MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua lãi suất huy động đã lên 8,2%/năm

29-02-2016 - 11:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Hàng loạt ngân hàng thông báo đẩy mạnh chương trình khuyến mại huy động vốn với lãi suất cách biệt, đã tạo nên mặt bằng cạnh tranh mới khiến nhiều cá nhân và doanh nghiệp lo ngại về lãi suất cho vay có thể sẽ tăng theo.

Thời điểm sau Tết, dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại kênh tiết kiệm giúp thanh khoản của các ngân hàng ở mức khá dồi dào. Trong khi đó hiện nay, nhiều ngân hàng tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất huy động với những con số vô cùng hấp dẫn.

Cụ thể, áp dụng từ ngày 24/02/2016, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đẩy mạnh chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách hàng gửi tiền VNĐ từ 36 tháng với lãi suất lên đến 8,0%/năm. Trước đó hồi đầu tháng 1, mức lãi của chương trình này chỉ ở mức 7,6%.

Tuy nhiên đây vẫn chưa phải mức lãi suất huy động VND cao nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, lãi suất cao nhất áp dụng của khối NH TMCP là 8,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng vừa niêm yết lãi suất huy động mới tăng mạnh ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng là 7,6%/năm, 24 tháng 7,8%/năm và 36 tháng lên tới 8%/năm. Khi gửi tiết kiệm trực tuyến (online), khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm.


Lãi suất huy động của SeABank tại thời điểm hiện hành.

Lãi suất huy động của SeABank tại thời điểm hiện hành.

Theo thông tin của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), khách hàng sẽ hưởng lãi suất huy động VND ở mức 8%/năm với kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, nhà băng này cũng "lấp lửng" bởi để đạt mức lãi này khách hàng phải thỏa mãn các điều kiện của ngân hàng.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, để hưởng mức lãi suất này, các khách hàng thường là những khách hàng VIP. Theo một nhân viên của ngân hàng SeABank, mức lãi suất này chỉ áp dụng với những khách hàng có quan hệ với ngân hàng từ 5 năm trở lên, số tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.

Thông tin trên đã khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi lớn, khi thấy ngân hàng khác trả lãi cao hơn đã rút tiền từ chỗ đã gửi có lãi suất thấp hơn để hưởng thêm lợi ích.

Lo ngại lãi suất cho vay sẽ "té nước theo mưa"

Một số lãnh đạo ngân hàng cho biết tăng lãi suất tiền gửi ở một vài kỳ hạn không chỉ để cơ cấu lại nguồn vốn mà còn giữ chân khách hàng. Nếu khách hàng cứ thấy ngân hàng nào lãi suất cao là chuyển tiền sang gửi thì rất khó tránh khỏi cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng.

Lãi suất cao và thực nói trên sẽ tạo ra một hướng cạnh tranh mới, nổi bật hẳn về sức hấp dẫn lãi suất và điều có thể khẳng định, phía sau diễn biến này, chi phí huy động cao hơn, lãi suất cho vay sẽ có thể gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại nếu lãi suất vay tăng trong thời gian tới sẽ làm tăng chi phí tài chính khiến hoạt động của họ khó khăn hơn. Dù   NHNN có kế hoạch sẽ siết tín dụng chảy vào bất động sản, làm dấy lên hy vọng lượng vốn này sẽ tập trung cho doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn song cũng không loại trừ khả năng lãi suất vay tăng lên.

Theo quy định hiện hành, cơ chế trần lãi suất NHNN chỉ áp ở các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; các ngân hàng thương mại được tự quyết lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài.

Trước đó không lâu, lo ngại về việc tìm mọi cách lách quy định của NHNN, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động của các ngân hàng.

NHNN nhấn mạnh rằng điều này làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường. NHNN cũng yêu cầu các TCTD không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn, đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của TCTD để xảy ra vi phạm, không chấp hành các quy định của NHNN.

Và mới đây theo Chỉ thị 01 năm 2016, NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD phải áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên