Sự giàu có 'điên cuồng' của những gia đình tài phiệt châu Á: Sở hữu số tài sản lớn hơn cả GDP của Singapore bất chấp 2 năm đại dịch
Bất chấp đại dịch hoành hành, 20 gia đình giàu nhất châu Á đã kiếm thêm 33 tỷ USD kể từ cuối năm 2020, theo Bloomberg Billionaires Index. Tổng tài sản của họ hiện đã vượt qua mức 495 tỷ USD.
Vẻ bề ngoài của Adrian Cheng thể hiện được đúng sự giàu có của ông: khoác trên mình bộ vest của Alexander McQueen, đứng giữa những người giàu có và sang chảnh với ánh sáng neon khắp Hong Kong.
Cheng là người thừa kế của một trong những gia tộc giàu nhất thành phố này. Ông đã mỉm cười vào một buổi tối vào tháng trước khi chủ trì một lễ kỷ niệm với toàn người nổi tiếng tại một dự án xa xỉ nhất của mình, đó là K11 Musea.
Nhưng đằng sau nụ cười đó, đây lại là thời điểm đầy khó khăn với một số gia đình giàu nhất châu Á, với khối tài sản khoảng 23 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Cổ phiếu của New World Development - một trong những nhà phát triển lớn nhất Hong Kong, đã giảm hơn 40% kể từ mức cao nhất ghi nhận cách đây chưa đầy 3 năm.
Sự sụt giảm bắt đầu khi những đợt biểu tình diễn ra, khiến các trung tâm mua sắm đóng cửa vào năm 2019 - đúng thời điểm K11 Musea mở cửa. Thậm chí, tình hình kinh doanh còn tổi tệ hơn khi đại dịch Covid-19 lây lan. Chow Tai Fook Jewellery Group của gia đình Cheng - sở hữu nhiều cửa hàng tại những địa điểm uy tín nhất của thành phố, đã phải đóng cửa khoảng 10% mạng lưới phân phối tại Hong Kong trong 18 tháng tính đến hết tháng 9.
Hiện tại, các nhà phát triển của Hong Kong chịu áp lực nhiều hơn khi giá nhà ở sụt giảm tại thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Đồng thời, việc Trung Quốc đại lục đẩy mạnh mục tiêu "thịnh vượng chung" cũng có thể ảnh hưởng đến những gia tộc giàu có nhất Hong Kong.
Cheng sở hữu một trong những dự án bất động sản tham vọng nhất ở Hong Kong, bao gồm khu liên hợp thể thao được lên kế hoạch phát triển vào năm 2023 tại 1 sân bay cũ với sức chứa 50.000 chỗ ngồi và khu nhà thi đấu 10.000 chỗ ngồi. Ông đang có những kế hoạch xa hơn hoạt động kinh doanh cốt lõi của New World là bất động sản.
Ở một thành phố nơi bất động sản chi phối đời sống kinh tế và tâm lý người dân trong nhiều thập kỷ, vị doanh nhân 42 tuổi đã mạo hiểm phát triển, đầu tư sang cả các lĩnh vực khác như tiền số, công nghệ sinh học và thương mại điện tử. Thậm chí, ông còn cam kết New World sẽ ngừng sử dụng than đối với các bất động sản cho thuê của mình ở Greater Bay Area vào năm 2026.
Câu chuyện của một số gia đình siêu giàu khác ở châu Á cũng tương tự. Những gia tộc này - một số đã giàu có tới 6 thế hệ, nhận thấy họ cần nhanh chóng chuyển đổi sang công nghệ xanh và thương mại điện tử. Họ nóng lòng đón nhận những khoản đầu tư mới nhất, dù đó là metaverse hay công nghệ sinh học - những lĩnh vực dễ biến động và có thể trở thành sai lầm đắt giá.
Kevin Au - giám đốc Trung tâm Kinh doanh Gia đình tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Nhiều ông trùm trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống đã nhận thấy doanh nghiệp của họ có thể gặp khó khăn bởi những công ty công nghệ mà họ chưa từng nghe đến. Họ biết rằng nếu không phản ứng nhanh, họ có thể bị vượt mặt."
Bất chấp đại dịch hoành hành, 20 gia đình giàu nhất châu Á đã kiếm thêm 33 tỷ USD kể từ cuối năm 2020, theo Bloomberg Billionaires Index. Tổng tài sản của họ hiện đã vượt qua mức 495 tỷ USD, cao hơn cả GDP của Hong Kong hoặc Singapore.
Các gia tộc Birla và Bajaj đứng sau 2 tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng. Đây là dấu hiệu cho thấy tiềm lực của nền kinh tế quốc gia này.
Trong khi đó, những gia tộc khác lại tụt hạng. Gia tộc Ho của đế chế Casino SJM Holdings, Chirathivat của Thái Lan sở hữu Central Group và nhà Ng điều hành nhà phát triển Singapore Far East Organization Centre không còn nằm trong top 20 gia tộc giàu nhất châu Á. Nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Đối với New World của nhà Cheng, công ty này đã tham gia vào vòng tài trợ trị giá 359 triệu USD cho Animoca Brands - một công ty game và NFT có trụ sở tại Hong Kong, thông qua C Ventures - phương tiện đầu tư mà ông đồng sáng lập. Công ty này đã đầu tư hơn 30 startup, bao gồm sàn giao dịch tiền số Matrixport, SenseTime và Lalamove.
Năm ngoái, Cheng cũng tìm kiếm cơ hội từ cơn sốt SPAC và thành lập công ty của riêng mình. Đại diện của New World cho biết thương vụ sáp nhập SPAC này với Prenetics - công ty giải trình tự DNA chuyển thành phòng thí nghiệp Covid-19, sẽ hoàn tất vào tháng 3.
Dù những liên doanh này chỉ chiếm một phần nhỏ trong đế chế của nhà Cheng nhưng mục tiêu lại rất rõ ràng. Tháng 4, Adrian Cheng cho biết ông muốn các dịch vụ phi bất động sản tạo ra 30% lợi nhuận cho New World trong 5-7 năm.
Dưới đây là những gia tộc giàu nhất châu Á, theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index:
1. Ambani (Ấn Độ)
Công ty: Reliance Industries
Tài sản: 90,3 tỷ USD
2. Hartono (Indonesia)
Công ty: Djarum, Bank Central Asia
Tài sản: 36,3 tỷ USD
3. Mistry (Ấn Độ)
Công ty: Shapoorji Pallonji Group
Tài sản: 34 tỷ USD
4. Kwok (Hong Kong)
Công ty: Sun Hung Kai Properties
Tài sản: 31,1 tỷ USD
5. Chearavanont (Thái Lan)
Công ty: Charoen Pokphand Group
Tài sản: 30 tỷ USD
6. Tsai (Đài Loan)
Công ty: Cathay Financial, Fubon Financial
Tài sản: 28,6 tỷ USD
7. Cheng (Hong Kong)
Công ty: New World Development, Chow Tai Fook
Tài sản: 23,1 tỷ USD
8. Pao/Woo (Hong Kong)
Công ty: BW Group, Wheelock
Tài sản: 23 tỷ USD
9. Lee (Hong Kong)
Công ty: Lee Kum Kee
Tài sản: 20,6 tỷ USD
10. Yoovidhya (Thái Lan)
Công ty: TCP Group
Tài sản: 19,6 tỷ USD
Tham khảo Bloomberg