MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động đến kinh tế toàn cầu là không thể bàn cãi, nhưng virus corona sẽ tác động đến tình hình địa chính trị thế giới như thế nào?

03-02-2020 - 08:35 AM | Tài chính quốc tế

Dịch bệnh xảy ra ở thời điểm mà thế giới đang lo ngại về 1 sự kiện "thiên nga đen" sẽ nhanh chóng đẩy kinh tế thế giới vào hố sâu suy thoái sau năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ

Tác giả bài viết là Frederick Kempe, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Atlantic - một trong những think tank có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ về các vấn đề quan hệ quốc tế. Ông từng là nhà báo làm việc 25 năm tại The Wall Street Journal, đồng thời là tác giả của một vài cuốn sách bán chạy nhất.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố dịch bệnh do virus corona gây ra là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Sự kiện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các thị trường trên toàn cầu, nhưng theo CNBC dịch bệnh sẽ mang đến cả những tác động không nhỏ về địa chính trị.

Dù vẫn còn quá sớm để cân đo đong đếm chính xác, nhưng rõ ràng dịch bệnh sẽ tác động rất mạnh đến chuỗi cung ứng, các thị trường và nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Bên cạnh đó còn có những tác động đến niềm tin vào hệ thống chính trị của Trung Quốc và vào cả nền chính trị khu vực châu Á cũng như mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đang thiếu hụt niềm tin.

Trong 1 tuần đầy ắp các sự kiện từ Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, Mỹ thông báo kế hoạch hòa bình mới ở Trung Quốc hay Thượng viện Mỹ đẩy nhanh quá trình luận tội Tổng thống Trump, không có tin tức nào đáng chú ý bằng những mối nguy hiểm mà virus corona gây ra cho thế giới.

Tác động đầu tiên, và có lẽ dễ dàng đo đếm nhất, sẽ là những thiệt hại mà nền kinh tế Trung Quốc và thế giới phải gánh chịu, ở thời điểm mà thế giới đang lo ngại về 1 sự kiện "thiên nga đen" sẽ nhanh chóng đẩy kinh tế thế giới vào hố sâu suy thoái sau năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ. Phiên cuối tuần, Dow Jones đã giảm hơn 600 điểm vì nỗi sợ bao trùm thị trường.

Trung Quốc đang rơi vào cảnh "họa vô đơn chí" khi mà dịch bệnh bùng phát đúng lúc nền kinh tế đang giảm tốc với đà tăng trưởng yếu nhất trong 3 thập kỷ. Không chỉ có vậy, các công ty đến từ Mỹ và nhiều nước khác vừa dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do lo ngại chiến tranh thương mại. Virus sẽ là 1 lời nhắc nhở đáng giá đối với các công ty, rằng họ sẽ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhanh hơn, mạnh hơn.

Virus corona cũng làm tan biến niềm lạc quan mới được nhen nhóm chưa lâu nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Kịch bản thị trường toàn cầu ảm đạm trong năm 2020 đang trở nên rõ nét, đặc biệt ở các thị trường mới nổi và thị trường hàng hóa. Từ dầu thô cho đến đồng đều đã giảm giá hơn 10%.

Nếu cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra kéo dài thêm 1 tháng nữa, và các chuyên gia đã ước tính rất có thể phải đến mùa hè chúng ta mới có thể kiểm soát được tình hình, năm 2020 GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 4% hoặc thậm chí thấp hơn. Tăng trưởng quý I có thể giảm từ mức 6% trong quý IV/2019 xuống chỉ còn 2%.

GDP toàn cầu sẽ thiệt hại nhiều hơn đáng kể so với con số 40 tỷ USD mà dịch SARS năm 2003 gây ra. Đó là bởi vì kể từ đó đến nay tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc vào kinh tế toàn cầu đã tăng gấp 4 - từ 4% lên 16%. Hiện 1/3 tăng trưởng toàn cầu đến từ Trung Quốc.

163 triệu khách du lịch Trung Quốc trong năm 2018 chiếm gần 1/3 tổng doanh thu bán lẻ du lịch trên toàn cầu. Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020, ước tính sẽ mất đi 1,6 tỷ USD vì lượng khách từ Trung Quốc giảm đi 2 triệu lượt, nếu như lệnh hạn chế di chuyển kéo dài thêm 3 tháng nữa.

Khó tính toán hơn là những tác động địa chính trị của dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tự tin về sự trỗi dậy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, về lợi thế cạnh tranh của mô hình mà họ đang theo đuổi sau khi các mô hình phương Tây bị hoài nghi từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Liệu virus corona có thể đảo ngược tình hình? Dù cho virus có tạo nên đại dịch tồi tệ hay không, đây vẫn là bài kiểm tra lớn dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi mà ông đang nắm trong tay quyền lực gần như tuyệt đối.

Trong khi đó, Phòng nghiên cứu pháp y số (Digital Forensics Research Lab – DFRL) của Hội đồng Atlantic (Atlantic Council) chỉ ra nguy cơ nhiễu loạn thông tin nếu cuộc khủng hoảng đi xa hơn nữa. Đầu tiên, một số trang tin theo chủ nghĩa dân tộc của Nga và trên các trang mạng Trung Quốc xuất hiện thông tin đổ lỗi Mỹ đứng sau dịch bệnh. Hiện tượng này gợi nhớ đến Operation Infektion, chương trình tuyên trình được Nga thực hiện trong thời chiến tranh lạnh, truyền bá tư tưởng cho rằng virus HIV chính là 1 vũ khí hóa học được Mỹ sử dụng.

Cùng lúc đó, tờ Washington Times của Mỹ dẫn nguồn tin từ 1 cựu sĩ quan tình báo Israel nghiên cứu về vũ khí sinh học của Trung Quốc nói rằng virus corona có thể bắt nguồn từ 1 loại virus được tạo ra trong phòng nghiên cứu ở Vũ Hán.

Tất nhiên Trung Quốc đang chịu trách nhiệm hoàn toàn, mặc dù không đưa ra bất cứ khẳng định chắc chắn nào về nguồn gốc của virus, và phía Mỹ cũng đã ca ngợi nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn đầu của 1 câu chuyện dài, và những diễn biến tiếp theo sẽ định hình bức tranh địa chính trị toàn cầu.

Tham khảo CNBC

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên