MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ bị siết chặt hơn

18-06-2011 - 11:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự thảo Thông tư mới của NHNN dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2012 quy định các TCTD phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn phải từ 10% trở lên mới được cho CTCK vay để tự doanh.

Ngân hàng nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Theo đó, việc cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ bị siết chặt hơn.

Thông tư nêu trên được Ngân hàng Nhà nước xây dựng nhằm thay thế Thông tư 13 và 19 ban hành 2010 (về các tỷ lệ an toàn vốn) và Thông tư 15 ban hành năm 2009 (quy định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được ngân hàng sử dụng cho vay trung - dài hạn). Văn bản dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/1/2012.

Về cơ bản, các quy định tại dự thảo không có nhiều thay đổi so với các văn bản trước đó khi Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tài sản có rủi ro. Tỷ lệ cấp tín dụng từ vốn huy động cũng được giữ nguyên ở mức 80% đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 85% với công ty tài chính.

Tuy nhiên, dự thảo lại quy định cụ thể và khá chặt đối với hoạt động cấp tín dụng cho khu vực phi sản xuất, đặc biệt là cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Cụ thể, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không được cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu giấy tờ có giá để khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Tuy vậy, hoạt cho vay vẫn được thực hiện dưới hình thức bảo lãnh vay vốn đầu tư.

Về điều kiện đối với ngân hàng, dự thảo quy định các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn phải từ 10% trở lên mới được cho công ty chứng khoán vay để tự doanh, cho vay có bảo đảm (cầm cố cổ phiếu, bảo đảm bằng tài sản khác, ứng trước đối với cổ phiếu khách hàng đã bán). Ngoài ra, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tại các ngân hàng cũng không được vượt quá 3% vốn tự có.

Cũng theo dự thảo Thông tư, các tổ chức tín dụng được phép góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng... nhưng phải nắm giữ số cổ phần này tối thiểu 3 năm. Ngoài ra, ngân hàng thương mại (bao gồm cả các công ty con, công ty liên kết với ngân hàng) cũng chỉ được phép mua, nắm giữ cổ phiếu của tối đa là 2 tổ chức tín dụng khác.

Theo Nhật Minh
VnExpress

phuongmai

Trở lên trên