Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh tim mạch: Bác sĩ chuyên khoa nhấn mạnh người mắc bệnh lý này cần nắm vững một số lưu ý để dự phòng bệnh diễn biến nặng lên trong mùa đông
Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh tim mạch. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ. Các thuốc điều trị điều trị hiện tại có thể giúp cải thiện tử vong, nâng cao tuổi thọ, hạn chế các biến chứng tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- 05-12-2020Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đây là 7 lời khuyên của chuyên gia ung bướu giúp"đẩy lùi" nguy cơ ung thư: Thực hiện mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân
- 05-12-20204 loại thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng từ chối ăn, đa số đều là các món khoái khẩu của nhiều người: Không đủ chất mà lại hại thân!
- 03-12-2020Chuyên gia dinh dưỡng chỉ đích danh 6 thói quen nấu nướng quen thuộc nhưng “tai hại” cho sức khỏe: Khi nấu ăn cho gia đình cần rất lưu ý để tránh rước bệnh
- 03-12-2020Là món khoái khẩu của trẻ em, người lớn, mỳ pasta có phải là món ăn lành mạnh? Câu trả lời của chuyên gia dinh dưỡng sẽ khiến bạn bất ngờ
Tại Mỹ, nơi có nền y học phát triển, hàng năm vẫn có trên 5 triệu người điều trị suy tim. Còn tại Việt Nam, dù chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng ước tính khoảng 1,6 triệu người đang mắc bệnh suy tim. Tuổi thọ của những người bị bệnh suy tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, mức độ suy tim, căn nguyên gây ra suy tim, các bệnh lý mắc kèm và mức độ tuân thủ khi điều trị bệnh. Ths Bs Văn Đức Hạnh, Viện Tim mạch Việt Nam, bệnh viện Bạch Mai đã trao đổi với phóng viên về mức độ nguy hiểm,cách phòng ngừa và chẩn đoán căn bệnh nguy hiểm này.
Người bị huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh suy tim rất cao
Suy tim là tình trạng trái tim giảm chức năng bao gồm giảm chức năng co bóp tống máu hoặc giảm chức năng thư giãn. Từ đó gây ra tình trạng khó thở, mệt mỏi, phù, cổ trướng... Nếu tình trạng suy tim không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng dần và có thể trở thành suy tim giai đoạn cuối với tỉ lệ tử vong rất cao. Đối với những trường hợp suy tim giai đoạn cuối, điều trị nội khoa không đáp ứng, người bệnh có thể được áp dụng các biện pháp can thiệp ngoại khoa như ghép tim, sử dụng trái tim nhân tạo để cải thiện tử vong.
Nói về nguyên nhân gây suy tim, bác sĩ Hạnh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây suy tim. Một số bệnh lý chính liên quan nhiều đến tình trạng suy tim bao gồm: các bệnh lý tại tim như các bệnh lý cơ tim, bệnh lý van tin, bệnh lý màng ngoài tim, bệnh lý động mạch vành… Ngoài ra, các bệnh lý từ phổi, thận, bệnh lý toàn thân khác... cũng có thể dẫn đến suy tim.
Bác sĩ nhấn mạnh, những người có nguy cơ mắc bệnh suy tim cao chính là người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... Bác sĩ Hạnh cho biết, theo số liệu điều tra những người trên 25 tuổi ở Việt Nam năm 2012, tỉ lệ người bị tăng huyết áp chiếm trên 25%, tức là cứ 4 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp. Đây là một tỉ lệ rất cao và nguy cơ những người này diễn biến thành suy tim rất lớn.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh suy tim
Theo bác sĩ Hạnh, những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh suy tim (như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, hoặc những người có bệnh lý về tim từ trước như hở - hẹp van 2 lá…) thì cần hết sức chú ý khi xuất hiện các triệu chứng khó thở, nhất là khó thở xuất hiện khi hoạt động gắng sức. Cụ thể, khi bạn hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, tập thể dục, làm việc nhà… mà xuất hiện khó thở, sau đó dấu hiệu khó thở giảm dần khi nghỉ ngơi thì đó có thể chính là biểu hiện của suy tim. Những người này nên đi kiểm tra tại bệnh viện có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời.
Ngoài ra, bệnh suy tim còn các biểu hiện thường gặp khác như phù chân, tiểu ít...
Để chẩn đoán bệnh suy tim, ngoài hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm liên quan đến tim mạch như điện tim, siêu âm tim và các xét nghiệm máu nhất là các dấu ấn sinh học để chẩn đoán suy tim. Bác sĩ Hạnh cho biết, mặc dù, điện tim không có giá trị chẩn đoán cao nhưng sẽ có rất nhiều gợi ý về bệnh. Ví dụ, kết quả điện tim cho thấy dấu hiệu dày thất trái, rối loạn nhịp tim, tổn thương do bệnh mạch vành thì rất có thể bệnh nhân mắc bệnh suy tim. Để khẳng định chẩn đoán, các bác sĩ cần làm siêu âm tim để đánh giá chức năng tim và xét nghiệm dấu ấn sinh học về suy tim.
Lời khuyên của bác sĩ Hạnh để phòng ngừa bệnh suy tim:
Để phòng tránh bệnh suy tim, đầu tiên chúng ta cần nhận định được ai là người có yếu tố nguy cơ cao dẫn đến suy tim như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipit máu... Những người đó cần được điều trị các bệnh lý trên trước cho thật tốt trước.
Tiếp đến về chế độ ăn uống, bác sĩ Hạnh khuyên mọi người nên ăn nhạt. Bởi ăn nhạt sẽ cải thiện huyết áp, giảm tích nước ở người suy tim. Chế độ ăn nên ăn nhiều rau, quả. Hạn chế ăn mỡ, không nên ăn phủ tạng động vật… Ngoài ra, bác sĩ khuyên bạn không nên uống quá nhiều rượu bia, cần tập thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Người bệnh cần bỏ thuốc lá. Như vậy chúng ta sẽ có một cuộc sống khỏe hơn, một trái tim tốt hơn.
Người bệnh tim mạch trong đó có người bệnh suy tim cần lưu ý gì vào mùa Đông?
Bác sĩ Hạnh chỉ ra rằng, theo các nghiên cứu khoa học: vào mùa đông, nhất là những ngày lạnh sâu, số lượng người bệnh bị nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, biến chứng tim mạch cao hơn hẳn so với những ngày mùa hè ấm áp.
Nguyên nhân do thời tiết lạnh gây co mạch và làm tăng huyết áp. Mặt khác, trời lạnh cũng làm cho con người có xu hướng lười tập thể dục và ăn nhiều hơn, từ đó cũng làm con số huyết áp cao hơn.
Vậy, người bệnh tim mạch trong đó có người suy tim cần lưu ý gì vào mùa đông? Bác sĩ Hạnh đưa ra 5 điều cần lưu ý sau:
Đầu tiên, cần giữ ấm cơ thể, tránh đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh mà không có quần áo đủ ấm. Việc giữ ấm sẽ giữ cho cơ thể không lên cơn tăng huyết áp, tránh hiện tượng tổn thương cơ quan hô hấp từ đó làm ảnh hưởng tới tim.
Thứ hai, nên ăn các đồ ăn/uống ấm, tránh ăn lạnh sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu hoá.
Thứ ba, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, có thể tập luyện vào thời gian có nắng ấm, đặc biệt ở người cao tuổi.
Thứ tư, chế độ ăn nên cân bằng, ăn nhiều rau, tránh ăn quá nhiều chất béo, đồ ngọt.
Thứ năm, không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu. Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá hoặc uống rượu vào mùa đông sẽ giúp cơ thể ấm hơn, thực chất không phải như vậy. Thậm chí uống rượu nhiều còn làm giãn mạch gây tụt huyết áp.
Điều cuối cùng và cũng vô cùng quan trọng mà bác sĩ nhấn mạnh là, người mắc bệnh tim cần uống thuốc đều, theo dõi các biểu hiện của cơ thể và liên lạc với bác sĩ của mình khi có bất kì biểu hiện nào như: khó thở, đau ngực, mệt nhiều, phù, yếu chân tay, nói khó...