Cá nhân sẽ không được vay ngân hàng quá 6 tỷ đồng?
Quy định này đang được xem xét áp dụng tại một nhóm ngân hàng, như một bước nâng cao tiêu chuẩn an toàn...
- 19-07-2015Tín dụng bất động sản trong những tháng cuối năm 2015 sẽ ra sao?
- 17-07-2015NHNN yêu cầu công khai lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng
- 15-07-2015Xóa "độc canh" tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các quy định đặt ra trong dự thảo thông tư này là một bước tiến mới trong hướng nâng cao tiêu chuẩn an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam, trong lộ trình thực hiện Basel 2.
Theo đó, các quy định mới này dự tính chỉ áp dụng cho 10 ngân hàng thương mại hàng đầu, đã có quá trình chuẩn bị thực hiện các tiêu chuẩn trong Basel 2 mà Ngân hàng Nhà nước xác định thí điểm trong năm 2014.
Với phạm vi đó, các quy định về tỷ lệ an toàn vốn, các hệ số rủi ro liên quan trong Thông tư 36 hiện hành vẫn được áp dụng. Các quy định mới trên, nếu ban hành trước mắt sẽ chỉ áp dụng tại 10 ngân hàng nói trên từ 1/2/2016, và đến 1/2/2019 mới áp dụng ra toàn hệ thống.
Có một điểm đáng chú ý liên quan đến việc tiếp cận vốn ngân hàng của các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ, là giới hạn đặt ra trong dự thảo trên.
Cụ thể, dự thảo thông tư này bổ sung các thuật ngữ phục vụ cho việc tính hệ số rủi ro của tài sản có, trong đó có thuật ngữ “cấp tín dụng bán lẻ”.
Cấp tín dụng bán lẻ được xác định là khoản cấp tín dụng có khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ. Quy định dự kiến là tổng dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 0,2% tổng dư nợ cấp tín dụng bán lẻ; tổng dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 6 tỷ đồng.
Đối với cấp tín dụng bán lẻ, dự thảo trên cũng đưa ra hệ số rủi ro tín dụng là 75%, để tính cho tỷ lệ an toàn vốn.
Bên cạnh quy định dự kiến trên, dự thảo thông tư cũng đưa ra nhiều quy định hoặc tỷ lệ xác định mới liên quan đến việc tính tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại, gắn với hoạt động cho vay doanh nghiệp.
Tinh thần chung của những quy định đó là nâng cao hơn các tiêu chuẩn an toàn so với hiện nay, hoặc chuyên nghiệp hơn trong việc xác định các hệ số rủi ro (như áp dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm, gắn chặt với tình trạng tài chính cụ thể của các doanh nghiệp vay vốn…).
Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những hướng dự kiến thay đổi trong dự thảo thông tư này. Và như trên, là việc áp dụng khi ban hành bước đầu giới hạn ở 10 ngân hàng thương mại đã thí điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 trong năm 2014, dự kiến bắt đầu từ 1/2/2016, rồi mở rộng sau đó từ 1/2/2019.