Sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình: Có dấu hiệu sửa tài liệu, giấy tờ
Cơ quan CSĐT xác định, sau khi xảy ra sự cố chạy thận khiến 9 người chết, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình yêu cầu cấp dưới hoàn thiện hồ sơ, sổ sách, ghi thêm phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận để nộp cơ quan điều tra.
- 30-05-2017Khởi tố vụ 7 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong
- 29-05-2017Hoà Bình: 6 người tử vong nghi do sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình công bố kết luận điều tra bổ sung lần 3 vụ án liên quan đến sự cố tai biến y khoa ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 9 người chết.
Tại bản kết luận điều tra bổ sung lần 3, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2, điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999 nay là khoản 2, điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố thêm ông Đỗ Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài các bị can trên, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực), Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư y tế), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư y tế) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình cho rằng, với vai trò Phó giám đốc phụ trách Phòng Vật tư – Thiết bị y tế và Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình), ông Hoàng Đình Khiếu vi phạm quy chế quản lý bệnh viện; thiếu kiểm tra đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm được giao đối với lãnh đạo, cán bộ Phòng Vật tư trong việc giám sát sửa chữa thiết bị lọc nước RO2; không sát sao trong kiểm tra, giám sát việc bàn giao hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa cho Phòng vật tư thiết bị y tế và Đơn nguyên thận nhân tạo.
Ngoài ra, với vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Khiếu đã buông lỏng quản lý để cho đơn nguyên lọc máu sử dụng hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa một cách tuỳ tiện khi chưa được nghiệm thu, bàn giao.
Ông Khiếu biết rõ kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2 nhưng không phối hợp với Trưởng phòng Vật tư để kiểm tra.
Theo Cơ quan CSĐT, bản thân ông Khiếu biết rõ ngày 28/5/2017, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2 nhưng đã không phối hợp với Trưởng phòng vật tư để kiểm tra hệ thống lọc nước RO2 đã được sửa chữa, sử dụng an toàn chưa; không kiểm tra an toàn sử dụng để biết đồng hồ đo độ dẫn điện nước RO có sai số lớn sẽ không báo chính xác nước RO đảm bảo an toàn cho sử dụng.
Ông Khiếu không phát hiện, ngăn chặn mà để cho đơn nguyên lọc máu đưa hệ thông lọc nước RO2 chưa có căn cứ xác định đảm bảo an toàn vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Video: Bác sĩ Hoàng Công Lương nói gì sau 12 ngày xét xử?
Đến ngày 29/5/2017, sau khi xảy ra sự cố, trong cuộc họp giao ban Khoa Hồi sức tích cực, ông Khiếu yêu cầu mọi người hoàn thiện sổ sách, sau đó giao Đinh Tiến Công ghi thêm vào sổ giao ban về việc phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận.
Cả ông Khiếu và ông Công khai hoàn thiện hồ sơ sổ sách theo thủ tục hành chính để giao nộp Cơ quan CSĐT, không vì mục đích làm hại ai, không tư lợi cá nhân.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT xác định còn một số văn bản giấy tờ có dấu hiệu được khắc phục sau sự cố.
Trước đó, ngày 7/5, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 9 bệnh nhân thiệt mạng. Tuy nhiên, do luật sư liên quan vụ án vắng mặt nên phiên tòa phải tạm hoãn.
Đến 15/5, phiên xét xử được mở lại và kéo dài liên tục trong 12 ngày và 5 ngày nghị án, nhưng TAND thành phố Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề.
Công an tỉnh Hoà Bình sau đó 2 lần đưa ra kết luận điều tra bổ sung song đều bị VKSND tỉnh Hoà Bình yêu cầu điều tra lại.
Vụ án lần đầu được đưa ra xét xử chỉ có 3 bị can nhưng sau 3 lần điều tra bổ sung, thêm 4 người bị đề nghị truy tố.
VTC News