Sự cố bất ngờ khi Tổng thống Obama tới Trung Quốc
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp máy bay xuống TP Hàng Châu ngày 3-9, một quan chức Trung Quốc mặc quần áo màu đen hét vào mặt một nữ nhân viên Nhà Trắng trên đường băng: “Đây là đất nước của chúng tôi”.
- 01-09-2016Obama phá kỷ lục ân xá tù nhân của 10 đời tổng thống tiền nhiệm
- 30-08-2016Donald Trump nặng lời với người nhập cư nhưng Obama mới là người mạnh tay nhất
- 30-08-2016Chỉ còn 4 tháng sẽ rời nhiệm sở, ông Obama tới châu Á để trấn an về TPP
Chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp phòng ngừa an ninh cực kỳ chặt chẽ để bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở TP Hàng Châu.
Như thường lệ trong các chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama ra nước ngoài, những phóng viên tháp tùng ông được đến gần chiếc Không lực 1 để chụp cảnh ông bước xuống từ máy bay.
Tuy nhiên, lần này, một quan chức Trung Quốc đứng gần đó đã hét vào mặt các nhân viên Nhà Trắng, đồng thời yêu cầu nhóm phóng viên Mỹ phải rời khỏi hiện trường.
Một nữ nhân viên Nhà Trắng lập tức giải thích với quan chức này rằng đó là máy bay chở nhà lãnh đạo Mỹ. Tuy nhiên, ông ta quát vào mặt cô bằng tiếng Anh: “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”.
Khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes tìm cách đến gần Tổng thống Obama, quan chức Trung Quốc nói trên quay sang trút giận vào bà Rice và cố gắng chặn đường bà. Mật vụ Mỹ sau đó phải can thiệp, mở đường và hộ tống cho nữ cố vấn này.
“Họ đã làm những điều không lường trước được” - bà Rice nói với phóng viên sau khi đoàn xe của Tổng thống Obama lăn bánh rời khỏi đường băng.
Hôm 3-9, Nhà Trắng thông báo Mỹ và Trung Quốc - vốn chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải carbon trên toàn thế giới - đã đồng ý phê chuẩn thỏa thuận khí hậu toàn cầu Paris. Tháng 12 năm ngoái, 2 nước đồng ý cắt giảm khí thải để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C.
Thỏa thuận Paris là thỏa thuận khí hậu toàn diện đầu tiên trên thế giới. Nó sẽ chỉ có hiệu lực về mặt pháp lý sau khi được phê chuẩn bởi ít nhất 55 quốc gia. Cho đến nay, 23 quốc gia phê chuẩn thỏa thuận chỉ chiếm hơn 1% lượng khí thải.
Trong một bài phát biểu tại TP Hàng Châu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Obama cho biết thỏa thuận Paris là “cơ hội duy nhất có thể thay đổi hành tinh này”.
Người lao động