Ai muốn mua một nửa Ngân hàng Đông Á?
Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) TMCP Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình cho biết đang có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặt vấn đề mua 49% cổ phần của NH này để trở thành cổ đông chiến lược.
Nếu hợp tác thành công, DongA Bank sẽ nằm trong danh sách những NH thương mại cổ phần tự tái cơ cấu thành công mà không cần đến bàn tay của nhà nước.
Những ngày qua, dư luận và giới tài chính quan tâm nhiều đến những thông tin xung quanh tỉ lệ nợ xấu, tình hình tái cơ cấu của DongA Bank… khi tại Đại hội cổ đông năm 2015, ông Trần Phương Bình cho biết, KIDO (Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô đổi tên thành KIDO) sẽ rót 1.000 tỉ đồng vào NH và trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Sáng ngày 13-8, trả lời phóng viên báo Người Lao Động, ông Trần Phương Bình cho biết trong những phương án tái cơ cấu được NH Nhà nước chấp thuận thì KIDO chỉ có thể là nhà đầu tư đồng hành với NH chứ không hẳn là nhà đầu tư chiến lược. Bởi với kế hoạch sẽ tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng của DongA Bank, nếu KIDO rót 1.000 tỉ đồng cũng chỉ chiếm khoảng 10% cổ phần.
Trong khi đó, một thông tin mới được ông Bình chia sẻ là đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua 49% cổ phần của NH này và hỗ trợ về tài chính trong quá trình xử lý nợ xấu tái cơ cấu để DongA Bank nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa, thương vụ này nếu thành công, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rót khoảng 4.900 tỉ đồng vào DongA Bank.
“Do đã tìm hiểu kỹ thị trường tài chính NH Việt Nam khi có ý định đầu tư vào một NH tại Việt Nam nên nhà đầu tư này sẽ rút ngắn thời gian ở DongA Bank. NH Nhà nước cũng đã bật đèn xanh trong việc DongA Bank có cổ đông chiến lược nước ngoài. Nếu mọi việc thuận lợi, có thể 3-4 tháng tới sẽ có kết quả và mục tiêu của chúng tôi lúc này là tập trung giải quyết nợ xấu” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, vì đây là quỹ đầu tư, nên sau khi đầu tư một vài năm thành công, họ sẽ bán cổ phần cho đối tác khác. Đích ngắm cuối cùng vào DongA Bank, theo ông Bình chính là những NH 100% vốn nước ngoài được cấp phép ở Việt Nam muốn mở rộng mạng lưới, chi nhánh hoạt động. Bởi một NH 100% vốn nước ngoài được cấp phép ở Việt Nam nhưng để có mạng lưới 200 chi nhánh, phòng giao dịch cạnh tranh được với các NH thương mại bản địa phải mất rất nhiều năm.
Người lao động