MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự bùng nổ của giá quặng sắt và nỗi lo nhu cầu của ngành thép

13-02-2019 - 20:26 PM | Thị trường

Thị trường quặng sắt bùng nổ trong vài tuần gần đây, kéo giá thép lên cao nhưng giới đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng tiêu thụ yếu ớt trong năm 2019.

Thị trường quặng sắt bùng nổ

Quặng sắt sẽ là hàng hóa được giới đầu tư thế giới theo dõi chặt chẽ nhất trong tuần này khi thị trường Trung Quốc trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng liên tục trong những tuần giáp Tết Nguyên Đán 2019 vì nhu cầu tích trữ hàng tăng. Trái ngược với dự đoán giá sẽ giảm sau kỳ nghỉ Tết, giá vật liệu này tiếp tục tăng mạnh vì lo ngại thiếu nguồn cung từ Brazil.

Một số nhà phân tích tại dự đoán giá quặng sắt có thể đạt ba con số trong những ngày tới khi Trung Quốc bắt đầu cảm nhận hoàn toàn tác động từ cú sốc nguồn cung tại Brazil, nơi cung cấp 30 triệu tấn quặng sắt/năm cho thế giới.

Sau sự cố vỡ đập tại một trong những khu vực khai thác quặng lớn nhất Brazil, chính phủ nước này yêu cầu tập đoàn Vale ngưng sử dụng 8 con đập để chứa chất phế thải. Dự báo, sản lượng quặng sắt của Vale sẽ giảm 9% và tập đoàn này không thể thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.

Hơn nữa, sự cố tại Brazil lại trùng với thời gian các doanh nghiệp thép Trung Quốc đẩy mạnh tích trữ hàng trước mùa xây dựng sau Tết.

Sự bùng nổ của giá quặng sắt và nỗi lo nhu cầu của ngành thép - Ảnh 1.

Nguồn: Financial Times.

Ngân hàng Credit Suisse, ANZ và Commonwealth là ba trong số nhiều ngân hàng dự đoán giá quặng sắt sẽ lên cao hơn. Ngay cả Goldman Sachs, một ngân hàng lâu nay vẫn bi quan vào giá vật liệu này, cũng dự đoán giá sẽ phục hồi vì cho rằng các nước sản xuất ngoài Brazil không thể tăng sản lượng đủ nhanh để lấp chỗ trống về nguồn cung trên thị trường.

“Trong ngắn hạn, sự cố gián đoạn nguồn cung tại Brazil và những bất ổn xung quanh sẽ đẩy giá và biến động giá quặng sắt lên cao. Bởi, các nước sản xuất khác không thể điều chỉnh sản lượng đủ nhanh để bù đắp sự thiếu hụt từ Brazil”, nhóm phân tích của Goldman cho biết.

Chiến lược gia hàng hóa cấp cao, Daniel Hynes, tại ANZ cho biết ngân hàng này vừa nâng dự đoán giá quặng sắt trong ngắn hạn. “Chúng tôi dự đoán giá giao ngay sẽ vượt 80 USD/tấn trong quý I và sẽ tiếp tục tăng nếu thiệt hại tại Brazil lớn hơn ước tính ban đầu”. Về dài hạn, giá quặng sắt giao ngay được dự báo ở 82 USD/tấn vào cuối tháng 6 trước khi giảm về 72 USD/tấn khi sang năm 2020.

Cũng theo nhận định của nhóm chuyên gia tại Morgan Stanley, thị trường quặng sắt sẽ không sớm đảo chiều. “Một khi bất ổn vẫn còn, quặng sắt vẫn có khả năng tăng giá trong ngắn hạn”.

Giá quặng sắt tăng liên tục trong hai tháng qua, với giá quặng chất lượng cao tăng hơn 30% và giá quặng chất lượng thấp tăng 50%. Ngay khi mở phiên 11/2, ngày giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi 2019, giá quặng sắt tại Trung Quốc vọt lên kỷ lục, với hợp đồng giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên là 96,66 USD/tấn. Theo một nhà giao dịch ở Thượng Hải, giá tăng vì thiếu hụt nguồn cung và tâm lý đầu cơ.

Sự bùng nổ của giá quặng sắt và nỗi lo nhu cầu của ngành thép - Ảnh 2.

Nguồn: Reuters.

Để cải thiện chất lượng không khí, Đường Sơn, thành phố sản xuất thép lớn của Trung Quốc, sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế sản xuất đối với ngày công nghiệp nặng, bao gồm cả thép, từ tháng 4 đến tháng 9, theo thông tin trên website của tỉnh Hà Bắc. Các nhà máy thép tại Đường Sơn sẽ phải giảm 50% công suất thiêu kết và tiếp tục hạn chế công suất của lò cao.

Đà tăng giá có bền vững khi triển vọng nhu cầu u ám?

Với đà tăng mạnh của giá quặng sắt, giá thép thanh trên Sàn giao dịch Hàng hóa Tương lai Thượng Hải tăng hơn 4% lên cao nhất 5 tháng ở 3.908 nhân dân tệ/tấn trong phiên 11/2. Tương tự, giá thép cuộn cán nóng có lúc lên cao nhất kể từ tháng 9/2018. Giá thép tăng chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Ba năm qua, ngành thép Trung Quốc hưởng lợi lớn nhờ các biện pháp kích thích và chiến dịch cắt giảm nguồn cung của chính phủ. Tuy nhiên, 2019 sẽ không phải là một năm vui vẻ đối với ngành thép bởi triển vọng tiêu thụ vẫn u ám trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp.

Thông thường, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chính phủ sẽ triển khai các biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sang năm 2019, chính phủ Trung Quốc giữ tâm lý thận trọng hơn trong việc tung các gói kích thích kinh tế, khiến ngành thép hoang mang về triển vọng tăng trưởng nhu cầu.

Sự bùng nổ của giá quặng sắt và nỗi lo nhu cầu của ngành thép - Ảnh 3.

Thực tế cho thấy, doanh số bán hàng ôtô tại Trung Quốc, ngành sản xuất tiêu thụ thép cuộn cán nóng lớn, giảm 2,8% trong năm 2018. Thị trường bất động sản cũng được dự báo suy yếu trong năm nay dù nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành.

Với cả hai ngành này, các cơ quan quản lý cho tới thời điểm hiện tại đều chưa có động thái hỗ trợ nào. Khả năng chính phủ giảm thuế mua ôtô và nới lỏng quy định mua nhà được cho là không có.

Thay vì kỳ vọng vào chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng của chính phủ, thị trường giờ chuyển sang lo ngại rằng chính quyền địa phương sẽ không có đủ vốn để khởi công các dự án này. Rủi ro Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại nào vẫn đè nặng lên tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo truyền thông trong nước, chính phủ sẽ triển khai thêm các biện pháp hạn chế sản xuất vào cuối năm nay, đồng thời hy sinh mục tiêu về môi trường để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Tôi cho rằng bữa tiệc của ngành thép đã kết thúc”, ông Gao Zhenjiang, Giám đốc bán hàng của Tangshan Iron & Steel, một trong những nhà sản xuất thép cuộn cán nóng lớn của Trung Quốc.

“Chỉ những ai tiếp tục nâng cấp công nghệ sản xuất mới có thể tồn tại. Điều này có nghĩa là những công ty nào đang phụ thuộc vào biến động giá cả sẽ gặp khó khăn”, Tổng giám đốc Ren Xiaolu của công ty Shanghai Evans Industrial nói.

Theo Phan Vũ/

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên