MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp trần huy động ngoại tệ 3%/năm có thể làm giảm kiều hối

10-04-2011 - 23:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Thậm chí, một lượng kiều hối chuyển vào Việt Nam trước đây vì mục đích hưởng lãi suất chênh lệch có thể chảy ngược ra nước ngoài khi lợi thế này không còn.

NHNN quyết định áp trần lãi suất huy động tiền gửi USD đối với khách hàng cá nhân và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ. Điều này mang lại tác dụng trong ngắn hạn đối với việc ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất huy động USD có thể làm giảm kiều hối và gây ra những tác động khó lường đến thị trường ngoại hối trong dài hạn.

Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lượng ngoại tệ có thể cho vay ra được từ cùng một lượng ngoại tệ huy động. Với một lượng vốn huy động nhất định, để đảm bảo mức lợi nhuận biên không thay đổi thì các NHTM sẽ phải tăng lãi suất cho vay.

Lãi suất USD giảm và tỷ giá USD/VND sẽ ổn định trong ngắn hạn

Theo tính toán của người viết, khi NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 2% như hiện nay thì lãi suất cho vay USD của các NHTM có thể cần phải tăng thêm khoảng 0,2% để đảm bảo mức lợi nhuận biên.

Lãi suất đầu ra tăng khiến cho doanh nghiệp có thể sẽ phải tính toán kỹ lưỡng trong việc vay ngoại tệ hay là vay VNĐ để mua ngoại tệ. Nhiều khả năng, nhu cầu vay USD sẽ giảm khi lãi suất cho vay USD tăng lên. Như vậy, chính sách nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc USD là tích cực.

Việc áp đặt mức trần lãi suất huy động USD là 3%, thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động thực tế khoảng 5% hiện nay khiến việc gửi tiết kiệm bằng USD không còn hấp dẫn các khách hàng cá nhân trong ngắn hạn nữa.

Những khách hàng cá nhân có kỳ vọng về sự ổn định của tỷ giá sẽ có xu hướng bán lại ngoại tệ cho ngân hàng hoặc bán ra thị trường tự do rồi gửi VNĐ với lãi suất huy động từ 16 – 18%/năm. Nguồn tiền gửi ngoại tệ sẽ bị sụt giảm. Nhưng bù lại, NHTM lại có thể mua được nhiều ngoại tệ hơn. Các doanh nghiệp vì vậy sẽ cân nhắc sang hướng mua USD với tỷ giá ổn định thay vì vay USD với lãi suất cao.

Những dấu hỏi trong dài hạn

Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất huy động ngoại tệ 3% có thể khiến việc thu hút kiều hối khó khăn. Thậm chí, một lượng kiều hối chuyển vào Việt Nam trước đây vì mục đích hưởng lãi suất chênh lệch có thể chảy ngược ra nước ngoài khi lợi thế này không còn.

Ngày 19.3.2011, NHNN đã ban hành hai văn bản quan trọng tác động tới hoạt động huy động và cho vay USD của các NHTM. Theo đó, dự trữ bắt buộc ngoại tệ với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng trở xuống tăng từ 4% lên 6%, còn đối với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng trở xuống tăng từ 1% lên 4%. Quyết định này áp dụng từ đầu tháng 5.2011. NHNN cũng áp mức trần với lãi suất tiền gửi ngoại tệ cho cá nhân ở mức 3%/năm.

Giả định về khả năng một phần kiều hối chuyển vào Việt Nam vì lý do lãi suất chênh lệch là hoàn toàn có cơ sở. Lượng kiều hối chuyển về trong nước tăng khá đều đặn kể từ năm 2000 cho đến 2007, với mức tăng trung bình hàng năm là 17,9%. Tuy nhiên, trong hai năm 2008 và 2010, lượng kiều hối tăng đột biến với tốc độ lần lượt lên tới 30,9% và 27,3%.

Nhìn vào lãi suất huy động USD kỳ hạn ba tháng của các NHTM đã tăng từ mức bình quân khoảng 4% trong suốt năm 2007 lên mức khoảng 6,5% vào giữa năm 2008. Tương tự mức lãi suất USD năm 2010 cũng đã tăng dần từ mức bình quân khoảng 1,5% vào giữa 2009 lên mức 4% vào giữa 2010 và tới 4,5% vào cuối năm 2010.

Mức lãi suất huy động USD cao ở Việt Nam năm 2008 và 2010 đảm bảo sự chênh lệnh lãi suất khoảng 3%-4% so với ở Mỹ. Đây là mức chênh đủ hấp dẫn khiến một lượng kiều hối đổ về Việt Nam vì lý do lãi suất. Nếu giả sử mức tăng kiều hối không vì lý do chênh lệch lãi suất của năm 2010 cũng tương tự như các năm trước thì ước có đến 600 triệu USD chuyển về Việt Nam năm 2010 vì lý do chênh lệch lãi suất.

Hoạt động vay vốn đồng USD trên thị trường quốc tế để tài trợ cho các doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng. Các NHTM sẽ phải so sánh chi phí có được một đồng vốn USD từ trong nước với việc có được một đồng USD từ thị trường quốc tế để đáp ứng cho nhu cầu của mình. Nếu lãi suất USD trên thị trường quốc tế tăng lên thì lãi suất huy động USD trong nước sẽ phải tăng lên tương ứng để đảm bảo tính thay thế giữa hai thị trường này. Tuy nhiên với việc áp trần huy động 3% thì dường như cánh cửa này đã bị đóng lại.

Với sự chênh lệch lãi suất giữa trong nước và ngoài nước không còn hoặc không đủ để bù đắp rủi ro thì một phần lớn nguồn kiều hối vì lý do này sẽ bị rút ra chuyển ngược lại về nước ngoài.

Nếu như nguồn tiền gửi này bị rút ra nhanh với số lượng lớn, trong khi hệ thống NHTM Việt Nam vẫn đang có sự mất cân đối đáng kể giữa huy động và cho vay ngoại tệ, thì sự thiếu hụt thanh khoản tiền gửi ngoại tệ có thể xảy ra. Khi đó, các NHTM sẽ lại chạy đua huy động vượt trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ, đẩy lãi suất USD thực tế tăng lên.

Nếu như ngoại tệ bị chảy ngược ra ngoài thì nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt do khó khăn trong việc vay ngoại tệ sẽ không được đáp ứng đầy đủ. Việc áp đặt trần lãi suất huy động USD chỉ có tác dụng ổn định tỷ giá trong ngắn hạn, song có thể lại là nguyên nhân gây ra việc tăng tỷ giá trong dài hạn. Đây là điều mà NHNN sẽ phải cân nhắc trong thời gian tới.

Bà Dương Thu Hương, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng: Lãi suất huy động USD sẽ giảm mạnh

Dù ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất huy động USD 3%/năm, nhưng theo nhận định của chúng tôi, lãi suất đầu vào ngoại tệ sẽ giảm thấp hơn nhiều, do đầu ra bị hạn chế. Trong trường hợp đó, người nắm giữ USD sẽ phải tính cách bán ra lấy tiền đồng gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao, có lợi hơn cho người gửi tiền và cũng có lợi hơn cho nền kinh tế.

Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Eximbank, Trương Văn Phước: Vay USD hay tiền đồng không làm thay đổi thực trạng ngoại hối

Phản ứng tự vệ của ngân hàng thương mại với chính sách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ là phải hạ thấp lãi suất huy động, tăng lãi suất cho vay lên. Như vậy, mục tiêu chính sách này của NHNN là hạn chế gửi, vay ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua – bán.

Mong muốn của người làm chính sách đã rõ, song phản ứng của thị trường phụ thuộc vào toan tính của mỗi người nắm giữ ngoại tệ. Chẳng hạn, người kỳ vọng tỷ giá tăng thấp có thể sẽ bán USD chuyển sang nắm giữ tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn. Song, những người kỳ vọng tỷ giá tăng cao có thể vẫn tiếp tục găm giữ ngoại tệ, không bán ra. Tương tự là toan tính của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, câu chuyện lớn về ngoại hối không nằm ở việc vay USD hay vay tiền đồng, mà là các dòng vào và các dòng ra ngoại hối; là cán cân thương mại. Còn doanh nghiệp vay USD, hay vay tiền đồng cũng chỉ là lựa chọn phương tiện thanh toán, mà không làm thay đổi thực trạng ngoại hối của chúng ta. Do vậy, vấn đề lớn nằm ở chỗ, phải tạo ra sự cân đối tốt nhất cho nền kinh tế, nâng cao khả năng chuyển đổi và giá trị đồng tiền Việt Nam.

Theo Thảo Nguyễn (ghi)- SGTT


Theo Nguyên Minh Cường
SGTT


phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên