Sự thật phũ phàng nơi công sở khiến ai ai cũng tỉnh ngộ: Giỏi chuyên môn không quyết định lương cao, quan trọng nhất là thái độ này
Chuyên môn của nhân viên có thể đào tạo được theo thời gian, nhưng thái độ thì chưa chắc đã có thể thay đổi được.
- 12-08-2020Thành công và trưởng thành, cái nào quan trọng hơn? Tuy trưởng thành rất mệt, nhưng không trưởng thành càng mệt hơn!
- 12-08-2020Một cuộc đời thành công chẳng hề liên quan đến tiền tài quyền lực, chẳng qua chỉ là làm tốt 3 việc mà thôi
- 10-08-2020Kinh nghiệm người xưa: Người thành công muộn, thường có 3 đặc điểm, bạn có thì xin chúc mừng
Trong công việc, khâu tuyển dụng khó hơn đào tạo rất nhiều.
Có những người dù làm việc đã lâu nhưng chẳng thể trưởng thành, hiểu biết đã hạn chế, lại không có tinh thần trách nhiệm, không chủ động tích cực. Hướng dẫn nhiều thì họ cũng quen việc, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ thuần thục thôi, khó mà đảm đương được trọng trách lớn. Những nhiệm vụ quan trọng sếp đều không dám đưa cho họ, vì sợ họ sẽ làm rối tung lên.
Ngược lại, có những người rất đáng để giữ bên mình. Những người này vốn đã sở hữu nhiều phẩm chất tốt đẹp, những gì họ cần làm là rèn luyện thêm cho thuần thục công việc.
Không hiểu, không biết, không giỏi chuyên môn - đây không phải là vấn đề lớn. Chỉ cần sếp là người kiên nhẫn, cho nhân viên một chút thời gian, rốt cuộc họ cũng sẽ hiểu và quen với công việc.
Tuy nhiên, nếu họ gặp vấn đề ở những phương diện khác, dù sếp có hướng dẫn thế nào đi chăng nữa, người nhân viên đó có thể giỏi chuyên môn và hiểu biết nhiều, nhưng vẫn khiến người khác cảm thấy bất an.
Những người như vậy là kiểu nhân viên khiến lãnh đạo phải đau đầu nhất, bởi dạy làm được việc thì dễ, nhưng đào tạo thái độ hay cái khác mới khó. Nếu bạn không để tâm vào công việc, sếp cũng chẳng thể hành động mạnh tay để khiến bạn quan tâm hơn. Cuối cùng, họ chỉ có thể cho bạn làm những việc cơ bản với mức lương thấp, thậm chí là sa thải bạn.
Nhân viên ở đâu cũng vậy, có những người đã “dột từ nóc”, hướng dẫn chỉ bảo đến đâu cũng không cải thiện, chỉ có thể loại bỏ để ngăn chặn tổn thất kịp thời. Nhưng cũng có những người dồi dào tiềm năng, chỉ cần được cho thêm thời gian thì họ nhất định sẽ trưởng thành. Những kiểu người này thường có mấy đặc điểm chung dưới đây.
Tích cực chủ động, không hiểu liền học
Chẳng có công việc nào là không phải học hỏi, cho dù được tiền bối dẫn dắt thì có những chuyện vẫn phải tự mình học hỏi.
Chẳng hạn, trong hoạt động tuyển dụng, chúng ta phải chuẩn bị sẵn cả chương trình giảng dạy và một số kiến thức cơ bản. Nếu bản thân chúng ta không hiểu thì sẽ rất khó hướng dẫn sinh viên.
Đối với nhân viên mới, chúng ta thường sẽ cung cấp cho họ tài liệu, thậm chí chỉ cho họ cách giải quyết vấn đề. Thế nhưng, nếu bản thân họ không tự mình tìm hiểu kỹ thì kiểu gì cũng sẽ hỏi lại từng chuyện một.
Ngay cả khi công ty đã có một quy trình làm việc chi tiết và rõ ràng, chưa chắc tất cả mọi người đều có thể làm tốt. Bởi lẽ, có những nhân viên làm việc hết sức thụ động, cần có người giám sát; không có ai giám sát thì họ chẳng biết phải làm gì
Gần đây, chúng tôi đã sắp xếp một quy trình làm việc chi tiết, nhưng điều này không đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể làm tốt. Vì một số người làm công việc một cách thụ động, cần người đốc thúc, không đốc thúc thì họ không biết phải làm gì, hoặc làm rất chậm.
Một người mà lúc nào cũng cần người khác đốc thúc, lúc nào cũng cần người khác giám sát thì rất khó để hoàn thành tốt công việc.
Vì thế, bạn phải chủ động trong công việc. Có gì không hiểu cũng là chuyện bình thường, bởi không ai sinh ra đã hiểu biết ngay, nhưng bạn hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách tự mình học hỏi hoặc noi gương đồng nghiệp. Cũng đừng vì không hoàn thành đúng thời hạn công việc mà bối rối hoang mang, để người khác phải đốc thúc mình sau này.
Việc chủ động, tích cực trong công việc quả thực là một điều hệ trọng.
Mọi công việc phải xác định rõ ràng, phản hồi kịp thời
Trước đây, trên Internet có lan truyền một tiểu phẩm hài, trong đó có cảnh vị sếp đang giao nhiệm vụ cho một nhóm nhân viên và yêu cầu họ làm cho tốt. Người nhanh chóng trả lời: “Được!”, người thì thắc mắc một cách chi tiết hơn, chẳng hạn như thời điểm hoàn thành và mục tiêu cần đạt.
Kiểu người đầu tiên rất phổ biến, nhưng kiểu người thứ hai mới thực sự khiến các vị sếp yêu quý.
Bởi lẽ, kiểu người đầu tiên tuy trả lời rất thẳng thắn, nhưng anh ta không biết bao giờ phải hoàn thành, cũng chẳng rõ cần đạt mục tiêu gì. Do đó, câu đồng ý của anh ta có cũng như không.
Kiểu người thứ hai xác định rõ từng khâu trong công việc, như vậy mới có thể hoàn thành đúng hạn cũng như đáp ứng các yêu cầu.
Nhiều người cứ thuận mồm nói có, không cần biết lãnh đạo định sắp xếp ra sao, đều gật đầu đồng ý. Họ chẳng cần biết cụ thể công việc ra sao, cứ bắt tay vào làm, để rồi kết quả là mọi việc rối tung cả lên. Nếu kiểu người này lại còn thường xuyên phản hồi chậm chạp, khả năng cao là họ sẽ phạm sai lầm thường xuyên, không thì cũng làm việc lười nhác.
Một nhân viên mà chuyện gì cũng không biết chi tiết, lại trả lời chậm chạp, đương nhiên sẽ khiến lãnh đạo cảm thấy bất an. Bởi lẽ, họ không biết tiến độ công việc của bạn ra sao, lo lắng bạn sẽ không hoàn thành đúng hạn, sợ rằng sai sót của bạn sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung.
Ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày cũng vậy. Ví dụ, một người bạn đến tìm bạn, nhờ bạn mua vé hộ anh ta. Bạn trả lời: “Được, không sao cả”.
Thế nhưng, bạn không hỏi anh ta muốn mua vé máy bay hay tàu hỏa, anh ta muốn ngồi chỗ nào, cũng chẳng biết anh ta muốn mua khi nào. Vậy làm thế nào mà bạn có thể mua vé đúng ý anh ta đây?
Trong công việc, một người như vậy là đủ để khiến lãnh đạo đau đầu. Khi bạn không hỏi, người khác sẽ tưởng bạn đã hiểu rồi, nhưng rốt cuộc bạn lại làm không tốt.
Nói cho cùng, bạn làm việc chẳng có dự định, chẳng có kế hoạch gì.
Đừng đổ lỗi cho người khác, nghiêm túc hoàn thành công việc
Một số người khi mắc sai lầm trong công việc liền tìm cách đổ lỗi cho người khác mà không bao giờ tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình.
Trên thực tế, có nhiều chuyện không thể để một người chịu hết hoàn toàn trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ có tự rút kinh nghiệm từ bản thân mới khiến chúng ta tiến bộ nhanh hơn. Đừng đổ tại người khác nhiều, bởi làm thế cũng chẳng thay đổi gì được tình hình.
Trong công việc hàng ngày, nhiều người dù chẳng mấy khi gặp sai sót nhưng vẫn có thói quen phó mặc cho người khác. Có người mang tiếng là nhóm trưởng nhưng lại cứ hy vọng có người khác ra gánh vác thay mình, chẳng bao giờ xuất hiện để chỉ đạo nên cũng không biết tình hình nhóm ra sao.
Chưa kể, có một số phòng ban không chịu báo cáo đầy đủ, khiến cho cấp trên chẳng thể nắm rõ tình hình. Dù thời gian làm việc có tự do đến đâu, bạn cũng phải tự giác mà chăm chỉ, đừng để người khác phải nhắc nhở. Nếu ngay cả những việc nhỏ này bạn cũng không thể làm tốt thì sao lãnh đạo có thể tin rằng bạn đủ khả năng để đảm nhiệm những trọng trách lớn hơn?
Chúng ta sẽ nhận ra một điều: Những người ưu tú, dù có làm việc cho công ty nào đi chăng nữa, cũng sẽ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi vì họ sở hữu những phẩm chất xuất sắc. Với những phẩm chất tốt đẹp này, họ sẽ dễ dàng được cất nhắc lên vị trí cao hơn sau một thời gian làm việc thành thạo.
Kể cả khi không được ai dẫn dắt, những người này sẽ vẫn trưởng thành; nhưng nếu được người khác chỉ bảo thêm, họ sẽ càng tiến bộ nhanh hơn nữa.
Đó chính là lý do tại sao nhiều công ty lại có sự phân biệt tuổi tác. Một người đã quá tuổi học hành nhưng năng lực có hạn, chỉ có thể làm được việc đơn giản, thì chứng tỏ người đó thiếu đi những phẩm chất ưu tú. Như vậy, dù có được hướng dẫn đến đâu cũng khó đem lại kết quả tốt.
Nếu muốn tồn tại nơi công sở, bạn phải rèn cho mình những phẩm chất sau: tích cực chủ động làm việc, không hiểu liền học hỏi, xác định chi tiết nhiệm vụ được giao, chủ động giao tiếp, không đổ lỗi, hoàn thành công việc một cách nghiêm túc.
Sở hữu những phẩm chất ưu tú này, bạn cũng sẽ trở thành một nhân viên ưu tú.
(Theo Aboluowang)