MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự tự tin của ông Tập và điều quan trọng nhất khiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa thể kết thúc

29-06-2019 - 13:01 PM | Tài chính quốc tế

Dù có chiến tranh thương mại hay không có chiến tranh thương mại, dù kinh tế Mỹ - Trung sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ như trước hay sẽ tách rời, Trung Quốc vẫn đang trên đường tìm đến trạng thái hoàn toàn độc lập với Mỹ.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 đang diễn ra tại Osaka (Nhật Bản), nếu như những gì đã diễn ra trong quá khứ là chỉ dấu đáng tin cậy, ông Tập có thể sẽ bỏ qua sự cứng nhắc trong văn hóa ngoại giao Trung Quốc mà gọi ông Trump là "bạn của tôi". Thế nhưng bất chấp sự thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo, khó có khả năng ông Tập sẽ đạt được điều gì. Trong khi đó, ông Trump sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn: chấp nhận những đề nghị mà Trung Quốc đã đưa ra từ đầu năm 2017 và chấm dứt chiến tranh thương mại hay để kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc rời xa nhau hơn nữa.

Giọng điệu thường thấy của ông Trump sẽ là "dù sao thì chúng tôi cũng sẽ thắng". Nhưng theo tờ Foreign Affairs dẫn nguồn tin từ 2 học giả Trung Quốc giấu tên, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tin rằng ông Trump đang hiểu lầm điều gì đó hoặc đơn giản là đang nói dối.

Điều Trung Quốc coi là quan trọng nhất

Kể từ năm 2017 đến nay, về cơ bản thì vị thế của Trung Quốc trong cuộc chiến này không hề thay đổi. Theo đề xuất của Trung Quốc, nước này sẽ mua nhiều sản phẩm hơn từ Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại, đồng thời tiếp tục thực thi các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp nước ngoài tự nguyện chia sẻ các bí mật thương mại với đối tác Trung Quốc để đổi lấy khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc (thủ thuật mà Mỹ gọi là chuyển giao ép buộc), Trung Quốc sẽ không can thiệp.

Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp và ngân hàng nước ngoài, nhưng sẽ không đẩy nhanh tốc độ như Mỹ yêu cầu. Đồng nhân dân tệ vẫn sẽ được neo vào một rổ ngoại tệ, và Bắc Kinh sẽ không bóp méo tỷ giá vì không nhìn thấy bất kỳ lợi ích nào từ 1 cuộc chiến tiền tệ. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã giảm bớt mức độ truyền thông cho chương trình Made in China 2025, nhưng Trung Quốc kiên quyết không dừng các dự án R&D đầy tham vọng về các công nghệ mới như robot và AI.

Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc sẽ không thay đổi mô hình phát triển nhưng sẵn sàng trao cho ông Trump một chiến thắng danh dự mà ông có thể sử dụng để tạo lợi thế trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020.

Khi bắt đầu đàm phán, phía Trung Quốc tin rằng ông Trump, sau khi nhận được tư vấn từ những nhân vật trong nội các như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cả những người thân tín như ông trùm sòng bạc Steve Wynn, sẽ chấp nhận lời đề nghị này. Tuy nhiên, trái với dự tính, những nhân vật cứng rắn như cố vấn thương mại Peter Navarro và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mới là người mà ông Trump nghe theo. Hai nhân vật này đã thuyết phục ông Trump rằng chỉ khi Trung Quốc thực hiện những thay đổi căn bản trong mô hình kinh tế thì Mỹ mới có thể duy trì được vị thế nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Nền kinh tế Mỹ và TTCK khỏe mạnh cũng khiến ông Trump cảm thấy mình ở "cửa trên".

Do đó, đến tháng 4 năm nay, các nhà đàm phán Mỹ đưa ra 1 bản dự thảo thỏa thuận thương mại, trong đó yêu cầu Trung Quốc phải ngừng ngay việc hỗ trợ đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước, cho phép các công ty Mỹ được vào thị trường Trung Quốc mà không cần phải chia sẻ công nghệ, sửa đổi luật lệ để phù hợp với yêu cầu từ phía Mỹ và cho phép Washington thành lập 1 văn phòng giám sát ở Bắc Kinh. Đổi lại Mỹ sẽ từng bước dỡ bỏ thuế quan, tùy theo mức độ tuân theo thỏa thuận của Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc không đồng tình và gạch bỏ rất nhiều yêu cầu của Mỹ, khiến Mỹ buộc tội Trung Quốc đã lật mặt.

Trong 1 cuộc phỏng vấn ít được chú ý trên truyền thông Trung Quốc hôm 10/5, ngày mà các cuộc đàm phán đổ vỡ, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng là nhà đàm phán chính thừa nhận rằng phía Trung Quốc đã bác bỏ nhiều điều khoản mà phía Mỹ thêm vào, nhưng đó là điều hợp lý.

Ông Lưu cũng đưa ra 3 vấn đề mà theo quan điểm của Trung Quốc là đang gây nhiều khó khăn nhất. Thứ nhất, Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả thuế quan trước khi thỏa thuận được chốt, vì nước này không bao giờ thỏa hiệp khi bị "dao kề cổ". Thứ hai, Mỹ đã cố gắng tăng lượng hàng hóa mà nước này muốn Trung Quốc nhập khẩu so với đề xuất đưa ra năm 2018. Và cuối cùng, Trung Quốc muốn từ ngữ của thỏa thuận phải "cân bằng", vì "mọi quốc gia đều có phẩm giá".

Có một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không tử bỏ quyền kiểm soát nền kinh tế. Không riêng ông Tập, mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc dù là ở thời nào đi chăng nữa đều bước đến bàn đàm phán với tâm thế bị ám ảnh bởi "những hiệp ước không công bằng" mà Trung Quốc đã ký với các nước phương Tây trong thế kỷ 19.

Sự tự tin của ông Tập

Mặc dù các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc cần 1 thỏa thuận hơn là Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tự tin rằng đất nước của ông nằm ở cửa trên trên bàn đàm phán. Mức độ tổn hại mà thuế quan của Mỹ gây ra cho kinh tế Trung Quốc nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì nội các của Trump mong đợi. Và mặc dù các loại thuế này khiến hàng hóa của Trung Quốc tăng giá, các nhà nhập khẩu Mỹ không thể tìm ra nguồn thay thế.

Tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019 chỉ giảm 4,8%. Hơn nữa trong cùng kỳ kim ngạch xuất khẩu sang EU – đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc – tăng 14,2% và nhập khẩu từ khu vực này tăng 8,3%. Trong khi các quốc gia ASEAN thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc. Hiệp định đầu tư song phương EU – Trung Quốc –có hiệu lực vào năm 2020 – sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu.

Ở châu Á, Trung Quốc và 15 quốc gia Thái Bình Dương khác sẽ ký 1 thỏa thuận thương mại mới – hiệp định RCEP – vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Sáng kiến Vành đai Con đường trị giá nghìn tỷ của Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường trên khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Cùng lúc đó, chiến tranh thương mại lại gây tổn hại cho kinh tế Mỹ nhiều hơn dự đoán ban đầu. Tăng thuế đánh vào hàng hóa Mỹ nhưng Trung Quốc lại giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác thương mại khác. Kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm hơn 26% trong 5 tháng đầu năm 2019. Ở nhiều lĩnh vực, ví dụ như nông nghiệp, Trung Quốc đã nhanh chóng tìm thấy các nhà cung ứng mới từ Argentina và Brazil.

Bên cạnh đó thị trường Trung Quốc đã trở nên quá quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ. Ví dụ, General Motors hiện đang bán được nhiều xe ở Trung Quốc hơn là Mỹ vì những chiếc xe này được làm ra ở Trung Quốc còn lợi nhuận thì chảy về Detroit. Năm 2017, các công ty Mỹ tạo ra 700 tỷ USD ở Trung Quốc, với lợi nhuận ròng đạt hơn 50 tỷ USD. Nhiều công ty Mỹ đã ghi nhận hoặc dự báo lợi nhuận sụt giảm vì chiến tranh thương mại.

Trung Quốc có rất nhiều cách ngoài thuế quan để tấn công kinh tế Mỹ: thắt chặt các yêu cầu về kiểm toán đối với các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, nâng cao yêu cầu về kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu và siết chặt luật lệ quản lý các định chế tài chính Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. Cùng lúc đó, các công ty Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản cảm thấy dễ thở hơn ở Trung Quốc. Kể cả Triều Tiên cũng bước vào bức tranh này: chuyến thăm của ông Tập tới Bình Nhưỡng tuần trước dường như nhắc nhở Mỹ rằng Trung Quốc có thể làm tổn hại đến Mỹ không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt chiến lược.

Bắc Kinh tin rằng hệ thống chính trị của mình sẽ vững chãi hơn trước chiến tranh thương mại so với xã hội dân chủ của Mỹ. Những người công nhân Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn và hệ thống an sinh xã hội của Mỹ sẽ không giúp ích được nhiều, trong khi nền kinh tế do doanh nghiệp nhà nước thống trị của Trung Quốc có thể tạo ra việc làm mới cho những công nhân mất việc. Các bang mà nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp và sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với cơ hội thắng cử nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump, trong khi ông Tập gần như không phải chịu sức ép tương tự.

Sự chia ly là khó tránh khỏi

Mặc dù biết rõ những điểm yếu của Mỹ, phía Trung Quốc không cần thiết phải kỳ vọng Trump sẽ chấp nhận yêu cầu của mình. Bắc Kinh cũng biết rằng Trump đang đối mặt với nhiều áp lực trái chiều từ những người cố vấn của mình, và khó có thể dự đoán được Tổng thống Mỹ sẽ nghe theo ý kiến của ai. Navarro và có lẽ là cả Lighthizer cho rằng việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bị chia cắt không phải là nguy cơ mà chính là mục tiêu mà họ muốn hướng đến.

Về phần mình, Trung Quốc không nhìn thấy bất kỳ lợi ích nào từ việc này. Huawei và các ông lớn công nghệ khác của Trung Quốc phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ để có được những con chip tối tân và các linh kiện quan trọng khác rất cần thiết đối với hệ thống mạng 5G. Ông Tập đã lệnh cho Huawei và các hãng khác đẩy nhanh công đoạn nghiên cứu và phát triển các công nghệ tối quan trọng như chip, hệ điều hành, siêu máy tính, thiết bị liên lạc di động và cảm biến AI.

Giống như những người có quan điểm cứng rắn về thương mại trong nội các Trump, ông Tập coi thương chiến là 1 cuộc trường chinh. Nguồn tin từ Trung Quốc cho biết ông Tập nói rằng trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy, sẽ phải mất tới 30 năm vấp phải sự "kiềm chế và phản kháng" từ phía Mỹ. Ông dự đoán đến tận năm 2049 Trung Quốc mới thực sự vượt Mỹ cả về kinh tế và sức mạnh quân sự.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc từ lâu đã cố gắng đa dạng hóa thị trường, nguồn năng lượng và các mục tiêu đầu tư, để cuối cùng có thể tự mình phát triển các công nghệ tiên tiến nhất.

Dù có chiến tranh thương mại hay không có chiến tranh thương mại, dù kinh tế Mỹ - Trung sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ như trước hay sẽ tách rời, Trung Quốc vẫn đang trên đường tìm đến trạng thái hoàn toàn độc lập với Mỹ.


Thu Hương

Forein Affairs

Trở lên trên