MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là nguyên nhân khiến sinh viên ngân hàng khó xin việc

07-02-2016 - 13:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Thực tế hiện nay đã có nhiều sinh viên ra trường với bằng loại ưu, kiến thức vững tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trong đó, ngành tài chính ngân hàng là một ví dụ điển hình.

Nhân lực vừa thừa vừa thiếu

Theo thống kê của chúng tôi, tại Việt Nam có khoảng hơn 200 trường đại học, học viện và cao đẳng, trong số này có đến gần 1/3 trường đào học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, kể cả những trường không hề có thế mạnh đào tạo cũng mở rộng giảng dạy ngành này.

Trong khi đó, với thực tế vài năm trở lại đây, với mặt bằng chung về đào tạo cử nhân ngành tài chính ngân hàng, do tâm lý chạy theo số đông của nhiều trường, chất lượng đào tạo ngành này chưa được đảm bảo.

Chương trình của các trường còn nặng tính lý thuyết, chưa cập nhật với những thay đổi của nền kinh tế, thiếu cơ hội thực tập và cọ xát thực tế cho sinh viên. Nhiều sinh viên ra trường không vững kiến thức, thiếu kỹ năng mềm, không thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với khách hàng và đối tác nước ngoài, gặp nhiều khó khăn trong thích ứng với công việc.

Điều này đã gây ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực trong ngành Tài chính – Ngân hàng. Sinh viên ra trường hàng năm rất nhiều, nhưng chất lượng chưa đủ đáp ứng yêu cầu nên không được tuyển dụng; còn các ngân hàng luôn trong tình trạng “khát” nhân lực có kiến thức nghề nghiệp vững vàng, năng lực thực tiễn cũng như đạo đức, trách nhiệm xã hội và tác phong chuyên nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc điều hành Navigo Search - một công ty cung ứng lao động: “Sau thời gian nhu cầu nhân lực cho ngành ngân hàng phát triển nóng về lượng, trong thời gian tới sẽ không có tuyển dụng ồ ạt như thời gian vừa qua, không phải thích học ngân hàng, có bằng ngân hàng là chắc chắn sẽ làm việc trong ngành ngân hàng. Phải là người có khả năng, kỹ năng làm bài bản, sở trường thiên hướng làm ngân hàng mới có cơ hội trụ lại ở ngành này. Những ai không có chất sẽ bị đào thải”.

Sinh viên ngân hàng còn thiếu gì?

Không chỉ riêng ngành tài chính ngân hàng mà điểm yếu chung của lao động Việt Nam chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và kỹ năng nghề …

Sắp tới, thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank, ngày nay trình độ học vấn và các bằng cấp chưa đủ để quyết định trong việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Nhà tuyển dụng còn căn cứ vào yếu tố cá nhân như kỹ năng, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp. Do vậy, các bạn trẻ cần phải mở rộng không chỉ là kiến thức về ngân hàng mà còn cần trang bị những kiến thức kỹ năng mềm.

Còn theo đại diện của Sacombank, ngân hàng sẽ lựạ chọn các ứng viên dựa trên các tiêu chí phù hợp với chức danh tuyển dụng cũng như theo đặc thù văn hóa Sacombank. “Về tổng quát, chúng tôi vẫn ưu tiên lựa chọn ứng viên theo thứ tự: Bằng cấp chuyên môn – Tố chất - Kỹ năng – Hình thức (ngoại hình, tác phong) – Kinh nghiệm công tác phù hợp vị trí ứng tuyển”, vị đại diện ngân hàng chia sẻ

Trao đổi thêm với chúng tôi, PGS. TS Đỗ Thị Kim Hảo, Phó Giám đốc Học Viện Ngân hàng cho biết, bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên ngành, sinh viên hiện nay cần rèn luyện thêm các kỹ năng mềm. "Để nâng cao các kỹ năng này, các bạn nên tham gia các câu lạc bộ, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tự tổ chức các sự kiện, hoạt động nhóm,…"

Ngoài ra, PGS. TS Đỗ Thị Kim Hảo cho biết, nhà trường sẽ quan tâm sát sao hơn quá trình thực tập của sinh viên thông qua việc liên kết với một số ngân hàng để tạo điều kiện cho sinh viên trong thời gian thực tập được tiếp cận công việc thực tế, ngân hàng cũng xây dựng các chương trình thực tập cho sinh viên tạo sự tự tin và hiểu biết tốt hơn trước khi đi làm.

Hơn nữa, nhu cầu nguồn nhân lực ngành ngân hàng đang hướng đến chất lượng cao, các ngân hàng sắp tới sẽ thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng và đặc biệt quá trình hội nhập sẽ đòi hỏi thành thạo kỹ năng ngoại ngữ.

TS. Hảo chia sẻ, sắp tới Học viện sẽ “khắt khe” hơn trong việc áp chuẩn Tiếng Anh và Tin học quốc tế từng năm một vào chương trình đào tạo để sinh viên không theo được sẽ học thêm ngay từ đầu.

Nói như NCS. Châu Đình Linh, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cơ hội việc làm trong ngân hàng đã và đang chia đều cho tất cả ứng viên. Nếu các ứng viên biết biến mình thành một sản phẩm – dịch vụ trên thị trường lao động, và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu tuyển dụng cho từng chức danh của ngân hàng. Hơn hết, sản phẩm – dịch vụ có chất lượng mới được khách hàng (nhà tuyển dụng ngân hàng) tin dùng.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên