MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cởi trói cho ngân hàng: Cần hóa giải khoảng trống pháp lý

15-07-2015 - 14:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Điều 179 có những khúc mắc khiến cho cách hiểu, vận dụng luật hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho rằng, Điều 210 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung Điều 179, Bộ luật Hình sự 1999) về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD” đã trình Quốc hội không giải quyết được những bất cập hiện nay, mà còn dẫn đến cách vận dụng tùy tiện.

Chính điều này tạo ra một khoảng trống pháp luật mà ở đó cán bộ NH có thể dễ bị quy chụp phạm tội hình sự, ngay cả cho những sai phạm nhỏ. Đây là một trong những nguyên nhân gây cản trở nguồn cung tín dụng và tiến độ giải ngân cho nền kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại điều 179 Bộ luật Hình sự quá rộng, không định lượng nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động NH. Quan điểm của ông?

Điều luật này quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay của các TCTD. Trong đó, có ba dạng hành vi phạm tội gồm: cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật, cho vay vượt quá giới hạn quy định, và hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng. Đối với hai hành vi đầu tiên, quy định của pháp luật khá rõ ràng với các trường hợp cấm cho vay tín chấp, các tỷ lệ, giới hạn cụ thể về tín dụng trong ngành NH. Tuy nhiên, với hành vi thứ ba - hành vi khác - thì cách vận dụng khá tùy tiện. Đâu là hành vi khác?

Xin khẳng định đến nay vẫn không có gì rõ ràng để tham chiếu. Chính điều này tạo ra một khoảng trống pháp luật mà ở đó cán bộ NH có thể dễ bị quy chụp phạm tội hình sự, ngay cả cho những sai phạm nhỏ.

NH là huyết mạch của nền kinh tế, còn cán bộ tín dụng là trung tâm hạt nhân của NH. Do vậy, một điều luật mơ hồ sẽ khiến tâm lý e dè từ cán bộ tín dụng và NH. Không thể phủ nhận đây là một trong những nguyên nhân gây cản trở nguồn cung tín dụng và tiến độ giải ngân cho DN và nền kinh tế.

Tức là, với quy định tại điều 179 Bộ luật Hình sự hiện tại tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng xử lý hành chính hoặc hình sự đối với cùng một hành vi vi phạm? Ông có dẫn chứng nào không?

Chỉ riêng trong năm qua, tôi trực tiếp bào chữa cho nhiều trường hợp, từ cán bộ tín dụng đến giám đốc chi nhánh NH. Hầu hết đều liên quan đến Điều 179 và đều có những khúc mắc khiến cho cách hiểu, vận dụng luật hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Bất cập thứ nhất, trong nhiều vụ án, cứ xảy ra thiệt hại do mất mát tài sản bảo đảm là đương sự có thể bị quy kết cho vay tín chấp trái quy định. Trong khi đó, pháp luật chỉ cấm cho vay tín chấp một số trường hợp, như cho vay kế toán trưởng của NH, kiểm toán viên đang kiểm toán tại NH...

Bất cập thứ hai liên quan đến cách xác định tội phạm của dạng “Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay”. Hành vi nào, ra sao và quy định cụ thể nào trong pháp luật về cho vay?

Trong Đại án Huyền Như, khi bào chữa cho bị cáo Huỳnh Hữu Danh, các câu hỏi trên của tôi được cơ quan tiến hành tố tụng viện dẫn đến những chính sách quy trình nội bộ trong NH để trả lời. Pháp luật về cho vay thì chỉ có Luật Các TCTD, Quy chế số 1627, nhưng đối với những quy kết về sai phạm nghiệp vụ thì không có quy định pháp luật cụ thể xác định trực tiếp. Các cơ quan tố tụng phải dẫn chiếu đến quy định nội bộ của NH và tình trạng luật hóa quy định nội bộ NH trở nên phổ biến.

Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), theo ông quy định như Điều 210 có giải quyết được những bất cập nói trên?

Theo nội dung dự thảo thì tôi thấy rằng, hành vi phạm tội theo Điều 179 hiện tại đã được kết hợp với một số hành vi phạm tội khác trong lĩnh vực NH. Điều luật mới sẽ quy định chung các tội phạm trong hoạt động của các TCTD, bao gồm cả về tín dụng lẫn huy động, dịch vụ thanh toán và góp vốn cổ phần.

Khoan hãy nhìn nhận về những tội phạm khác trong cùng dự thảo điều luật, chỉ bàn về tội vi phạm quy định cho vay, tôi thấy rằng hầu như không có sự tiến bộ, không giải quyết được bất cập hiện nay. Vẫn còn đó trường hợp “hành vi khác” thì có nghĩa khoảng trống, điểm mờ pháp luật vẫn còn tồn tại. Đây là điều khó chấp nhận trong lĩnh vực hình sự, nơi mà đáng ra nguyên tắc suy đoán vô tội có lợi cho đương sự cần được thể hiện cả trong văn bản pháp quy lẫn thực tiễn xử lý.

Thêm nữa, cán bộ NH có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nào là hậu quả nghiêm trọng để có thể bị xử lý hình sự? Theo dự thảo thì gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xử tù đến 20 năm. Thực tiễn những vụ án tôi đã kinh qua cho thấy, chỉ cần thiệt hại từ 300 triệu đồng trở lên đã có thể bị coi là “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” để dẫn tới án tù đến 20 năm cho cán bộ NH.

Liệu quy định như vậy có khiến hoạt động cho vay không có tài sản bảo đảm, nhất là cho vay tín chấp sẽ tiếp tục gặp khó khăn?

Từ “tín dụng” giải nghĩa ra là “tin tưởng” (tín) mà trao vốn cho khách hàng sử dụng (dụng). Đó cũng chính là bản chất của hoạt động tín dụng nói chung, bao gồm cho vay. Xu hướng hiện nay, ngành NH đã phát triển các loại hình cho vay tín chấp tiêu dùng. Đối với những lĩnh vực cho vay DN, tín chấp cũng không phải là trường hợp cho vay hiếm hoi.

Một DN sản xuất muốn tăng trưởng hoạt động, thì nguồn vốn tín dụng là giải pháp hàng đầu. Không có ông chủ DN nào có đủ tài sản hữu hình cá nhân bảo đảm đủ cho cả nguồn vốn tín dụng quy mô lớn. Đáng ra, NH có thể dựa vào sự tin tưởng về phương án kinh doanh để chấp nhận cho vay tín chấp, nhưng gặp trở ngại rủi ro pháp lý thì họ có thể chùn bước. Nghề tín dụng có đến hàng trăm thao tác trong một khoản cho vay, sai sót là điều có thể xảy ra. Nhưng với điều luật trên, chỉ một hậu quả xảy ra là sai sót nào cũng có thể mang đến một mức án nặng nề cho cán bộ NH ở mọi vị trí. Đây chính là rào cản.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho hoạt động NH, không bỏ sót tội phạm, theo ông điều 210 nên được sửa đổi như thế nào cho phù hợp?

Tôi cho rằng, chỉ nên quy định tội vi phạm về cho vay đối với những trường hợp có thể xác định sai phạm rõ ràng, như vượt giới hạn cho vay, cho vay đối tượng bị pháp luật cấm. Cần dứt khoát bỏ đi hành vi chung chung là “hành vi khác”, bởi những bất cập nêu trên.

Về hậu quả thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự, có một bất cập bấy lâu là chúng ta luôn lấy hậu quả thiệt hại do tội phạm lừa đảo tác động tấn công vào NH để khoác trách nhiệm cho cán bộ NH. Đây là điều vô lý, bởi về nguyên lý, hậu quả do tội phạm lừa đảo gây nên thì kẻ phạm tội đó phải chịu. Nên tách biệt hậu quả để xác định trách nhiệm, và chỉ những hậu quả do cán bộ NH cố ý tạo với yếu tố tư lợi mới dùng để xác định mức độ trách nhiệm hình sự của họ.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Trần Hương

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên