Sức ép bủa vây Ả Rập Saudi
Vừa bước sang năm 2019, Thượng viện Mỹ tuyên bố ngừng hỗ trợ Ả Rập Saudi trong cuộc chiến ở Yemen, công khai cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman là người ra lệnh giết chết nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối năm ngoái.
- 15-12-2018Biến mất 400 ngày, đế chế của tỉ phú Ả rập vẫn bùng nổ mạnh mẽ
- 14-12-2018Thượng viện Mỹ kết tội Thái tử Ả rập sát hại nhà báo Khashoggi, chỉ trích Tổng thống Trump
- 05-12-2018TNS Mỹ nặng lời với Thái tử Ả Rập Saudi, "không tha" cả ông Trump
Hành động phong tỏa Qatar của Ả Rập Saudi cũng trở nên không chắc chắn, cộng thêm xích mích không đáng với Canada và những cải cách văn hóa, kinh tế trong nước.
Cuộc chiến ở Yemen có vẻ đặc biệt gây rắc rối cho Thái tử Mohammed. Ông từng cam kết ngăn chặn Iran có chỗ đứng ở sườn phía Đông Ả Rập Saudi nhưng lại tiêu tốn không ít tiền của, khiến nhiều người dân Yemen đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật, trong khi không làm được gì nhiều để ngăn chặn đối thủ. Nếu lệnh ngừng bắn ở TP Hodeidah - Yemen được duy trì, áp lực về một thỏa thuận lâu dài sẽ tăng lên.
Trong khi đó, sự hiện diện của Iran ở phía Đông Ả Rập Saudi ngày càng rõ nét, như những gì xảy ra ở Iraq và Lebanon. Tại Lebanon, phong trào Hezbollah không muốn lập chính phủ nếu các đồng minh của họ không có vai trò nhiều hơn trong nội các mới. Tại Iraq, các vị trí bộ trưởng quốc phòng và nội vụ vẫn chưa được phê chuẩn.
Vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi khiến quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi gặp trắc trở. Ảnh: EPA
Một phần nhờ ra tay giúp đỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Iran đã củng cố ảnh hưởng trên toàn khu vực. Điều này dẫn đến việc Mỹ phải đề ra mục tiêu ngăn chặn Iran trong năm 2019. Theo đó, Washington tái áp đặt và thắt chặt các biện pháp trừng phạt được chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Động thái này của Mỹ còn nhắm vào các đồng minh Iran, trong đó có Lebanon, Syria và Iraq. Washington thường xuyên đưa ra cảnh báo mạnh về thương mại xuyên biên giới đối với tất cả láng giềng của Syria. Nhưng việc Mỹ thông báo rút quân khỏi Syria gây lo ngại cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara dự kiến sớm triển khai một chiến dịch quân sự đẩy người Kurd - được Washington hậu thuẫn - ra khỏi khu vực gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Vùng Đông Bắc Syria, được biết đến với tên địa phương là Rojava, vẫn là mảnh đất màu mỡ để Iran gây dựng ảnh hưởng thời hậu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều đáng nói là Ankara vẫn có thái độ khá thân thiện với Tehran. Trọng tâm kế hoạch tái khởi động quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ là Washington trao cho Ankara những gì họ cần ở Rojava đổi lấy những gì Mỹ muốn liên quan đến Iran.
Người Lao động