
Ông Linh nói thêm: "Chiến lược phát triển cao và bền vững đang là quyết tâm lớn của toàn bộ hệ thống chính trị. Trước mắt những thay đổi trong chiến lược phát triển sẽ chưa mang lại kết quả ngay nhưng nhìn vào thành quả của thu hút FDI 3 - 4 năm về trước, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng tăng trưởng của Việt nam trong những năm tới sẽ cao hơn và bền vững hơn".