MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Standard Chartered Bank chốt lời, tương lai ACB vẫn đầy hứa hẹn

15-01-2018 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 9/1/2018, 2 cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited đã chuyển tổng cộng 154 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư khác.

Sau giao dịch này, Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited hoàn tất thoái vốn khỏi ACB, thu về tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng.

Sự việc này không nhiều bất ngờ bởi trước đó tại ĐHCĐ của ACB năm 2017 (ĐHCĐ 2017 chưa diễn ra), Standard Chartered (SCB) đã nói về kế hoạch thoái vốn khỏi ACB sau 12 năm đầu tư vào ngân hàng này.

Mối duyên 12 năm

Câu chuyện của 2 bên bắt đầu vào giữa năm 2005 khi Standard Chartered Bank bỏ ra 22 triệu USD để sở hữu 8,56% cổ phần ACB. Giá mua của SCB ở mức 6,2 lần so với mệnh giá.

Sự “kết duyên” được thể hiện bằng một ký kết hỗ trợ kỹ thuật toàn diện. Ngoài đào tạo và nâng cấp nguồn nhân lực, ACB còn triển khai hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, bao gồm nâng cấp máy chủ; thay thế phần mềm xử lý giao dịch thẻ ngân hàng bằng phần mềm mới có khả năng tích hợp với nền công nghệ lõi hiện nay; lắp đặt hệ thống máy ATM. Những hỗ trợ này của bối cảnh 12 năm trước là những bước đột phá của người dẫn đầu.

Nhưng không dừng lại ở đó, SCB thể hiện tham vọng hiện diện rõ ràng hơn tại ACB khi năm 2008 mua lại toàn bộ cổ phần của IFC tại ACB là 6,16% và mua thêm 7,1% trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng để trở thành cổ đông chiến lược lớn nhất của ACB.

Từ năm 2008, SCB liên tục cử cán bộ biệt phái đến làm việc tại ACB, từ những người đảm nhiệm vị trí trung tâm thẻ, tư vấn quản lý rủi ro, khối quản trị nguồn nhân lực, thậm chí cả xử lý khủng hoảng khi cần.

Tại đại hội cổ đông thường niên ACB năm 2016, ông Julian Fong Loong Choon, đại diện phần góp vốn của SCB xin từ nhiệm. Nói lời chia tay với các cổ đông, ông cho biết, quá trình hợp tác, SCB đã chuyển giao kỹ năng, đào tạo người thay thế chuyên viên biệt phái của SCB tại ACB. Đến nay ACB đã “đủ lông đủ cánh”, thực sự không còn cần tới sự hỗ trợ kỹ thuật của SCB nữa và sự kéo dài thêm vai trò của Standard Chartered Bank tại đây là không cần thiết. Việc SCB chốt lời cũng là một động thái bình thường của một tổ chức tài chính đối với một khoản đầu tư hiệu quả.

Thực tế, trước khi SCB tham gia vào ACB thì ngân hàng này đã có cổ đông ngoại là Connaught Investors Ltd. (thuộc Tập đoàn Jardine Matheson Group), LG Merchant Banking Corp. (thuộc Tập đoàn LG Group), và Dragon Financial Holdings Ltd. (DC) từ năm 1996.

Đến năm 2004, Công ty tài chính quốc tế IFC của Ngân hàng Thế giới WB đã mua lại cổ phần từ LG, chính thức trở thành cổ đông của ACB cùng với Connaught, DC. Ba tổ chức nước ngoài này sở hữu tổng cộng 24% cổ phần tại ACB.

Điều ấy có nghĩa, từ những ngày còn sơ khai, ACB đã có chiến lược bắt tay với những người khổng lồ có tầm nhìn và khả năng gắn bó lâu dài nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu.

Vượt sóng gió

Những biến cố xảy ra tại ACB chắc hẳn nhiều người còn nhớ. Năm 2012, ngân hàng đã phải gặp sóng gió lớn sau sự vụ các cựu lãnh đạo vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, dưới bàn tay đầy bản lĩnh của những lãnh đạo cấp cao cùng những cổ đông chiến lược dày kinh nghiệm trên thị trường quốc tế, ACB đã nhanh chóng sắp xếp lại hệ thống và ổn định hoạt động.

Với sự đồng lòng của toàn thể nhân viên cùng vị Chủ tich trẻ tuổi nhất hệ thống ngân hàng lúc bấy giờ là ông Trần Hùng Huy, ACB khẩn trương bắt tay vào xây dựng lại, thúc đẩy hoạt động và kiểm soát rủi ro, xử lý những tồn đọng một cách cẩn trọng và bài bản nhưng không hề chậm chạp. Nhiều người nói rằng, nếu rơi vào trường hợp như ACB, chắc chắn nhiều tổ chức tín dụng sẽ phải cần đến bàn tay cứu giúp của những ngân hàng khác mạnh hơn nhằm tái cơ cấu, thì ACB lại không như vậy. Họ dựa vào nhau, tự đứng lên để vượt qua sóng gió.

Chính những nỗ lực đó, đội ngũ lãnh đạo của ngân hàng này luôn được giới tài chính đánh giá cao về chuyên môn cũng như đam mê chinh phục.

Trở lại mạnh mẽ và ấn tượng

Dù phải mất tới gần 5 năm để xử lý xong những tồn dư do biến cố để lại, nhưng ACB giờ đây đang tìm lại vị thế của mình một cách mạnh mẽ.

Số liệu mới nhất từ ngân hàng cho thấy đến cuối năm 2017, tổng tài sản tăng 18%, lượng tiền gửi tăng 17%, tín dụng tăng 20%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 59% so với vào năm 2016. ACB vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm với tỉ lệ phần trăm ở mức hai con số, trong khi tỷ lệ nợ N3 - 5 hợp nhất cuối năm đang được kiểm soát ở mức 0,72%. ACB đã được chọn là một trong sáu ngân hàng thí điểm để phối hợp với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý nợ xấu triệt để.

Không chỉ có vậy, nhà đầu tư cũng đang gia tăng niềm tin vào ACB, với việc cổ phiếu của ngân hàng đã tăng gấp đôi giá trị trong năm qua, hiện lên quanh vùng 40.000 đồng/cổ phiếu, và vươn lên nhóm dẫn đầu về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Với những gì thể hiện, ACB đang quay lại thời kỳ sung sức, sẵn sàng cạnh tranh trên một thị trường tài chính - ngân hàng ngày một chuyển động nhanh, khắc nghiệt, luôn đòi hỏi và chỉ chấp nhận sự sáng tạo cũng như sự kiên trì nối tiếp truyền thống dầy dạn đã có. Chia tay Standard Chartered Bank, với những nền tảng đã xây dựng, ACB chắc chắn đang hướng tới một tương lai nhiều hứa hẹn phía trước.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên