Sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế ngày càng lớn
Sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế ngày càng gia tăng khi định giá tăng cao.
Tuy nhiên, một nghiên cứu học thuật vừa hoàn thành của ông Rene Stulz, giáo sư kinh tế ngân hàng và tiền tệ tại Đại học Bang Ohio, và ông Frederik Schlingemann, giáo sư tài chính tại Đại học Pittsburgh cho biết không thể đổ lỗi sự mất kết nối ngày càng tăng này cho đại dịch COVID-19.
Các giáo sư chỉ ra rằng xu hướng của sự mất kết nối ngày càng lớn đã có từ ít nhất 5 thập kỷ trở lại đây.
Trước nghiên cứu này, cuộc tranh luận về sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế chỉ gây ra tranh cãi mà không có câu trả lời. Như một vấn đề thông thường trong thời đại ngày nay, nó đã bị chính trị hóa một cách mạnh mẽ.
Một mặt, nhiều người thừa nhận thật khó hiểu khi thị trường chứng khoán có thể đạt mức cao nhất chưa từng thấy trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp xác lập kỷ lục. Họ lập luận rằng sức mạnh của thị trường không mang tới thông tin gì về nền kinh tế và mọi điều chúng ta cần biết về cách hệ thống chính trị mang lợi ích tới cho các tầng lớp thượng lưu.
Mặt khác, nhiều người khác lập luận rằng vì mức độ thị trường chứng khoán - về lý thuyết - là một hàm số của sự tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp được dự đoán trong tương lai, nên không có gì đặc biệt đáng ngạc nhiên về sự mất kết nối giữa nó và những gì đang xảy ra hiện tại.
Vì vậy, những người ủng hộ quan điểm này đang rất phấn khởi với từng đợt tăng của thị trường chứng khoán như một bằng chứng cho thấy các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu quả.
Các giáo sư giải đáp cuộc tranh luận này bằng lập luận rằng nó không thể được giải quyết về mặt lý thuyết, như họ viết trong nghiên cứu: "Thị trường chứng khoán phản ánh nền kinh tế bao nhiêu là một câu hỏi thực nghiệm".
Họ tập trung vào một số thước đo, nhưng có lẽ dễ hiểu nhất là tỷ lệ tổng số việc làm đến từ các công ty đã niêm yết. Ví dụ đầu tiên của các giáo sư vào những năm 1970 chỉ ra 41,4% lao động không làm nông nghiệp trong khu vực tư nhân được các công ty đã lên sàn tuyển dụng. Năm 2019, con số này đã giảm xuống còn 29,0%.
Như vậy, sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế không hoàn toàn là một hiện tượng mới.
Kết luận này được củng cố khi các giáo sư đào sâu hơn về dữ liệu: Xu hướng mất kết nối ngày càng lớn trong dài hạn không đi theo một đường thẳng. Trên thực tế, họ phát hiện sự mất kết nối hiện tại thậm chí không phải là mức cao nhất trong vòng 50 năm qua.
Được xem là phương pháp không điển hình được các giáo sư tạo ra, thước đo này sẽ thấp nếu công ty đã niêm yết thuê nhiều người nhất và cũng có vốn hóa thị trường lớn nhất. Do đó, các con số cao hơn sẽ cho thấy tính không đại diện lớn hơn - nói cách khác là sự ngắt kết nối nhiều hơn.
Biểu đồ dưới đây thể hiện thước đo việc làm không mang tính đại diện của các giáo sư. Lưu ý rằng mặc dù số liệu hiện tại cao hơn so với những năm 1970, nhưng nó không cao bằng những gì đã được ghi nhận vào thời kì bong bóng dotcom.
Theo các giáo sư, có cả yếu tố ngắn hạn và dài hạn ở đây. Yếu tố ngắn hạn là giá trị của thị trường: Sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế ngày càng tăng khi các giá trị cao hơn. Đây là một phát hiện đáng ngại, vì thước đo việc làm hiện cao hơn bất kỳ thời điểm nào ngoại trừ thời kỳ đỉnh cao của bong bóng dotcom.
Trong khi đó, yếu tố dài hạn là sự chuyển hướng từ sản xuất sang nền kinh tế công nghệ cao. Theo nguyên tắc chung, công ty công nghệ cao tuyển dụng ít lao động hơn các nhà sản xuất. Công ty đang đứng đầu bảng xếp hạng vốn hóa thị trường - Apple – tuyển dụng 137.000 nhân viên, theo FactSet. Ngược lại, khi General Motors đứng đầu bảng xếp hạng giá trị vốn hóa thị trường cách đây 5 thập kỷ, công ty này đã tuyển dụng hơn 600.000 người.
Như vậy, sự mất kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế đang ngày càng lớn. Sức mạnh thị trường chứng khoán đưa ra ít thông tin hơn về tình trạng thực sự của nền kinh tế so với bất kỳ thời điểm nào khác trong 5 thập kỷ qua.