MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu thầu vàng: Bao nhiêu mới đủ?

07-08-2013 - 05:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Gần 52 tấn vàng đã được bán qua 50 phiên đấu thầu, gấp hơn 2,5 lần so với con số 20 tấn mà NHNN từng cho rằng các ngân hàng còn thiếu để trả dân hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong hơn 4 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 50 phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm bình ổn thị trường. Kết quả là, tính đến ngày 6/8, đã có 1.349.200 lượng, tương đương 51,89 tấn được bán cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ mua bán vàng miếng với NHNN, trong tổng số 1.452.000 lượng hay 55,84 tấn chào thầu. Số lượng vàng bán ra này tương đương với hơn 54.000 tỷ đồng đã được NHNN hút về.

Đã có nhiều dấu hỏi đặt ra rằng lượng vàng khổng lồ ấy thực sự đi đâu, có được đưa ra thị trường hay “thẩm thấu” đi nơi khác? Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số vàng nói trên thì chỉ có khoảng 20% được các đơn vị dùng để bán ra thị trường, số còn lại phục vụ cho tất toán trạng thái của các ngân hàng thương mại.

Đến đây, câu chuyện lại trở về với việc tất toán trạng thái. Hồi tháng 10 năm ngoái, theo lời của một vị đại diện NHNN thì các đơn vị còn thiếu khoảng 20 tấn vàng nữa mới đủ trả dân. Sau đó, NHNN quyết định gia hạn cho các đơn vị được tất toán tới 30/6, đi kèm với sự hỗ trợ bằng các phiên đấu thầu.

Giai đoạn đầu, thị trường đều cho rằng, NHNN sẽ tổ chức bán đấu thầu khoảng 20 tấn hoặc hơn chút xíu. Thế nhưng, cho đến thời điểm cuối tháng 6, đã có tới 37 tấn vàng được tung ra. Sang tháng 7, con số 20 tấn đã được nâng lên gấp đôi và nhiều hơn nữa tính đến thời điểm này. Câu chuyện bán đấu thầu vẫn chưa dừng lại và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sắp xảy ra.

Điều đáng nói là dường như cầu về vàng lại càng tăng mạnh hơn sau khi các ngân hàng đóng trạng thái. Bằng chứng là từ đầu tháng 7 tới nay đã có gần 15 tấn vàng được bán ra. Tỷ lệ trúng thầu các phiên đều rất cao, từ 95% - 100%, bất chấp giá chào thầu cao hơn vài trăm nghìn đồng/lượng so với giá mua vàng từ thị trường của các “nhà vàng” và đắt hơn thế giới trên 4 triệu đồng mỗi lượng.

Trả lời câu hỏi vàng đấu thầu còn kéo dài đến bao giờ, một vị đại diện của NHNN cho biết cơ quan này đang “vừa làm vừa xem”, vì vấn đề chính là phục vụ nhiệm vụ quản lý chứ không phải tung vàng ra để “chiều” thị trường.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, hơn 50 tấn vàng bán đấu thầu là một con số vô cùng lớn. Còn việc chính xác khi nào NHNN sẽ dừng bán đấu thầu thì đó là vấn đề nằm trong kế hoạch của NHNN và không thể tiết lộ ra bên ngoài. Ông tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục bơm ra một lượng vàng lớn nữa, quy mô có thể sẽ được co hẹp so với thời gian trước.

Ông Hiếu đồng thời nhận định có khả năng NHNN sẽ mua vào trở lại. “Nhưng câu chuyện mua vào lúc này dường như là xa vời vì nhu cầu vẫn rất lớn”, ông Hiếu nói.

Một chuyên gia khác cũng có ý kiến rằng việc NHNN bán đấu thầu vàng miếng chắc chắn chưa dừng lại. Ông tuy nhiên bày tỏ một chút quan ngại về việc bán đấu thầu cũng như cơ chế độc quyền vàng miếng của NHNN.

Theo vị này, bán đấu thầu hiện nay cơ bản là tốt, vì NHNN đã hút được một lượng tiền lớn về và có khoản chênh lệch không nhỏ, trên dưới 4 triệu đồng/lượng, để bổ sung vào ngân sách. Với quyết tâm bình ổn thị trường, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ về gần hơn với thế giới.

Tuy nhiên, NHNN không thể cứ mãi bán đấu thầu mà sẽ phải mua về khi nhu cầu hạ nhiệt và dư cung bởi chính sách độc quyền vàng miếng cũng như tuyên bố bấy lâu nay của NHNN. Đến đây thì câu chuyện lại đi xa hơn một chút. Chẳng hạn NHNN quyết định mua vàng về đúng thời điểm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng, không thể tránh khỏi việc người dân sẽ đẩy mạnh bán ra, đặc biệt là giới đầu cơ ăn theo chênh lệch giá.

Theo nhiều ước tính, hiện số vàng trong dân còn khoảng 300 - 400 tấn. Nếu số vàng này được đẩy mạnh bán ra, NHNN sẽ phải chi một lượng tiền rất lớn để mua về. Nếu giá vàng cứ ở xu hướng giảm như thời gian qua thì không còn gì tốt đẹp hơn, vì NHNN sẽ huy động được số vàng trong dân, tăng dự trữ, đồng thời đạt được mục đích là chuyển nguồn vốn vàng thành tiền đưa ra lưu thông, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu thị trường đảo chiều tăng trở lại, câu chuyện về mua bán vàng miếng sẽ còn nhiều điều phải bàn.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên