Sự nghiệp chính trị của tân thủ tướng Anh Boris Johnson
Ông Boris Johnson có nhiều năm làm báo trước khi bước chân vào chính trường, ông từng giữ chức thị trưởng thành phố London...
Ông Boris Johnson vừa giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế thủ tướng Anh thay bà Theresa May. Ông là người ủng hộ Brexit và đã hứa sẽ đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 10 dù có thỏa thuận hay không.
Dưới đây là một số hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của chính trị gia này, theo Business Insider.
Khi còn theo học tại Đại học Oxford, ông Johnson là chủ tịch của tổ chức Oxford Union của trường, vị trí từng do cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague và Cựu Thủ tướng Edward Heath nắm giữ.
Ông Boris Johnson theo học trường Cao đẳng Eton và đại học cùng với Cựu thủ tướng Anh David Cameron.
Ông Johnson từng bị sa thải sau một thời gian ngắn làm việc cho tờ báo The Times of London, sau đó ông vào làm cho tờ Daily Telegraph và trở thành tên tuổi lớn trong làng báo Anh. Gia đình Johnson có truyền thống làm báo chí và chính trị. Anh trai của ông cũng là một chính trị gia đảng Bảo thủ, sau một thời gian làm tại ngân hàng đầu tư và tờ Financial Times.
Boris Johnson được bổ nhiệm làm viên tập viên của Tạp chí The Spectator vào năm 1999 trước khi được đề cử vào làm ứng viên đảng Bảo thủ của thị trấn Henley-on-Thames và được bầu vào năm 2001.
Năm 2004, Johnson ông bị lãnh đạo đảng Bảo thủ Michael Howard sa thải vì vướng phải bê bối nói dối.
Năm 2005, khi David Cameron được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ, Johnson trở lại làm bộ trưởng giáo dục đại học.
Năm 2008, Boris Johnson rút khỏi Nghị viện và đánh bại Ken Livingstone của đảng Lao động để trở thành thị trưởng của thành phố London.
Chương trình cho thuê xe đạp của thành phố London gắn liền với tên tuổi của Boris Johnson. Nhiều người gọi chúng là "xe đạp Boris". Trong ảnh là ông đạp xe cùng với Cựu thống đốc bang California (Mỹ) Arnold Schwarzenegger.
Năm 2012, ông tái đắc cử chức thị trưởng London, một lần nữa đánh bại sát nút đối thủ Ken Livingstone. Người London thường có xu hướng bầu nhiều hơn cho đảng Lao động nhưng Boris Johnson là một ngoại lệ.
Boris Johnson thường xuyên xuất hiện trên truyền thông. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng ông là một thị trưởng thiếu năng động, dùng vị trí của mình để thu hút sự chú ý cá nhân trên truyền thông.
Tỷ lệ ủng hộ dành cho Boris Johnson luôn cao hơn các chính trị gia khác của Anh. Trong một cuộc thăm dò vào tháng 6/2014, tỷ lệ ủng hộ ông cao hơn 13 điểm so với ông David Cameron.
Tháng 8/2014, Boris Johnson tuyên bố sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Tháng 5 năm sau, ông giành được ghế trong nghị viện tại Uxbridge. Trong khi đó, chiến thắng tại đảng Bảo thủ giúp David Cameron đắc cử thủ tướng Anh nhiệm kỳ thứ hai. Sau tin đồn về việc Cameron sẽ sớm từ chức vào tháng 10/2015, cái tên Boris Johnson nổi lên như một cái tên thay thế tiềm năng. Thậm chí ông Cameron cũng đề cập tới Johnson như một người có thể kế nhiệm ông.
Đầu năm 2016, khi tranh cãi về Brexit (Anh rời khỏi EU) nóng lên, Boris Johnson nói rằng nước Anh sẽ có "một tương lai tuyệt vời" bên ngoài EU nhưng cho biết ông muốn thấy nước Anh ở lại một EU được cải cách.
Ngày 21/2/2016, Boris Johnson chính thức tuyên bố ủng hộ việc Anh rời EU với chiến dịch "Leave" (rời khỏi). Tháng 3 năm đó, ông nói với một uỷ ban tài chính rằng "không có lý do tốt nào về kinh tế" cho việc Anh ở lại EU. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó khuyên Anh ở lại EU, Boris Johnson gọi ông Obama là "kẻ theo phe Kenya" với quan điểm đạo đức giả.
Vài tuần trước cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, ông Cameron nói rằng Boris Johnson có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Nhiều người dự đoán rằng vai trò đứng đầu chiến dịch "Leave" sẽ giúp ông giành được sự ủng hộ của Đảng Bảo thủ. Khi người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU và ông Cameron tuyên bố từ chức, Boris Johnson trở thành cái tên hàng đầu cho chức thủ tướng.
Tuy nhiên, Boris Johnson bất ngờ tuyên bố sẽ không ra tranh chức thủ tướng sau khi đồng minh Michael Gove của ông tuyên bố tranh cử. Tờ Telegraph gọi hành động của Gove là "động thái chính trị ngoạn mục nhất đương thời", nhưng ông nhanh chóng thất bại trong cuộc tranh cử. Boris Johnson sau đó quay sang ủng hộ Andrea Leadsom, cựu bộ trưởng năng lượng Anh, nhưng Leadsom cũng sớm bị loại. Cuối cùng, bà Theresa May trở thành tân thủ tướng Anh. Bà bổ nhiệm Boris Johnson trở thành ngoại trưởng vào ngày 13/7/2016.
Tuy nhiên, quyết định của bà May lập tức vấp phải nhiều chỉ trích khi Boris Johnson từng đưa ra nhiều phát ngôn tiêu cực về các nguyên thủ nước ngoài. Với vị trí mới, ông dành nhiều thời gian tại các nước EU mà ông từng lên án trong chiến dịch trưng cầu dân ý của mình.
Với tư cách ngoại trưởng, ông thuyết phục thế giới rằng Brexit không có nghĩa là Anh sẽ dựng rào chắn với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, ông không phải là một nhà ngoại giao làm việc hiệu quả khi liên tục đưa ra các phát ngôn, bình luận gây tranh cãi.
Tháng 7/2018, Boris Johnson từ chức ngoại trưởng và chỉ trích cách tiếp cận của bà May với vấn đề Brexit. Từ đó, ông trở thành một trong những người chỉ trích bà May mạnh mẽ nhất trong nghị viện. Tháng 9/2018, ông nói rằng thoả thuận Brexit mà bà May trình lên "tệ hơn nhiều" so với việc Anh ở lại EU. Ông ủng hộ "Brexit cứng", tức là Anh rời khỏi EU mà không có thoả thuận.
Brexit rơi vào bế tắc trong nhiều tháng khi Nghị viện Anh không tìm được tiếng nói chung, khiến EU phải gia hạn thời gian đàm phán thoả thuận. Ngày 27/3/2019, bà May tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng nếu thoả thuận Brexit bà đàm phán với EU không được Nghị viện chấp thuận. Ngay sau tuyên bố này của bà May, nhiều người đã bàn luận về việc ai sẽ là người thay thế bà và Boris Johnson đứng đầu danh sách này. Tuy nhiên, dù từng được ủng hộ lớn, một cuộc thăm dò khi đó cho thấy gần 60% đảng Bảo thủ nghĩ rằng ông thiếu các phẩm chất cần thiết để trở thành một thủ tướng.
Sau khi thoả thuận Brexit liên tiếp bị bác bỏ tại Nghị viện và phải lùi thời hạn, bà May tuyên bố từ chức trong một bài phát biểu đầy xúc động, chính thức khai hoả cho cuộc tranh cử giành vị trí của bà.
Nhiều ứng viên tham gia tranh chức thủ tướng Anh và không ít thành viên đảng Bảo thủ nghi ngờ về khả năng thắng cử của Boris Johnson. Hàng loạt cuộc tranh luận của đảng Bảo thủ đã rút ngắn danh sách ứng viên thủ tướng xuống còn Boris Johnson và Jeremy Hunt.
Cuối cùng, ông Johnson chính thức trở thành lãnh đạo Đảng bảo thủ và tân thủ tướng Anh với 64% phiếu bầu vào ngày 23/7.
VnEconomy