MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SSI Research: Việt Nam tăng trưởng trên 7% năm 2018 là “trong tầm tay”

SSI Research nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 không còn là điều quá quan trọng vì các cân đối vĩ mô đều ở trạng thái tốt. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu này còn cho rằng năm 2018, GDP Việt Nam đạt trên 7% là trong tầm tay.

Các dòng máy Samsung là cứu cánh cho ngành công nghiệp

Quý III/2017 vừa ghi nhận sự tăng trưởng cao đột biến khi đạt 7,64% (quý I là 5,15%, quý II là 6,28%). Giải thích cho hiện tượng này, báo cáo vĩ mô của SSI Research cho biết đó là nhờ sự cải thiện mạnh của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo với sản phẩm vượt trội là điện tử.

Theo đó, sự ra đời của của Samsung Galaxy S8 vào tháng 4 là cứu cánh cho ngành công nghiệp quý 2 còn sang quý 3, đó là Galaxy Note 8.

Nhờ có Galaxy Note 8 ra mắt vào cuối tháng 8, chỉ số công nghiệp ngành điện tử đã tăng vọt 44,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất 32 tháng. Nhờ vậy, chỉ số công nghiệp điện tử 9 tháng được đẩy lên 25,1% (cùng kỳ tăng 13,4%).

Trên thực tế, sản xuất điện thoại có giá trị rất lớn (xuất khẩu điện thoại chiếm tới 1/5 tổng giá trị xuất khẩu cũng như GDP 9 tháng) nên tăng trưởng của ngành này có ảnh hưởng trọng yếu đến tăng trưởng GDP.

Bên cạnh điện thoại cũng phải kể đến các sản phẩm điện tử khác với giá trị xuất khẩu 9 tháng lên tới 18,4 tỷ USD, chiếm 12% tổng xuất khẩu và tăng mạnh 41% so với cùng kỳ 2016.

SSI Research: Việt Nam tăng trưởng trên 7% năm 2018 là “trong tầm tay” - Ảnh 1.

Theo SSI Research, tăng trưởng của quý 3 một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của FDI và nhu cầu cần phải có những cơ chế đặc biệt nhằm thu hút các dự án FDI quy mô lớn.

Cũng liên quan đến FDI, một dự án gây nhiều tranh cãi là Formosa cũng đã bắt đầu có đóng góp vào tăng trưởng của ngành sản xuất kim loại. Formosa sau thời gian khắc phục sự cố đã bắt đầu sản xuất từ cuối quý 2 và dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép với doanh thu dự kiến 16,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2017.

Một nhân tố khác có tính đột biến tạo tăng trưởng cao trong quý 3 là ngành bán buôn, bán lẻ khi từ chỗ tăng 7,1% sau 2 quý đã nhảy lên 8,16% sau 3 quý.

Bán buôn bán lẻ là ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ nên sự cải thiện của ngành này có tác động lớn tới tăng trưởng chung. Tuy vậy bước nhảy trên 1% của bán buôn bán lẻ là hiện tượng rất hiếm gặp trong nhiều năm qua.

SSI Research: Việt Nam tăng trưởng trên 7% năm 2018 là “trong tầm tay” - Ảnh 2.

Tăng trưởng ngành Bán buôn bán lẻ trong tương quan với tăng trưởng GDP và chỉ số bán lẻ điều chỉnh sau LP

SSI Research: Việt Nam tăng trưởng trên 7% năm 2018 là “trong tầm tay” - Ảnh 3.

Tăng trưởng các ngành dịch vụ 6 tháng và 9 tháng 2017

Về vấn đề khai khoáng, báo cáo của SSI cũng cho biết khai thác dầu thô tháng 9 đạt 1,06 triệu tấn, giảm 6,2% so với tháng trước và 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số công nghiệp khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên vì thế mà giảm 11,5%, mức giảm lớn nhất 5 tháng.

SSI Research nhận định khai thác dầu thô sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp cho đến hết năm. Bù lại, các ngành khai khoáng sẽ có tăng trưởng cao. Điều này dẫn đến việc GDP ngành khai khoáng trong 9 tháng dù giảm 8,08% nhưng đây lại là mức giảm thấp nhất 3 quý.

“Nếu không tính khai khoáng, tăng trưởng kinh tế 2017 đạt mức cao nhất nhiều năm là 7,5%. Đây là con số đáng khích lệ và là tiền đề để tin tưởng tăng trưởng GDP 2018 sẽ trên 7% khi ngành khai khoáng phục hồi từ nền thấp 2017”, nhóm nghiên cứu của SSI cho biết.

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp cũng có nhiều tín hiệu khả quan trong quý III khi đạt tăng trưởng 2,78% trong 9 tháng, mức cao nhất 3 năm.

Nguyên nhân quan trọng khiến nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp có tăng trưởng cao trong năm 2017 là do không còn những biến cố dồn dập như khô hạn, xâm nhập mặn cho đến sự cố biển miền Trung như năm 2016. Khủng hoảng cục bộ của mảng chăn nuôi lợn vào đầu năm 2017 đã được bù đắp bằng giá cao su và xuất khẩu rau quả nên ngành nông nghiệp nói chung phục hồi tăng 1,96% (cùng kỳ tăng 0,05%).

Bên cạnh đó tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong những năm qua và sự dịch chuyển cơ cấu diện tích đất nông nghiệp là tín hiệu tích cực cho thấy ngành nông nghiệp đã chuyển mình theo hướng sản xuất nông nghiệp giá trị cao mà chưa cần đến gói tín dụng ưu đãi.

Mục tiêu tăng trưởng trong tầm tay

Theo SSI Research, khai khoáng tăng trưởng âm và nông nghiệp tăng trưởng thấp đã kéo lùi tăng trưởng chung nhưng không tiềm ẩn rủi ro lớn. Ngược lại, cả hai đều hứa hẹn tạo tăng trưởng cao hơn trong các năm tiếp theo.

Giá dầu ổn định rất có thể sẽ giúp ngành khai khoáng có lại tăng trưởng dương trong năm 2018. Ngành nông nghiệp đang được tập trung hỗ trợ để có tăng trưởng cao với những động thái chính sách có thể thấy được như việc sửa đổi luật Đất đai hay gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, sự hồi phục có tính bền vững của ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là một nhân tố vô cùng quan trọng bởi đây không chỉ là một ngành tạo ra giá trị mà còn là xương sống của nền kinh tế.

“Điểm cần lưu ý là ngành ngân hàng hay chính sách tiền tệ không thể sử dụng cho quá nhiều mục tiêu mà cần phải dàn trải nhiệm vụ kích thích tăng trưởng cho tất cả các cơ quan với tư duy kích cung thay cho kích cầu”, phía SSI Research cho biết.

Mặt khác, báo cáo cũng nhấn mạnh Việt Nam không được chủ quan với sản xuất công nghiệp bởi sự phụ thuộc vào một vài sản phẩm mũi nhọn tiềm ẩn rủi ro biến động lớn như đã từng xảy ra với sự cố Galaxy Note 7.

SSI Reseach tin tưởng rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng và đây là kết quả của những nỗ lực nội tại rất lớn như thu hút FDI hay tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6.7% trong năm 2017 không còn là điều quá quan trọng bởi các cân đối vĩ mô đều ở trạng thái tốt và tăng trưởng trên 7% vào năm 2018 là trong tầm tay.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên