MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch nghề nghiệp của cán bộ tín dụng trong vụ án Huyền Như

18-01-2014 - 15:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Những chính sách của NH đã tạo nên môi trường “hỗn độn, chồng chéo” mà bất kỳ cán bộ tín dụng nào cũng có thể gặp phải và không có gì bảo vệ.

Trong vụ án Huyền Như, bị cáo Huỳnh Hữu Danh - nguyên là cán bộ ngân hàng VIB chi nhánh Hồ Chí Minh đã bị VKSND HCM truy tố vì vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3, điều 179 Bộ luật Hình Sự và bị đề nghị mức án cao nhất: 20 năm.

Luật sư bào chữa Trần Minh Hải cho rằng quyết định này thiếu cơ sở và căn cứ pháp lý.

Căn cứ pháp lý quy định về tội “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”

Luật sư cho biết, theo quy định của Pháp luật Việt Nam, dựa trên cấu thành tội phạm có 3 dạng hành vi chính vi phạm tội này là cho vay không có tài sản đảm bảo (TSĐB), cho vay vượt quá giới hạn quy định và cho vay khác.

Tuy nhiên, tại thời điểm Danh thực hiện cho vay với 12 khách hàng ở VIB HCM thì chỉ có duy nhất 4 trường hợp là Pháp luật quy định phải có TSĐB hoặc giới hạn.

Thứ nhất là Pháp luật cấm cho vay đối với khách hàng là những đối tượng mà chính Ngân hàng không được cấp tín dụng theo khoản 3 điều 126 Luật TCTD 2010. Những đối tượng mà NH không được phép nhận bảo đảm để cho vay, đó là Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc pháp nhân có cổ đông là đại diện phần vốn góp của thành viên HĐQT, ban kiểm soát của ngân hàng và bố mẹ vợ chồng con của họ. Không có ai trong số 12 khách hàng trên nằm trong diện này.

Thứ hai, cấm cho vay trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ tức, cổ phiếu của chính ngân hàng hoặc công ty con của ngân hàng. Trong trường hợp của Danh, TSĐB không phải là cổ phiếu của ngân hàng quốc tế VIB và cũng không xuất phát từ công ty con của VIB.

Thứ ba, cấm cho vay để góp vốn vào các tổ chức tín dụng khác trên cơ sở nhận bảo đảm bằng chính cổ phiếu của TCTD mà khách hàng góp vốn vào – trường hợp này cũng không phải.

Thứ tư, cấm cho vay không có TSĐB với những đối tượng theo điều 127 Luật tổ chức tín dụng năm 2010 và quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng kèm theo QĐ 1627 của Thống đốc NHNN. Đó là tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đã kiểm toán tại NH, thanh tra, thanh tra viên đang thanh tra tại NH hay DN thuộc đối tượng không được cấp tín dụng theo khoản 1 điều 126 của Luật này mà những đối tượng cấm cho vay sở hữu trên 10% vốn của DN đó.

Đối chiếu với 12 trường hợp vay vốn ở VIB, luật sư cho biết Huỳnh Hữu Danh không vi phạm trường hợp nào.

Về tội cho vay vượt quá giới hạn theo điểm B điều 129 thì theo các quy định tại điều 128 luật TCTD về giới hạn cho vay, Thông tư 13 ngày 20/05/2010 – NHNN quy định các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD, có 8 trường hợp như sau:

- Cho vay KH vượt quá dư nợ tín dụng được cấp với 1 KH, vượt quá 15% vốn tự có của NH

- Dư nợ cấp tín dụng với một nhóm liên quan mà vượt quá 25% vốn tự có của NH

- Dư nợ tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế theo quy định của Pháp luật

- Dư nợ đối với DN mà NH nắm quyền kiểm soát: công ty con, công ty liên kết thì không được vượt quá 10% vốn tự có.

- Tổng các khoản cấp tín dụng của NH không được vượt quá 4 lần vốn tự có của NH

- Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán phải nhỏ hơn 20% vốn tự có của NH

Chiếu theo đó, Huỳnh Hữu Danh trong 12 trường hợp vay vốn, không vi phạm quy định nào.

Vậy tại sao Danh bị kết tội? Theo Luật sư, chỉ có một quy định “chung chung” nhưng là cạm bẫy trong vụ án này, đó là “hành vi khác vi phạm pháp luật về cho vay trong hoạt động các TCTD" theo khoản 3 Điều 179 Bộ Luật Hình sự.

Theo cáo trạng của VKS thì “hành vi khác ở đây”, nguyên văn được trích dẫn là:

Danh đã không đến Vietinbank Nhà Bè để làm các thủ tục xác nhận phong tỏa các hợp đồng tiền gửi mà tin tưởng các xác nhận phong tỏa cũng như làm giả thông qua Trần Tố Quyên chuyển cho Danh nên đã không phát hiện ra các hợp đồng giả mang tên 12 cá nhân gửi tiền tại Vietinbank là không có thật. Chính vì vậy, Huỳnh Hữu Danh đã vi phạm quyết định 1627 của NHNN”

Tuy nhiên, Luật sư bào chữa khẳng định trong 28 điều của quyết định này, không có điều nào bắt buộc cán bộ NH phải đến xác nhận phong tỏa giấy tờ có giá. Bởi vì đây chỉ là quy chế điều hành hoạt động cho vay. Trong hoạt động của TCTD thì một là dựa vào quy chế cho vay 1627 liên quan đến vấn đề hoạt động cho vay. Liên quan đến vấn đề TSBĐ và tiền gửi thì sử dụng Nghị định 163 hay các Nghị định riêng lẻ của chính nội bộ NH.

Hình như chúng ta đang coi việc xác nhận phong tỏa là vấn đề pháp lý nhưng trong pháp luật Việt Nam thì không có quy định nào về việc này. Chẳng qua là hệ thống Ngân hàng Việt Nam, qua mười mấy năm, cứ anh nọ phát hành thì anh kia xác nhận, hỗ trợ nhau trong hoạt động cho vay nhận tiền gửi, lâu dần thành thông lệ” – Luật sư phát biểu.

Qua đó Luật sư cho rằng cơ sở để kết tội Huỳnh Hữu Danh liên quan đến cho vay, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của TCTD là mờ nhạt.

Cán bộ tín dụng – những nạn nhân tương lai từ quy định bất cập và chồng chéo của Ngân hàng

Trước cơ quan điều tra, bị cáo Huỳnh Hữu Danh đã thừa nhận hành vi làm sai so với quy định nội bộ của NH về cho vay cầm cố giấy tờ có giá tại điều 2508 ngày 28/8/2006 của TGĐ VIB. Trong đó quy định nhân viên giao dịch tín dụng thực hiện xác nhận phong tỏa tài khoản khách hàng.

Thế nhưng, Huỳnh Hữu Danh khi thực hiện hành vi cho vay thì lại không phải chức danh này. Chức danh của Danh theo bút lục trong hồ sơ là “quản lý khách hàng” thuộc phòng khách hàng cá nhân của chi nhánh VIB Hồ Chí Minh. Luật sư đã dẫn, trong bộ máy chức danh bộ phận cho vay của VIB, có 18 chức danh thì “quản lý khách hàng” và “nhân viên giao dịch tín dụng” là 2 chức danh biệt lập. Như vậy, theo chính điều lệ nội bộ của VIB thì Danh cũng không phải là người có trách nhiệm đi xác nhận việc phong tỏa giấy tờ có giá.

Luật sư Trần Minh Hải đặt vấn đề, nếu căn cứ vào quy định về “hành vi khác” tại Khoản 3 điều 179 trong trường hợp này, chẳng phải là đề cao quy định nội bộ của Ngân hàng hơn là quy định Pháp luật hay sao? Và còn hằng hà sa số các cán bộ tín dụng đang thực hiện nghiệp vụ tín dụng hàng ngày, liệu họ có phải là nạn nhân trong tương lai hay không?

Một bất cập trong quản trị rủi ro tại các ngân hàng cũng được luật sư chỉ ra rất rõ.

Theo câu trả lời cho câu hỏi của điều tra viên “Hồ sơ mà Huyền Như giao cho chị mang đến VIB có những gì?”, bị cáo Trần Thị Tố Quyên đã khai “Tôi biết có hợp đồng tiền gửi tại Nhà Bè, một bản có đóng dấu đỏ và khoảng 2, 3 giấy tờ xác nhận phong tỏa theo mẫu của VIB. Giấy này là khách hàng chưa ký nhưng đã có sẵn con dấu của VIB Nhà bè và cũng chưa có chữ ký gì của VIB”.

Như vậy, giấy tờ quan trọng nhất mà VIB dựa vào để giải ngân tiền cho khách hàng là thủ tục sau khi VIB xác nhận phong tỏa tại nơi phát hành tiền gửi của Vietinbank Nhà Bè. Huyền như đã làm sẵn giấy này và đóng dấu. Bị cáo Huỳnh Hữu Danh không thể nghi ngờ nên đã trình lãnh đạo và lãnh đạo đã ký vào một văn bản dấu đã làm sẵn.

Lãnh đạo VIB đã ký xác nhận rồi thì việc phong tỏa có cần thiết nữa hay không? Về logic, không cần. Nếu như lãnh đạo VIB HCM không chấp nhận giấy tờ khống mà yêu cầu làm lại từ đầu thì VIB có mất vốn như vậy không? Sao VIB lại triển khai một sản phẩm mà nếu như người ta đã gửi tiền ở bên NH kia, tại sao người ta không vay mà về NH VIB vay làm gì?” – Luật sư nêu lên một loạt câu hỏi.

Thực ra, sản phẩm cho vay bảo đảm bằng sổ tiết kiệm của NH khác không phải là lạ. Chỉ sau vụ án này, hàng loạt NH mới bỏ đi sản phẩm này. Qua đó có thể thấy rủi ro mà Danh gặp phải cũng là rủi ro chính sách chung của NH. Những chính sách này đã tạo lên môi trường “hỗn độn, chồng chéo” mà bất kỳ cán bộ tín dụng nào cũng có thể gặp phải và không có gì bảo vệ.

Đó có thể gọi là bi kịch nghề nghiệp của các cán bộ tín dụng.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên