MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu STB - một năm nhìn lại

19-02-2013 - 20:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2012 là năm nhiều biến động đối với TTCK nói chung và cổ phiếu STB nói riêng, tuy nhiên trong mắt của các nhà đầu tư quốc tế thì STB vẫn là một cổ phiếu nhiều tiềm năng và đáng để đầu tư.

Năm 2012 tiếp tục là năm thăng trầm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và cổ phiếu STB nói riêng. 

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, giao dịch trên thị trường khá ảm đạm khi cầu đầu cơ và đầu tư đều suy giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12, VN – Index đóng cửa ở mức 413,7 điểm, tăng 62 điểm so với đầu năm (tương ứng tăng 17,7%), khối lượng giao dịch trung bình cả năm 46.297.569 cổ phiếu/phiên. Thị trường đã có sự phục hồi khá tốt vào những tháng đầu năm do những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô cũng như tâm lý kỳ vọng thị trường đã thoát đáy trong năm 2011 khi đạt 437 điểm vào trung tuần tháng 8, tăng 87,3 điểm tương ứng 24,9% so với đầu năm. 

Tuy nhiên, “biến cố tháng 8” xảy ra với những thông tin nhạy cảm liên quan đến ngành tài chính – ngân hàng đã đánh sập niềm tin yếu ớt của nhà đầu tư. Sau sự cố này, thị trường đã đi vào giai đoạn suy giảm kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 và chỉ phục hồi vào những phiên giao dịch cuối năm, các chỉ số tăng mạnh trở lại, thanh khoản ấm dần lên và giới đầu tư đã được chứng kiến “sắc xanh” qua nhiều phiên liên tục của thị trường. Dù chưa thể trở lại với mức đỉnh 486 điểm vào tháng 5/2012 nhưng những gì đang diễn ra khiến cho nhà đầu tư có thể kỳ vọng một năm 2013 sáng sủa hơn cho TTCK Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12/2012, cổ phiếu STB đóng cửa ở mức 19.900 đồng, tăng 7,57% so với đầu tháng và tăng 28,4% so với đầu năm. Nhìn chung trong năm 2012, cổ phiếu STB biến động khá sát với thị trường: tăng trong những tháng đầu năm, điều chỉnh giảm sau “biến cố tháng 8” và sau đó là phục hồi vào cuối năm.

Sự thay đổi cơ cấu góp vốn

Trong những tháng đầu năm, động thái thoái vốn của các cổ đông lớn như REE (42 triệu cổ phiếu tương ứng 3,92%), ANZ (103 triệu cổ phiếu tương ứng 9,61%)… cùng với sự xuất hiện của Nhóm cổ đông lớn (trong đó có Eximbank) đã khiến nhiều cổ đông nhỏ lẻ lo ngại về tương lai của Sacombank.

Tuy nhiên, mục đích thực tế rút lui của các cổ đông lâu năm là hoàn toàn bình thường như nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư (Dragon Capital) hoặc tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính (REE, ANZ). Việc Eximbank đầu tư góp vốn cũng cho thấy sự đánh giá cao của tổ chức này đối với tiềm năng phát triển của Sacombank, đồng thời cũng phù hợp với tiêu chí của Hội đồng quản trị là mời gọi sự hợp tác/đầu tư của các nhà đầu tư tâm huyết, cùng hướng về mục tiêu xây dựng Sacombank ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.

Cuộc chuyển giao quyền lực tốt đẹp

Ngày 26/5/2012, Sacombank đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2011. Đại hội đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng về cơ cấu cổ đông mới cũng như triển khai kế hoạch hoạt động năm 2012 của Ngân hàng, bao gồm: (1) Kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 10.740 tỷ đồng lên 14.176 tỷ đồng (tương ứng tăng 32%) trong năm 2012; (2) Kế hoạch LNTT năm 2012 là 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2011; (3) Kế hoạch bán tối đa 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài; (4) Chủ trương hợp nhất và sáp nhập (M&A) với các NH khác trong giai đoạn 2012 – 2015; và (5) Chủ trương cổ phần hóa Công ty cho thuê tài chính Sacombank và 02 Ngân hàng con tại Campuchia và Lào.… và một số nội dung khác. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn cùng với những biến động bất lợi trên TTCK thời gian qua đã khiến nhiều dự định này không thể hoàn thành trong năm nay.

Ngoài ra, cùng với những thay đổi trong cơ cấu góp vốn và sự thống nhất trong ĐHĐCĐ là vấn đề chuyển giao về điều hành. Một số thành viên cũ trong Hội đồng quản trị đã rút lui vì nhiều lý do khác nhau - kể cả ông Đặng Văn Thành là người sáng lập và xây dựng Ngân hàng trong 21 năm qua. Theo đó, việc bàn giao lại công tác quản trị và điều hành cho những thành viên mới đã diễn ra suôn sẻ với kỳ vọng mọi hoạt động của Sacombank tiếp tục được củng cố và phát triển hơn nữa trên thị trường tài chính Việt Nam.

Các Tổ chức xếp hạng tín dụng lạc quan với Sacombank

Mặc dù xảy ra nhiều biến động trong năm qua, nhưng Sacombank luôn được các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đánh giá tốt, có triển vọng ổn định, phản ánh chất lượng hoạt động kinh doanh và tốc độ phát triển ổn định của Ngân hàng trước những thách thức của tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Trong báo cáo tháng 9/2012, Moody’s xếp hạng năng lực tín dụng độc lập của Sacombank ở mức E+, tương đương với xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức b1 do những thế mạnh của Sacombank hiện tại. Đồng thời, Moody’s cũng ghi nhận Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của Sacombank cao hơn các ngân hàng nội địa khác và trạng thái thanh khoản của Sacombank đang có cải thiện do tiền gửi cá nhân và tổ chức tăng trưởng 16%, trong khi danh mục cho vay thu hẹp khoảng 3% so với đầu năm.

S&P cũng có nhận định tích cực cho Sacombank khi nâng xếp hạng tín nhiệm đối tác tín dụng dài hạn của Sacombank từ mức ”B+” lên mức “BB-“, giữ nguyên xếp hạng đối tác tín dụng ngắn hạn ở mức “B-“, triển vọng đối với 2 mức xếp hạng trên đều là “ổn định”. Ngoài ra, S&P còn điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Sacombank từ “axBB” lên “axBB+” và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn ở mức “axB” theo thang đo khu vực ASEAN.

Cổ phiếu STB được lựa chọn trong danh mục đầu tư của các quỹ ETF

Như đã đề cập, năm 2012 là năm nhiều biến động đối với TTCK nói chung và cổ phiếu STB nói riêng, tuy nhiên trong mắt của các nhà đầu tư quốc tế thì STB vẫn là một cổ phiếu nhiều tiềm năng và đáng để đầu tư. 

Bằng chứng là trong năm vừa qua, STB liên tục được các quỹ ETF như Market Vectors Vietnam Index, FTSE Vietnam Index gia tăng tỷ trọng đầu tư qua các lần cơ cấu danh mục. Hiện trong danh mục của Market Vectors Vietnam Index được chốt vào thời điểm 21/12, STB đang là một trong 5 mã cổ phiếu có tỷ trọng nắm giữ lớn nhất (6%) và là cổ phiếu có mức tăng tỷ trọng mạnh nhất trong năm vừa qua với +3,76%.

Ngoài ra, trong danh mục của Quỹ đầu tư ETF lớn nhất thế giới (iShare), STB chiếm 0,35% và đứng thứ 3 về tỷ trọng trong số 7 cổ phiếu Việt Nam mà iShare đầu tư (gồm CTG, BVH, STB, MSN, VCB, VIC, DPM).

Kết quả kinh doanh năm 2012 phù hợp với quan điểm hoạt động an toàn

Tháng 01/2013, Sacombank đã công bố KQKD cả năm 2012 của Ngân hàng mẹ. Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế và nợ xấu diễn biến phức tạp trong năm qua, Ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro khá cao nên đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng năm qua là 1.315 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, xét về quy mô và bản chất thì các chỉ tiêu kinh doanh đạt được năm 2012 của Sacombank đều phù hợp với quan điểm hoạt động an toàn và kinh doanh hiệu quả.

Cụ thể, năm 2012 Tổng tài sản của Ngân hàng đã được cải thiện theo hướng ổn định – bền vững và tăng 8,1% so với năm 2011, trong đó đáng chú ý là huy động từ TCKT&DC đã tăng hơn 25% trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt nhờ vào việc tăng cường triển khai các SPDV và các chương trình kích thích trọng điểm phù hợp cho từng phân khúc khách hàng; đẩy mạnh phát huy lợi thế thương hiệu và mạng lưới rộng khắp cả nước; cộng với xây dựng cơ chế khuyến khích nội bộ, tăng cường lực lượng bán hàng và kỹ năng chăm sóc khách hàng nhằm gia tăng quy mô huy động ở các đơn vị trên toàn hệ thống.

Nhìn chung, những diễn biến bất lợi của nền kinh tế cùng với sự chuyển giao công tác điều hành đã có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình hoạt động của Sacombank trong năm vừa qua, dẫn đến kết quả kinh doanh không đạt được như kỳ vọng. Dự báo kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2013. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Ngân hàng cùng tập thể CBNV Sacombank đã xây dựng những chương trình hành động cụ thể và sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành những mục tiêu kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận cho các Cổ đông và Nhà đầu tư.

Theo Sacombank

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên