MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh những ông chủ doanh nghiệp lớn “kết duyên” với ngân hàng

03-08-2015 - 20:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi ngành ngân hàng bơm vốn ra nền kinh tế thì những tập đoàn doanh nghiệp lại đổ vốn vào ngân hàng để thực hiện giấc mơ ông chủ nhà băng.

Nhiều tập đoàn “nhảy” vào ngân hàng

Trong Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng TMCP Đông Á (DAF) cho biết KDC (tập đoàn KIDO) sẽ đầu tư mua toàn bộ cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng, tương đương 17% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo thông tin từ KDC, Tập đoàn KIDO đang trong quá trình thẩm định đối với ngân hàng. HĐQT sẽ có quyết định sau khi có kết quả thẩm định, đánh giá đầu tư.

Lùi dần thời gian trở về trước, năm 2013, Tập đoàn Đồng Tâm (mã DTG), chủ tịch ông Võ Quốc Thắng, cũng đã rót vốn vào ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank). Theo hồ sơ của KienLongBank, ông Võ Quốc Thắng là Chủ tịch KienLongBank nhưng không nắm giữ cổ phần của ngân hàng này, nhưng ông Võ Quốc Lợi (con trai ông Thắng) lại nắm giữ tỷ lệ 4,68% cổ phần của KienLongBank.

Tập đoàn Thiên Thanh (Thien Thanh Group), Chủ tịch là ông Phạm Công Danh, trong năm 2013 Thien Thanh Group cũng đình đám khi bỏ vốn tham gia tái cấu trúc ngân hàng TMCP Xây Dựng (VNCB). Thien Thanh Group và nhóm cổ đông liên quan sẽ mua 80% cổ phần của VNCB và ông Danh giữ chức Chủ tịch VNCB. Vốn điều lệ của VNCB lúc đó là 3.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Thiên Thanh Group là 1.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2012, tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (Doji) đã đổ khoảng gần 1.000 tỷ đồng để mua 20% vốn của ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongbank), lúc đó vốn của ngân hàng này là 4.500 tỷ đồng.

Quản chặt lũng đoạn ngân hàng

Đến nay, thị trường ngân hàng Việt Nam đã có trên 10 ngân hàng có ông chủ là các tập đoàn doanh nghiệp.

Việc các tập đoàn kinh tế tham gia vào hoạt động ngân hàng cũng đã diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc khống chế tỷ lệ góp vốn của cổ đông lớn trong ngân hàng Việt ngược so với Mỹ.

Theo Điều 55, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010, cổ đông cá nhân được sở hữu không quá 5%, cổ đông tổ chức được sở hữu không quá 15%, cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, Luật về ngân hàng tại Mỹ quy định, cá nhân được sở hữu không quá 10%, tổ chức được sở hữu không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng tại Mỹ.

Theo lý luận của cơ quan làm luật Mỹ, khả năng khuynh đảo của tổ chức dễ xảy ra hơn cá nhân, vì khi một nhóm cá nhân trong tổ chức tụ lại với nhau dễ thao túng ngân hàng hơn.

Bài học nhãn tiền cho sự sụp đổ ngân hàng khi có sự tham gia góp vốn của tập đoàn khi VNCB, Ocean Bank bị mua lại với giá 0 đồng.

Hiện những ông chủ ngân hàng đến từ tập đoàn doanh nghiệp đang mở rộng hoạt động cần nhiều tiềm lực để lớn mạnh hơn nữa.

Đứng đằng sau ngân hàng TMCP An Bình (mã ABB) là CTCP Xuất Nhập Khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), tỷ lệ góp vốn gần 13%. Chủ tịch Geleximco là ông Vũ Văn Tiền, đồng thời là Chủ tịch ABB.

Song hành với ngân hàng TMCP Kỹ Thương (TCB) là Tập đoàn Masan (mã MSN), Chủ tịch ông Nguyễn Đăng Quang, tỷ lệ nắm giữ vốn của MSN trong TCB khoảng 30,4% (thông tin trên trang website của MSN). Chủ tịch TCB là ông Hồ Hùng Anh, đồng thời là Phó Chủ tịch MSN.

Ông Dương Công Minh, chủ tịch ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng chính là Chủ tịch của công ty cổ phần Him Lam. Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB) đồng thời là chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn T&T…

Các tập đoàn tham gia ngân hàng đều có hoạt động liên quan đến bất động sản và muốn đẩy mạnh lĩnh vực này. Riêng MSN tuyên bố tập trung phát triển về ngành hàng tiêu dùng.

 

Hoạt động tập đoàn với hàng loạt công ty con và công ty liên kết thì ngân hàng là “cổng tài chính” bơm vốn cho các thành viên là điều dễ hiểu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trên thế giới, ngân hàng thành viên vẫn cho các công ty thành viên trong tập đoàn vay vốn, nhưng không ưu đãi, đủ điều kiện thì được vay.

Tái cấu trúc ngân hàng, vấn đề quản trị cần những ông chủ ngân hàng có chuyên môn và kinh nghiệm, vì đây là hoạt động chuyên sâu về tài chính. Đặc biệt, khi ngành ngân hàng Việt mới đang tiến tới chuẩn ngân hàng quốc tế, thực hiện Hiệp ước vốn Basel II, trong khi ngân hàng thế giới đã áp chuẩn Basel III từ lâu.

 

 

Theo Linh Lan

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên