SSI, VCI, HCM…lãi đậm song thị giá đã giảm sâu đến 25%, nhà đầu tư có nên "cắt lỗ" hàng cơ bản như cổ phiếu "rác"?
Loạt đơn vị khác như Chứng khoán Rồng Việt… cũng đạt kỷ lục mới về lợi nhuận trong năm qua. Dù vậy, diễn biến của cổ phiếu trên thị trường đang khiến cổ đông mất kiên nhẫn.
Là một trong những nhóm ngành hưởng lợi mạnh mẽ từ sự tăng trưởng của thị trường, các CTCK khép lại một năm 2021 với sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận. Dù vậy, trái ngược với tình hình kinh doanh, thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp đang trong xu hướng giảm sâu và chưa hồi phục.
Điểm qua về kinh doanh Chứng khoán SSI (SSI) vừa công bố kết quả kinh doanh BCTC riêng quý 4/2021 và cả năm 2021. Ghi nhận, doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 4/2021 đạt lần lượt 2.681 tỷ đồng và 1.264 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ vào mức 1.012 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 7.773 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.327 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 72% và 113% so với cùng kỳ năm 2020.
TCBS cũng thu về tổng doanh thu năm 2021 với 5.195 tỷ đồng, tăng 59% và lợi nhuận trước thuế đạt 3.810 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020. Biên lợi nhuận trước thuế đạt 73%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu đạt 40%. Quý 4/2021, TCBS vào Top 5 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE với 5,28% thị phần và dự kiến lọt Top 3 về cho vay ký quỹ (margin) chứng khoán.
Chứng khoán SHS cũng khép lại năm 2021 với doanh thu 2.895 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Lãi gộp từ các khoản đầu tư tự doanh đạt mức 1.484 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kì, trong đó tự doanh trái phiếu ghi nhận lãi gộp 216 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế Công ty thu về 1.753 tỷ đồng, gấp 1,9 năm ngoái và đạt 233% mức kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.
Hay VPS, dốc sức chạy đua để dẫn đầu thị phần môi giới, Chứng khoán VPS thu hơn 9.518 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, mảng môi giới và cho vay margin là trụ đỡ tăng trưởng chính của doanh thu, trong khi mảng tự doanh lỗ gần 600 tỷ đồng. Dù vậy, Công ty vẫn lãi sau thuế 796 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước.
Lãi kỷ lục còn có Chứng khoán Bản Việt (VCI): Lũy kế năm 2021, tổng doanh thu hoạt động đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ lãi các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.864 tỷ đồng. VCSC đạt 1.851 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.499 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng gần gấp đôi cùng kỳ 2020 đồng thời vượt 20% kế hoạch 2021 (1.250 tỷ đồng).
Loạt đơn vị khác như Chứng khoán Rồng Việt… cũng đạt kỷ lục mới về lợi nhuận trong năm qua. Dù vậy, diễn biến của cổ phiếu trên thị trường đang khiến cổ đông mất kiên nhẫn.
Nổi trội với đà tăng mạnh trong làn sóng chung, VCI nhanh chóng đạt đỉnh hơn 80.000 đồng/cp vào cuối tháng 11/2021, tuy nhiên thị giá lại quay đầu giảm mạnh xuống đáy 55.000 đồng/cp. Hiện, VCI đang giao dịch tại mức 60.000 đồng/cp – tương đương đã chiết khấu đến 25% chỉ sau 2 tháng.
HCM của Chứng khoán HSC cũng chiết khấu đến 24%, từ mức 50.000 đồng/cp hiện chỉ còn khoảng 38.000 đồng/cp. Cổ đông SSI cũng không mấy vui khi thị giá cổ phiếu hiện lình xình quanh mức 45.000 đồng/cp, tức giảm hơn 18% từ mức đỉnh thiết lập hồi cuối năm 2021….
Trong một động thái đáng chú ý mới đây, giữa lúc thị trường biến động giảm mạnh, Chủ tịch SSI là ông Nguyễn Duy Hưng đã có chia sẻ trên trang cá nhân: "Mọi người đã tự chuốc rủi ro cho mình khi mua cổ phiếu rác theo tin đồn, và hãy đừng tự gây thua lỗ khi bán cổ phiếu cơ bản như cổ phiếu rác!".
Dù vậy, với những nhà đầu tư nhỏ lẻ việc bị "giam vốn" quá lâu cũng khiến danh mục không hiệu quả. Bởi, cùng với chốt lời, cắt lỗ cũng là tiêu chí quan trọng khi đầu tư chứng khoán. Trong đó, việc cắt lỗ dù là cần thiết, song thực tế khó thực hiện bởi tâm thức cổ đông vẫn muốn đợi chờ sự hồi phục, để không bị mất tiền. Khi một mã đã giảm quá sâu, quan điểm chuyên gia thường khuyên nhà đầu tư nên cân nhắc "cắt lỗ" khi cổ phiếu nắm giữ bị chiết khấu 7-8%. Với những mã cơ bản, mức lỗ tối đa cũng chỉ ở mức 10-15%.
Về triển vọng cho năm 2022, nhiều quan điểm vẫn nhấn mạnh yếu tố tăng vốn đã trở thành chủ đề chính cho các CTCK trong năm 2021 và cả 2022, nhằm cung cấp vốn cho hoạt động cho vay margin và nâng cấp hệ thống. "Cuộc chạy đua về việc tăng vốn tiếp tục được hâm nóng vào các tháng cuối năm 2021 với việc các công ty lần lượt công bố kế hoạch tăng vốn của họ trong năm 2022. Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn có thể tạo ra áp lực lên việc duy trì tăng tưởng EPS cho các năm tiếp theo và việc tăng trưởng doanh thu cần phải được đảm bảo", quan điểm của Chứng khoán KIS Việt Nam trong báo cáo mới đây.
Cùng với đó, về dài hạn Bộ tài chính hướng tới việc phát triển thị trường chứng khoán để cung cấp vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Tái cấu trúc vận hành thị trường chứng khoán, nâng cấp hệ thống lõi, nghiên cứu nhằm cho ra đời các sản phẩm tài chính mới là những hoạt động đang được triển khai trong năm 2021. Ngoài ra, các hoạt động giám sát và kiểm tra cũng được tăng cường nhằm đảm bảo môi trường hoạt động minh bạch. Mục tiêu gần nhất cho năm 2025 là vốn hóa thị trường.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị