MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cò” thao túng hoạt động ngân hàng như thế nào?

23-10-2013 - 12:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Cơn lốc người người nhà nhà ở huyện Cầu Kè bỏ ruộng đồng mua sà lan trở thành bài học cay đắng cho người nông dân chân chất chỉ quen tay lấm chân bùn.

Kỳ 1: Tỷ phú sà lan đi... chăn vịt

Mới đây, chúng tôi đã có bài viết về việc 51 hộ dân gánh nợ gần 300 tỷ đồng, phản ánh một số hộ ở huyện Cầu Kè trở thành con nợ khó đòi của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh chi nhánh huyện Cầu Kè (Agribank Cầu Kè). Hiện xã An Phú Tân còn hơn 30 hộ mang nợ khủng hàng trăm tỷ đồng. Lần theo những lá đơn kêu cứu, chúng tôi phát hiện nhiều bi kịch gia đình khi trở thành con nợ của Agribank huyện này.

ĐỘT TỬ KHI ÔM NỢ KHỦNG

Ngồi nhắc lại món nợ khủng của gia đình, bà Đinh Thị Nhen (SN 1952, ngụ ấp Dinh An, xã An Phú Tân) không ngăn được nước mắt. Thắp nén nhang cho người chồng xấu số là ông Đoàn Văn Việt (SN 1948), bà chua xót kể: “Chồng tôi đột tử vì bị người ta gạt mà lâm nợ. Ổng nói mình sống cũng như chết bởi lấy tiền đâu mà trả. Đó là bài học quá lớn đối với tôi”.

Bao năm lam lũ trên ruộng đồng, vợ chồng bà Nhen được xem là hộ khá trong xã. Tháng 5-2009, do tin lời “cò” ngân hàng, ông Việt bàn với vợ mua chiếc sà lan đổi đời. Bà Nhen đắn đo không biết lấy đâu ra tiền tỷ để mua thì ông Việt phán: “Có người hứa giúp rồi. Chỉ cần đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì muốn vay bao nhiêu cũng có. Sà lan mình mua có 1,5 tỷ đồng chứ bao nhiêu, nếu vô vụ vài tháng trả đứt cả vốn lẫn lãi, mình còn dư chiếc sà lan, mỗi tháng nằm phây phây cũng có vài chục triệu đồng”.

Bà Nguyễn Thị Lụa đang chăn vịt chạy đồng sau khi vỡ mộng tỷ phú sà lan

Nghe bùi tai, bà Nhen đồng ý. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đưa cho “cò”, làm thủ tục mua chiếc sà lan trị giá 1,5 tỷ đồng. Đến kỳ hạn đóng lãi ngân hàng, bà kêu trời không thấu khi biết số nợ vay lên đến 3 tỷ 450 triệu đồng. Cú sốc quá nặng khiến ông Việt bỏ bê việc đồng áng, lao vào khiếu kiện. 

Nợ ngân hàng đến hạn phải trả, sà lan không ai thuê mướn, để tránh những đợt xiết nợ của ngân hàng, bà Nhen quyết định đem cầm sáu công ruộng. Nhìn vợ nước mắt ngắn dài khi nghĩ đến món nợ không có khả năng chi trả, các con có nguy cơ bỏ học, ông Việt nằm liệt giường. Lau dòng nước mắt, bà Nhen tâm sự: “Năm 2003 ổng đột tử. Các con tôi bỏ học đi làm thuê làm mướn. Từ quyết định sai lầm, tôi phải nhận bài học quá lớn”.

Anh Nguyễn Văn Hải (SN 1963, ngụ cùng địa phương với bà Nhen) thú thật: “Tôi mua sà lan hết 4,8 tỷ đồng. Từ trước đến giờ có biết kinh doanh gì đâu, nghe lời “cò” xúi, tôi đưa hai cuốn sổ đỏ gần 10.000m2 thế chấp vay ngân hàng, do chủ quan nên tôi không xem hồ sơ vay vốn, đến thời hạn thanh toán mới biết số tiền mình vay lên đến sáu tỷ đồng”.

BAO GIỜ MỚI TRẢ ĐƯỢC NỢ?

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được bởi bà Nguyễn Thị Lụa (SN 1957) chăn vịt chạy đồng đã hàng chục năm nay. Tháng 3-2009, thấy nhiều người dân trong xóm vay tiền mua sà lan đổi đời, bà cũng bỏ ruộng vườn những mong bớt khổ. Kiến thức không có, chẳng quen biết ai, chiếc sà lan trở thành hàng phế liệu.

Bà Lụa cho biết: “Tôi mua được một năm mà không nhận được giấy tờ gì hết, đến khi sà lan bị Công an TP.Cần Thơ tạm giữ vì không có giấy tờ, tôi tá hỏa tìm đến “cò” nhận giấy đăng kiểm. Tới ngân hàng đóng lãi tôi mới phát hiện mình bị cò chiếm đoạt 900 triệu đồng”. Hiện nay, nguồn sống duy nhất của gia đình nhờ vào đàn vịt chạy đồng bởi đất đai đang bị ngân hàng phát mãi trong lúc chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả.

Cơn lốc người người nhà nhà ở huyện Cầu Kè bỏ ruộng đồng mua sà lan trở thành bài học cay đắng cho người nông dân chân chất chỉ quen tay lấm chân bùn. 

Theo thống kê của Agribank Cầu Kè, từ năm 2007 đến cuối năm 2010 nơi này đã cho 63 khách hàng trên địa bàn vay hơn 260 tỷ đồng đóng mới và mua sà lan cũ để kinh doanh vận tải cát sông. Thời gian đầu, do một số đối tác nước ngoài có nhu cầu cao và nguồn cát từ các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia dồi dào nên việc làm ăn tương đối thuận lợi. Từ đó, một số chủ sà lan tiếp tục vay vốn mua thêm sà lan. Thế nhưng từ năm 2009 về sau không còn thuận lợi như trước, nhiều chủ sà lan mất mối làm ăn nên đi các tỉnh miền Tây chở cát san lấp mặt bằng, chỉ kiếm đủ chi phí hoặc thâm vốn, đình trệ hoạt động khiến hầu hết người vay tiền mua sà lan đều rơi vào cảnh khó khăn, không trả được lãi và gốc cho ngân hàng đúng phân kỳ.

Kiểm tra lại hồ sơ vay, chúng tôi phát hiện nhiều bất cập. Trong đó, ngoài lỗi của người dân còn có một phần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng duyệt hồ sơ.


(Còn tiếp)

Theo Thiện Thảo

hangnt

Công an TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên